Loãng xương (LX) là một loại bệnh về rối loạn chuyển hóa xương một cách âm thầm, lặng lẽ, không dễ phát hiện ở giai đoạn sớm. Đặc trưng của bệnh là sự giảm sút mật độ xương, kết cấu các tổ chức xương bị phá vỡ dẫn đến giòn xương, dễ gãy. Đặc biệt ở bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) thì càng tạo thành một vòng xoắn bệnh lý, làm cho bệnh nặng lên, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, giảm khả năng lao động và có thể dẫn đến tàn tật suốt đời.
ĐTĐ ảnh hưởng đến xương như thế nào?
Ảnh hưởng đến chuyển hóa canxi, photpho và các khoáng chất: ĐTĐ nếu không được điều trị tốt, đường huyết tăng cao, lượng đường bị đào thải ra ngoài theo nước tiểu nhiều kéo theo lượng canxi, photpho cũng bị đào thải ra nhiều, dẫn đến giảm sút mật độ xương gây ra loãng xương. Đường huyết lúc đói và đường trong nước tiểu càng tăng cao thì mật độ xương càng thấp. Nếu đường huyết giảm xuống gần với trị số bình thường thì canxi niệu cũng giảm xuống mức bình thường.
Ảnh hưởng đến chuyển hóa xương: Ở người ĐTĐ, do sự suy giảm chức năng của tế bào cốt trưởng thành làm cho sự hình thành xương hoặc bị giảm sút, hoặc bị chậm lại nhưng quá trình tiêu hủy của xương hoặc vẫn bình thường, hoặc tăng hoặc giảm. Ngoài ra, trên tế bào cốt trưởng thành có các thụ thể của insulin có thể làm tăng chức năng và tăng sinh tế bào cốt trưởng thành, nếu thiếu insulin sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của xương. Vì vậy người bệnh ĐTĐ có biến chứng bệnh lý về xương, mật độ xương giảm sút hoặc loãng xương.
Ảnh hưởng đến mật độ xương: Đo mật độ xương vùng thắt lưng, đoạn trên xương đùi cho thấy sự thay đổi mật độ xương giữa bệnh nhân ĐTĐ týp I và týp II hoàn toàn khác biệt. Mật độ xương bị giảm sút thường gặp ở bệnh nhân ĐTĐ týp I do bệnh nhân thường ở lứa tuổi trẻ, trước 20 tuổi, lúc này xương đang phát triển mạnh, người bệnh gầy nhiều và sự thiếu hụt insulin đều có liên quan đến sự phát triển của xương.
Loãng xương gây hậu quả nặng nề
LX diễn ra âm thầm, lặng lẽ và được ví như tên ăn cắp vặt, tiến triển dần mỗi ngày nên khi có các dấu hiệu lâm sàng thì cơ thể đã mất tới khoảng 30% khối lượng xương và có thể bệnh đã nặng, đôi khi chỉ phát hiện ra sau khi đã bị gãy xương.
Các triệu chứng thường gặp ở những người bị LX:
Đau: chiếm 70-80%, chủ yếu là đau ở vùng lưng, thắt lưng. Đau âm ỉ, đau nhiều dọc vùng xương sống lan ra hai bên, đau các xương dài như xương đùi, xương cẳng chân, nhức ở bên trong, cảm giác mơ hồ, nhiều khi có kèm theo chuột rút. Nghỉ ngơi, nằm hoặc ngồi đỡ đau, đứng lâu hoặc ngồi lâu đau tăng, ban ngày đỡ đau, nửa đêm gần sáng đau tăng.
Biến dạng cột sống, gù lưng, chiều cao giảm: thường xuất hiện sau các triệu chứng đau.
