Breaking News

Nghiên cứu tình trạng nhiễm cytomegalovirus ở trẻ động kinh

Tôn Nữ Vân Anh1

  1. Đại học Y Dược Huế

TÓM TẮT

Đặt vấn đề: Động kinh là một rối loạn thần kinh mạn tính, ảnh hưởng đến nhiều người ở mọi lứa tuổi trên thế giới. Một vài nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng nhiễm Cytomegalovirus (CMV) là một trong những nguyên nhân gây động kinh tiềm ẩn.

Mục tiêu: điều tra tình trạng nhiễm CMV ở trẻ động kinh và một vài điểm khác biệt về lâm sàng giữa nhóm có huyết thanh CMV dương tính và âm tính.

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Chúng tôi chọn 72 bệnh nhi được chẩn đoán động kinh vào điều trị tại Trung tâm Nhi Khoa- Bệnh viện trung ương Huế và tiến hành xét nghiệm tìm kháng thể IgM, IgG của CMV trong huyết thanh bằng phương pháp ELISA. Chúng tôi chia thành hai nhóm nghiên cứu (nhóm có huyết thanh dương và nhóm có huyết thanh âm tính với CMV) và tìm sự khác biệt giữa hai nhóm về một vài đặc điểm lâm sàng của trẻ động kinh.

Kết quả: Tỉ lệ nhiễm CMV ở trẻ động kinh chiếm 81,9% chủ yếu trẻ đã nhiễm mạn tính trước đó. Trong đó có tỷ lệ trẻ có nhiễm CMV đang tiến triển chiếm 34,7% ( trẻ có IgM dương tính hoặc IgG dương tính cao hơn 4 lần so với chứng). Nhóm có nhiễm CMV đang tiến triển so với nhóm còn lại có khác biệt nhau về tần suất động kinh với (p<0,05).

Tuy nhiên chúng tôi nhận thấy không có sự khác biệt giữa hai nhóm về tuổi, giới tính, loại cơn động kinh và thời gian bị bệnh động kinh.

Kết luận: Tình trạng nhiễm Cytomegalovirus chiếm tỉ lệ khá cao ở trẻ bị động kinh. Do đó việc tìm kiếm nguyên nhân này trong nguyên nhân tiềm ẩn là cần thiết trong việc điều trị để giảm tỷ lệ tái phát, kháng trị và giảm việc phải điều trị kéo dài thuốc kháng động kinh

Từ khóa: Cytomegalovirus (CMV), trẻ em động kinh.

ABSTRACT

STUDY STATUS OF CYTOMEGALOVIRUS INFECTION

IN EPILEPTIC CHILDREN

Ton Nu Van Anh1

 

Background: Epilepsy is a chronic neurological disorder that affects many people of all ages around the world. Several recent studies have shown that infection cytomegalovirus (CMV) is one of the causes in cryptogenic epilepsy.

Objective: to investigate CMV infection in young epileptic and clinical characteristic differences between seropositive and seronegative with CMV.

Material and methods: We selected 72 patients diagnosed epilepsy in Center Pediatrics and Hue Central Hospital conducted tests for CMV IgM, IgG in serum by ELISA. We divided into two study groups (groups with seropositive and seronegative group with CMV) and finding the difference between the two groups on several clinical characteristics of epileptic children.

Results: The prevalence of CMV in epileptic children 81,9%, mainly chronical infection. Including the rate of children with progressing infection CMV was 34.7 % (IgM positive or IgG positive 4 times higher than controls). There is statiscally significant bewteen the group is progressing infection CMV and the negative group with the frequency seizure (p < 0.05). However, we found no signifcant between the two groups in age, gender, type of seizures and epilepsy duration.
Conclusion: Cytomegalovirus infected status rather high proportion of children with epilepsy. The finding for causes of cryptogenic epilepsy is essential in the treatment to reduce the recurrence rate, the resistance of treatment and prolonged AEDs treatment.

