Đạo Phật với Y học Đông Tây

Từ thời Tam quốc, hai vị sư Ấn Độ là Nhượng-nạ-bạt-đà và Da-xa-quật-đa đã dịch Ngũ minh luận trong đó có Y phương minh (Cikitsavidya) là phương pháp sử dụng tri thức y học với một hệ thống lý luận chặt chẽ để bảo vệ sức khoẻ, điều trị bệnh tật. Y phương minh bao gồm các chủ đề về tâm lý, y học, dược học, thiền định, tu trì, võ thuật bảo kiện, cường thân, v. v… Y phương minh là phương pháp hiệu quả trong việc hoằng dương Phật pháp.

Như chúng ta đã biết: Cái vốn có trong người tu đạo Phật là Phật tánh, Phật thân; nếu hiểu theo thông thường là” Thân Tâm thường lạc”, nghĩa là sống vui tươi, lành mạnh trong khoảnh khắc của cuộc đời. Muốn có cái Tâm thường lạc, chúng ta phải có những phương pháp gạn đục, khơi trong. Phương pháp thiền của đạo Phật là công phu căn bản nhất đối với người tu tập, để đoạn trừ khổ đau, chứng đắc an lạc Niết-bàn.

Theo y học phương Tây thì thiền định nếu được thực hành đều đặn sẽ đem lại cho tâm trí một trạng thái thư giãn, yên tĩnh, với một tầm nhìn mở rộng.

Những nghiên cứu gần đây của Phòng thí nghiệm Thần kinh học thuộc Đại học Wincosin (USA), về chức năng của não bộ còn cho thấy: thùy trán trái là nơi chỉ huy các tình cảm tích cực như sự an vui, hoan hỷ, thanh thản, thương yêu. v.v… Và thuỳ trán phải là nơi chỉ huy các tình cảm tiêu cực như đau khổ, buồn phiền, lo âu, giận dữ. v.v… Khi đang toạ thiền, hoặc hành thiền, thuỳ trán trái sẽ được kích thích (sáng hẳn lên) và thuỳ trán phải bị ức chế (mờ nhạt đi), như thế sẽ làm gia tăng sư an vui, hoan hỷ, thanh thản, thương yêu, và sẽ giảm đi phần nào sự đau khổ, buồn phiền, lo âu, giận dữ. v.v… Ngoài ra, hệ thống miễn dịch trong cơ thể cũng được gia tăng, góp phần phòng chống bệnh tật. Người ta cũng còn nhận thấy ngay cả những người tuy không tham thiền hoặc hành thiền, nhưng họ luôn có những suy nghĩ vị tha và thường xuyên làm điều thiện thì cũng có những tác dụng gần giống như thế.

Đạo Phật phương đông không tách rời Đạo Khổng và Đạo Lão, nên có sự hoà hợp khá nhuần nhuyễn. Thật vậy, Khổng Tử lấy “chính khí”, Lão Tử lấy “thanh khí”. Người tu đạo Phật lấy “hoà khí” làm sức mạnh thật là phù hợp với quan niệm hiện đại của y học Đông Tây trong việc phòng chống bệnh tật và kéo dài tuổi thọ. Trong đó “hoà khí” là vấn đề tối ưu và rất phù hợp với thuyết cân bằng âm dương của y học phương Đông.

Trong đời sống công nghiệp hiện nay, nhất là ở các nước phát triển sự tác động của môi trường thiên nhiên và xã hội cũng như những mối quan hệ khá phức tạp và căng thẳng đã làm cho con người càng ngày càng phải đương đầu với những căn bệnh mà y học phương Đông gọi là Thất tình nội thương (bệnh tình chí bị rối loạn), theo Phật giáo thì bởi lẽ con người do không nhận chân được tính duyên sinh của vạn hữu, mà trở lại chấp vào cái ngã, ngã sở là thật có, để rồi bị thất tình lục dục cuốn lôi nên phải chịu nhiều đau khổ. Phật dạy: ” Ham muốn nhiều là khổ, cuộc sống chất đầy khổ đau là do lòng tham không bờ bến, trừ được lòng tham muốn thì thâm tâm tự tại, an vui” (kinh Bát Đại Nhân Giác). Ngũ giới với năm điều khuyên: không làm tổn hại sinh linh, không lấy của không không cho, không tà hạnh trong các dục, không nói dối, không uống rượu và các thứ làm say người, cũng nhằm mục đích huấn luyện cả tâmthân cho người tu đạo Phật, mà đó cũng là những điều răn rất phù hợp với y học hiện đại.

Theo đạo Phật nguyên nhân gây bệnh do hai nhân tố chính là nội duyên(những điều kiện bên trong như: dục vọng, lo nghĩ, buồn rầu, sợ hải, nóng giận…) và ngoại duyên (những điều kiện bên ngoài như: nóng, lạnh, đói, khát, bị thương…).

Những vấn đề trên đây phù hợp với nguyên nhân gây bệnh của Y học phương Đông, thật vậy theo Đông y thì nguyên nhân gây bệnh gồm có:

– Ngoại nhân do lục dâm: phong, hàn, táo, hỏa, thử, thấp…gây nên.