Gãy xương khi bị những chấn thương nhẹ là hậu quả cuối cùng của bệnh LX, thường gặp ở cột sống, thắt lưng và đặc biệt là gãy cổ xương đùi rất thường gặp ở bệnh nhân ĐTĐ lớn tuổi do bệnh nhân bị LX trầm trọng, kèm theo có rối loạn về chuyển hóa và nội tiết, có bệnh lý tim mạch, huyết áp,… Người bệnh rất khó liền xương, đa số phải nằm tại chỗ nhiều ngày. Điều đó không những làm LX càng nặng lên mà còn kéo theo nhiều nguy cơ như bội nhiễm đường hô hấp, đường tiết niệu, loét mục ở các điểm tỳ đè.
Dự phòng loãng xương
Khống chế bệnh ĐTĐ là biện pháp phòng ngừa quan trọng nhất; duy trì đường huyết ở mức bình thường hay gần như bình thường có thể làm cho canxi, photpho, magie và các chất chuyển hóa khác có thể cân bằng trở lại; đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng, vitamin, tổ chức hợp lý bữa ăn: các thành phần dinh dưỡng trong thức ăn không cân đối, hợp lý, dinh dưỡng không đủ hay lượng dinh dưỡng quá dư thừa đều cản trở sự hấp thu canxi, xuất hiện hiện tượng mất xương và phát sinh LX. Cần lựa chọn các loại thực phẩm giàu canxi, photpho, vitamin như sữa, chế phẩm của sữa, thịt nạc, trứng, tôm cá; các loại rau xanh, hoa quả tươi… Chế độ ăn đủ canxi hay vitamin D là cơ sở quan trọng duy trì sự cứng cáp và đậm độ xương. Tuy nhiên, khi điều trị nếu chỉ dùng đơn độc canxi hay vitamin D thì chưa đủ, chúng chỉ có tác dụng hỗ trợ với các thuốc điều trị khác. Bên cạnh đó, cần loại bỏ các thói quen xấu trong sinh hoạt hàng ngày như nghiện rượu, cà phê, thuốc lá…
Vận động và phơi nắng: Phơi nắng rất có ích với người cao tuổi. Tia hồng ngoại có thể xuyên qua tổ chức dưới da làm mạch máu giãn nở, tăng tuần hoàn máu và tăng tổng hợp vitamin D giúp chuyển hóa canxi, photpho làm tăng sự hình thành xương, giúp phòng chống LX. Vận động cơ thể thường xuyên làm tăng chức năng hoạt động của tim, phổi; nâng cao khả năng miễn dịch, phòng chống bệnh tật.
Những lưu ý trong điều trị
Hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị điều trị LX cũng như bệnh lý LX do ĐTĐ. Khi phát hiện bị LX thì bất kỳ một loại thuốc nào cũng không có tác dụng tái tạo hay khôi phục lại độ cứng của xương cũng như những chất xương đã bị mất đi. Vì vậy, cần phát hiện bệnh và điều trị sớm bằng các thuốc ổn định đường huyết (các thuốc hạ glucose máu); các thuốc có tác dụng thúc đẩy quá trình hình thành xương: vitamin D, D3 hay cancitriol đồng thời bổ sung canxi 500-1.000mg/ngày. Vitamin D có tác dụng quan trọng đối với hấp thu canxi, photpho ở ruột non; tác động trực tiếp vào việc hình thành và cốt hóa xương. Nhưng nếu liên tục dùng vitamin D trong một thời gian quá dài cơ thể sẽ bị ngộ độc vitamin D: đau đầu, mệt mỏi, ngứa ngoài da, buồn nôn, nôn, đau bụng; nặng hơn có thể ảnh hưởng tới chức năng thận, gây khát, đái nhiều, các khớp bị vôi hóa, canxi trong máu tăng cao… Vì vậy, chỉ nên dùng thuốc dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý sử dụng một cách bừa bãi.
Tóm lại, ĐTĐ và loãng xương có cơ chế bệnh sinh phức tạp, điều trị nhiều khó khăn, nhiều biến chứng. LX là một trong những biến chứng của của ĐTĐ nên điều trị cần phải đồng bộ, toàn diện, bao gồm thuốc men, chế độ ăn uống và vận động.
Nguồn : TS. Tâm Thuận (Suckhoedoisong.vn)