Key words: Cytomegalovirus (CMV), young epileptic

 

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

          Theo các nghiên cứu trên thế giới, tỷ lệ động kinh thay đổi từ 0,5-1% dân số thế giới, là bệnh thần kinh thường gặp nhất ở trẻ em và bệnh có thể gặp ở cả hai giới. Đây là tình trạng cấp cứu vì có thể gây tử vong cho trẻ trong cơn do ngạt hoặc để lại nhiều biến chứng, di chứng ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần vận động của trẻ sau này. Quá nửa số động kinh trẻ em không có nguyên nhân hay nguyên nhân ẩn. Nguy cơ lặp lại cơn giât sau lần đầu tiên là khoảng 23-71%. Việc chẩn đoán động kinh tương đối rõ ràng, tuy nhiên quá trình điều trị với thuốc kháng động kinh cần thời gian dài và tỷ lệ động kinh kháng trị rất cao. Do vậy cần tìm kiếm những nguyên nhân tiềm ẩn để kết hợp điều trị giảm tỷ lệ kháng trị là vấn đề cần đặt ra. Một trong những nguyên nhân tiềm ẩn gây động kinh ở đây gây là tình trạng trẻ nhiễm virus. Cytomegalovirus là một trong những virus gây tổn thương hệ thần kinh và động kinh là hậu quả.Cytomegalovirus ở người là loại Human Herpesvirus 5 (HHV-5), CMV có thể lây nhiễm từ dịch thể người nhiễm virus, phần lớn là lây truyền từ mẹ sang con. Nhiều nghiên cứu ghi nhận Cytomegalovirus là nguyên nhân tiềm ẩn gây động kinh, tỷ lệ nhiễm cytomegalovirus bẩm sinh gây co giật sau sinh có thể lên đến 37% [2]. Trẻ bị nhiễm CMV thường không có triệu chứng, tuy nhiên có tỷ lệ gây tổn thương nhiều cơ quan đặc biệt não. Theo nghiên cứu của một số tác giả đã phân lập CMV ở thùy thái dương, hồi hải mã ở trẻ động kinh[4]. Tuy nhiên đây là virus có thể điều trị được với thuốc đặc hiệu. Theo nghiên cứu của tác giả Dunin-Wasowicz theo dõi dọc những bệnh nhi động kinh với CMV có điều trị kháng virus có tỷ lệ cao trẻ không lên cơn giật trong khoảng thời gian > 3 năm không dùng thuốc kháng động kinh [1].

Những năm gần đây, với sự phát triển của các kỹ thuật miễn dịch học, các xét nghiệm tìm kiếm virus đã phát triển. Các xét nghiệm tìm kháng thể đặc hiệu của cytomegalovirus có thể thực hiện được

Ở Việt Nam, vấn đề nghiên cứu động kinh về tìm hiểu nguyên nhân tiềm ẩn nhiễm virus hệ thần kinh, đặc biệt là Cytomegalovirus ở trẻ em vẫn còn hạn chế, cũng như chưa được nhìn nhận đúng mức về khả năng gây tổn thương thần kinh của tác nhân này. Việc điều trị động kinh có nguyên nhân rõ ràng góp phần tăng tỷ lệ khỏi bệnh cho trẻ, giảm gánh nặng trong điều trị thuốc kháng động kinh kéo dài và tốn kém. Vì thế chúng tôi thực hiện nghiên cứu này nhằm mục tiêu:

– Xác định tỷ lệ nhiễm Cytomegalovirus ở trẻ động kinh.

– Nghiên cứu một số yếu tố liên quan về lâm sàng giữa nhóm có nhiễm nhiễm CMVvà nhóm trẻ động kinh không nhiễm

  1. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

Tất cả những bệnh nhi dưới 15 tuổi được chẩn đoán xác định động kinh tại thời điểm nghiên cứu tại Trung tâm Nhi Khoa Bệnh viện Trung Ương Huế.