– Nội nhân do thất tình nội thương, nguyên khí hư tổn do sắc dục quá độ, ăn uống bừa bãi. Đông y từ ngàn xưa đã đặc biệt chú trọng đến nguyên nhân chính phát sinh bệnh tật là thất tình nội thương (sự thương tổn nguyên khí của ngũ tạng do sự biến động của bảy tình gây nên) gồm:

-Hỷ: (vui) mừng quá thì thương tổn đến tâm thần, thần khí hoảng hốt, lời nói lộn xộn, cử chỉ thất thường.

– Nộ: (giận) tức quá thì thương tổn dến can khí, làm cho can khí nghịch, quá lắm có thể gây hôn mê hay bất tỉnh.

– Ưu: lo lắng quá thì thương tổn dến phế tạng, rồi sau đó ảnh hưởng đến tỳ với các triệu chứng: hơi thở ngắn, bụng trướng, kém ăn.

– Tư: suy nghĩ quá thì thương tổn dến tâm tỳ làm cho người bệnh kém ăn, hồi hộp, chóng quên, lười biếng.

– Bi: buồn phiền quá thì khí tiêu, thương tổn đến tâm phế với chứng trạng: mặt mày thảm đạm, thần khí bất túc.

– Khủng: sợ hãi quá thì khí hạ, thương tổn đến thận.

– Kinh: khiếp hoảng thái quá thì khí loạn, tâm thần bất an.

Sự hoạt động của Thất tình trong Đông y thường lấy của ngũ tạng làm cơ sở vật chất và có sự liên hệ chặt chẽ với ngũ hành tương ứng với ngũ uẩn (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức) của đạo Phật.

Thất tình nội thương phần nhiều là do hoàn cảnh ngoại lai kích thích mà sinh ra; nhưng trái lại, nếu có bệnh biến ở nội tạng thì cũng ảnh hưởng lớn đến thất tình. Đây chính là sự vận hành nhân quả, cái nầy phát sinh thì cái kia sinh, cái này hủy diệt thì cái kia cũng diệt giống như sự tương quan giữa thập nhị nhân duyênngũ uẩn vậy.

Ngày nay, sự tiến bộ của y học hiện đại đã chứng minh được trạng thái tinh thần có vai trò vô cùng quan trọng. Sự buồn bả, chán nản, u sầu, sợ hãi sẽ rút ngắn đời sống của con người, làm cho tuổi già mau tới, cũng như những ấn tượng không tốt sẽ làm giảm những hoạt động sống của cơ thể, ngược lại những cảm giác vui vẻ, thoải mái và trong sáng (cũng như từ bi, hỷ xả của nhà Phật) sẽ làm tăng cường các hoạt động tốt cho cơ thể.

Giáo sư Carnot (Pháp) đã có nhận xét trên thực nghiệm lâm sàng cho thấy vết thương ở người lính thắng trận thì lành nhanh hơn người lính bại trận trong cùng một điều kiện điều trị và điều dưỡng.

BS.Bachman (Đức) sau nhiều năm nghiên cứu y học Đông phương đã phát biểu:

Thất tình nội thương sở dĩ làm cho người ta dễ ốm đau là vì tình chí bị biến động làm cho hệ giao cảm bất hoà ảnh hưởng đến nội tiết, nếu kéo dài sự biến động nầy sẽ dẫn đến bệnh tật”.

Thật kỳ diệu thay, người tu đạo Phật đã biết đứng vững trước những biến động tình chí qua lời dạy của kinh Pháp cú:

“Như tảng đá kiên cố,

Không gió nào động lay,

Cũng vậy giữa khen chê,

Người trí không dao động...”

Tóm lại, qua cách nhìn của các nhà y học hiện đại, thì những sinh hoạt của đạo Phật sẽ đem lại cho người tu tập có một sức khoẻ hài hòa và toàn diện. Điều này mới đây tổ chức sức khỏe thế giới (WHO) đã định nghĩa về sức khỏe:

“Sức khoẻ là một trạng thái thoải mái đầy đủ về thể chất, tâm thần và xã hội, chứ không chỉ bó hẹp vào nghĩa là không có bệnh hay thương tật; là một quyền cơ bản của con người…”.

Thật vậy bằng con đường Giới – Định – Tuệ, Phật giáo đã và đang được giới y học phương Tây đề cao, người hành trì đúng con đường ấy thì không những tạo cho mình một trí tuệ sáng suốt mà còn thêm cả sự an lạc.Trong khi nhân loại đang bị cuốn hút vào cuộc sống của vật chất và đang bị đe doạ với những căn bệnh nan y và các tệ nạn xã hội, thì đạo Phật đã đem con người trở về với chính mình, biết ý thức về cuộc sống để mong thoát khỏi những nguyên nhân gây khổ đau và bệnh tật./.

NGƯT, BS. ĐoànVăn Quýnh – Nguyên Dương

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*