Thời gian nghiên cứu: từ tháng 6/2012 – 1/2014

2.2. Phương pháp nghiên cứu: mô tả cắt ngang.

2.3. Các bước tiến hành

Chúng tôi có 72 bệnh nhi được chẩn đoán động kinh vào điều trị tại Trung tâm Nhi Khoa- Bệnh viện trung ương Huế và tiến hành xét nghiệm tìm kháng thể IgM, IgG của CMV trong huyết thanh bằng phương pháp ELISA (thực hiện tại Bộ môn Miễn Dịch Trường Đại học Y Dược Huế). Chúng tôi chia thành hai nhóm nghiên cứu (nhóm có huyết thanh dương và nhóm có huyết thanh âm tính với CMV và tìm sự khác biệt giữa hai nhóm về một vài đặc điểm lâm sàng của trẻ động kinh.

            + Những trường hợp CMV dương tính (+) khi IgG hay IgM dương tính.

            + Những trường hợp trẻ nhiễm CMV đang tiến triển (++) khi IgM vàIgG dương tính hay hiệu giá kháng thể IgG tăng gấp 4 lần so với chứng.[2]

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Tỷ lệ nhiễm Cytomegalovirus ở trẻ động kinh

Bảng 1: Tỷ lệ nhiễm cytomegalovirus ở trẻ động kinh

Kết quả CMV n %
Dương tính + 59 81,9
Âm tính 13 18,1
Tổng 72 100

Bảng 2: Kết quả xét nghiệm tỷ lệ huyết thanh dương tính với CMV

Kết quả n %
IgM (+), IgG(+) 9 12,5
IgM (+), IgG(-) 2 2,8
IgM(-), IgG (+) 48 66,6
IgM(-), IgG(-) 13 18,1
Tổng 72 100

Bảng 3: Tỷ lệ trẻ động kinh nhiễm CMV đang tiến triển

Nhiễm CMV tiến triển n %
Dương tính tiến triển CMV(++) 25 34,7
Mang virus CMV(-+) 32 44,5
Âm tính CMV(-) 15 20,8
Tổng 72 100

3.2. Sự khác biệt giữa hai nhóm CMV dương tính và CMV âm tính về một vài đặc điểm lâm sàng của trẻ động kinh

3.2.1. Nhóm tuổi

                        Bảng 4: phân bố nhiễm CMV giữa hai nhóm về nhóm tuổi

Nhóm tuổi CMV(++) CMV(-+) , CMV(-) P
n(25) % n(47) %
≤1 tuổi 11 44,0 12 25,5  

>0,05

1-5 tuổi 10 40,0 21 44,7
Trên 5 tuổi 4 16,0 14 29,8

3.2.2. Giới

                                    Bảng 5: Sự khác biệt hai nhóm về giới

Giới tính CMV(++) CMV(-+) , CMV(-) P
n(25) % n(47) %
Nam 11 44,0 26 55,3  

>0,05

Nữ 14 56,0 21 44,7

3.2.3. Loại cơn động kinh

            Bảng 6: Sự khác biệt của hai nhóm về phân loại cơn động kinh

Loại cơn ĐK CMV(++) CMV(-+) , CMV(-) P
n(25) % n(47) %
Toàn thể 19 76,0 34 72,3 >0,05
Cục bộ 6 24,0 13 27,7

3.2.4. Thời gian mang bệnh động kinh

Bảng 7: Sự khác biệt hai nhóm về thời gian mang bệnh động kinh

 

Thời gian mang bệnh

CMV(++) CMV(-+) , CMV(-)
n(25) % n(47) %
< 1 năm 21 84,0 31 66,0
  • 2 năm
4 16,0 6 12,8
  • 5 năm
0 0,0 6 12,8
>5 năm 0 0,0 4 8,4

3.2.5. Tần suất cơn động kinh

            Bảng 8: Sự khác biệt hai nhóm về tần suất cơn động kinh

 

Tần suất cơn động kinh

CMV(++) CMV(-+) , CMV(-)  

 

 

p<0,05

n(25) % n(47) %
Cơn hàng ngày 8 32,0 7 14,9
Cơn hàng tuần 9 36,0 10 21,3
Cơn hàng tháng 4 16,0 15 31,9
Cơn mỗi 3-6 tháng 3 12,0 8 17,0
Cơn trên 6 tháng 1 4,0 7 14,9
  1. BÀN LUẬN

            Tỉ lệ có nhiễm CMV với IgM dương tính hoặc IgG dương tính ở trẻ động kinh cao chiếm 81,9%, trong đó chủ yếu tỷ lệ trẻ động kinh có nhiễm CMV IgG chiếm đa số. Như vậy khả năng trẻ đã nhiễm CMV từ trước qua đường mẹ thai. Nghiên cứu chúng tôi cũng ghi nhận tỷ lệ trẻ nhiễm CMV dương tính đang tiến triển ở trẻ động kinh chiếm tỷ lệ cao đến 34,7%. Kết quả này tương tự với tác giả Suzuki, Y và cộng sự ghi nhận đến 37 % trẻ nhiễm CMV bẩm sinh có biểu hiện động kinh sau đó [2].

            Nghiên cứu cũng ghi nhận không có sự khác biệt về giới giữa hai nhóm nhiễm CMV tiến tiển và nhóm còn lại, điều này cũng phù hợp với y văn không có sự khác biệt về tình trạng nhiễm virus CMV giữa hai giới [7].

xét nghiệm CMV dương tính gặp nhiều ở nhóm dưới 1 tuổi, tuy nhiên sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê.

            Số trẻ bị động kinh toàn thể có tỉ lệ nhiễm CMV khá cao, nhưng không thấy có sự khác biệt giữa hai nhóm toàn thể và cục bộ p > 0,05. Một số nghiên cứu cũng đã ghi nhận nhiễm CMV gây ra dạng động kinh toàn thể ở dạng cơn lớn hoặc cơn nhỏ [8].

Nghiên cứu cũng đã ghi nhận đa phần những trẻ có nhiễm CMV tiến triển được phát hiện sớm ở thời gian xuất hiện bệnh dưới 1 năm chiếm tỷ lệ cao.

            Tần suất cơn động kinh với cơn hàng ngày ở nhóm có CMV tiến triển cao hơn có ý nghĩa thống kê p < 0,05. Khả năng do trẻ nhiễm CMV làm tổn thương não làm

tăng tần suất động kinh và khả năng tái phát cơn càng nhiều.

  1. KẾT LUẬN

            Tình trạng nhiễm Cytomegalovirus chiếm tỉ lệ khá cao ở trẻ bị động kinh. Do đó việc tìm kiếm nguyên nhân này trong nguyên nhân tiềm ẩn là cần thiết trong việc điều trị để giảm tỷ lệ tái phát, kháng trị và giảm việc phải điều trị kéo dài thuốc kháng động kinh

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Adler SP (2005), Congenital cytomegalovirus screening, Pediatr Infect Dis J, 24, pp. 1105- 1106.
  2. Barry S, Zuckerman J, Banatvala J E, Griffiths P E (2004), Cytomegalovirus. Principles and Practice of Clinical Virology, Chichester: John Wiley & amp; Sons, pp. 85-122.
  3. Dunin-Wasowicz, D.Kasprzyk-Obara, J.Jozwiak, S (2010), Successful antiepileptic drug withdrawal in infants with epilepsy and cytomegalovirus neuroinfection: longitudinal study, Epilepsi,51(7), pp. 1212- 8.
  4. Iannetti, P.Morellini, M.Raucci, U.Cappellacci, S.(1988), HLA antigens, epilepsy and cytomegalovirus infection, Brain and development Journal,10(4), pp. 256- 8.
  5. Karatas, H et al (2008), Investigation of HSV-1, HSV-2, CMV, HHV-6 and HHV-8 DNA by real-time PCR in surgical resection materials of epilepsy patients with mesial temporal lobe sclerosis, Journal of Neuroscience, 264(2), pp. 151- 156.
  6. Suzuki, Y.Toribe, Y.Mogami, Y.Yanagihara, K.Nishikawa, M. (2008), Epilepsy in patients with congenital cytomegalovirus infection, Brain and development Journal, 30(6), pp. 420- 426.