Breaking News

“Chiến lược” phòng chống COVID-19 thời gian tới trước sức ép lớn

 – Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam có thể chia thành 3 giai đoạn và cho tới nay cơ bản đã được kiểm soát tốt, nhưng Ban Chỉ đạo quốc gia nhận định chúng ta đang đứng trước sức ép rất lớn, cần đảm bảo thực hiện mục tiêu kép nhưng phải tuyệt đối an toàn với các biện pháp cụ thể.

Báo cáo cập nhật tình hình và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 phục vụ Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 02/7/2020, Bộ Y tế cho biết, tình hình diễn biến dịch tại Việt Nam có thể chia thành 3 giai đoạn.

Giai đoạn thứ hai (từ trường hợp mắc số 17 đến trường hợp số 268), ghi nhận các trường hợp bệnh nhập cảnh vào Việt Nam trở về từ các khu vực, quốc gia đang có dịch như tại Châu Âu và Mỹ (đặc biệt chuyến bay VN00054 từ Anh về Việt Nam), đồng thời cũng ghi nhận các ổ dịch tại cộng đồng như ổ dịch tại quán Bar Buddha (TP. Hồ Chí Minh), Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội) và tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Bên cạnh đó, ghi nhận 4 trường hợp mắc COVID-19 là nhân viên y tế.

Cụ thể, giai đoạn thứ nhất từ trường hợp mắc đầu tiên đến trường hợp thứ 16.  Giai đoạn thứ nhất ghi nhận các trường hợp bệnh có liên quan đến tình hình dịch tại Trung Quốc, các bệnh nhân đều có tiền sử đi lại đến Vũ Hán hoặc tiếp xúc với người từ Vũ Hán trở về Việt Nam. Giai đoạn này cũng ghi nhận ổ dịch đầu tiên tại Việt Nam ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Giai đoạn thứ ba (từ trường hợp mắc số 269 đến nay), ghi nhận toàn bộ số ca mắc đều là các trường hợp trở về nước, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, không ghi nhận ca mắc mới tại cộng đồng kể từ ngày 16/4/2020. Các trường hợp mắc được ghi nhận trong giai đoạn này hầu hết đều là người Việt Nam trở về nước từ các quốc gia đang có dịch.

Trong Báo cáo, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, Việt Nam đã thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch sớm, chủ động và có hiệu quả. Ngay khi có thông tin về bệnh viêm phổi lạ tại Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Chỉ thị, Công điện quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, nhấn mạnh việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng, chống dịch, chấp nhận thiệt hại một phần về kinh tế để đổi lấy an toàn về sức khỏe, tính mạng của nhân dân, hạn chế thấp nhất tử vong do dịch bệnh.

Về các biện pháp chuyên môn, kỹ thuật, việc phòng, chống dịch bệnh được thực hiện theo nguyên tắc 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và kiên trì thực hiện chiến lược Ngăn chặn – Phát hiện – Cách ly – Khoanh vùng triệt để – Dập dịch quyết liệt – Điều trị.

Từ đầu tháng 6/2020 đến nay đã ghi nhận trên 23 ngàn lượt xuất nhập cảnh qua đường hàng không và gần 90 ngàn lượt xuất nhập cảnh qua đường biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào và Camphuchia.

Tính đến ngày 23/6/2020, đã thực hiện 372.523 xét nghiệm (bằng phương pháp RT-PCR), trong đó phát hiện 349 mẫu dương tính và 372.174 mẫu âm tính.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới không ghi nhận tử vong do COVID-19 (một trong 30 quốc gia, vùng lãnh thổ); kể từ ngày 16/4/2020 không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng.

Việt Nam cũng thực hiện điều trị có hiệu quả cao đối với các trường hợp mắc, không để tử vong. Toàn bộ các bệnh nhân trong giai đoạn 1, 2 của dịch đã được điều trị khỏi và xuất viện, hiện chỉ còn trên 20 trường hợp đang tiếp tục được điều trị tại các cơ sở y tế. Đặc biệt, điều trị thành công 2 ca bệnh được tiên lượng rất nặng, nguy kịch (bệnh nhân số 19 và 91).

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới nuôi cấy thành công virus SARS-CoV-2; nghiên cứu và chế tạo thành công bộ kít xét nghiệm, được WHO công nhận và được cấp chứng chỉ lưu hành trên thế giới; nghiên cứu và sản xuất thành công 5 loại sinh phẩm chẩn đoán in vitro xét nghiệm virus Corona (SARS-CoV-2); sớm hoàn thành phác đồ điều trị hiệu quả; hiện đang tiếp tục nghiên cứu vaccine phòng bệnh, thuốc điều trị.

Thực hiện mục tiêu kép, phải tuyệt đối an toàn

Tuy nhiên, Bộ Y tế nhận định, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với làn sóng dịch thứ hai nếu trong trường hợp xảy ra các ca lây nhiễm tại cộng đồng do bỏ sót các trường hợp nhập cảnh mắc bệnh hoặc các bệnh nhân nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng trong cộng đồng.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch bệnh COVID-19, chúng ta đang đứng trước sức ép rất lớn, một mặt phải giữ an toàn trong nước, mặt khác không thể đóng cửa, vì phải đưa công dân Việt Nam bị kẹt ở nước ngoài về nước, cũng như đón các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam làm việc, xúc tiến thương mại, hợp tác làm ăn. Do vậy, Ban Chỉ đạo quốc gia thống nhất tinh thần đảm bảo thực hiện mục tiêu kép nhưng phải tuyệt đối an toàn thông qua triển khai các biện pháp.

Trước hết, ngăn chặn dịch xâm nhập thông qua kiểm soát nhập cảnh đường hàng không và kiểm soát đường biên giới trên bộ, đường mòn, lối mở.

Đối với hoạt động kiểm soát dịch xâm nhập qua đường hàng không, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công an, Đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại để tổ chức hiệu quả các chuyến bay đón công dân (kể cả doanh nhân người Việt Nam) đang mắc kẹt tại nước ngoài, đồng thời phối hợp với Bộ, ngành liên quan về lộ trình nối lại đường bay với một số nước và quy trình cách ly đối với người nước ngoài nhập cảnh ngắn hạn, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về các nội dung nêu trên nhằm ngăn chặn dịch xâm nhập và từng bước tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế.

Đối với hoạt động kiểm soát dịch xâm nhập qua đường biên giới trên bộ, đường mòn, lối mở, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tổ chức tuần tra, kiểm soát đường biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở chặt chẽ; phân công, bố trí các tổ, chốt cố định, lưu động phù hợp với đường biên giới giáp Trung Quốc, Lào và Campuchia, đảm bảo kiểm soát, ngăn chặn, phát hiện sớm và xử lý các trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép.

Về các biện pháp phòng, chống dịch trong tình trạng “bình thường mới, Bộ Y tế đã xây dựng phương án xét nghiệm cho giai đoạn có ca bệnh xâm nhập từ nước ngoài về, ca bệnh thứ phát trong cộng đồng và các ổ dịch khu trú và chuẩn bị phương án xét nghiệm cho trường hợp bệnh lây lan rộng trong cộng đồng. Thực hiện chiến lược xét nghiệm ưu tiên cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao theo từng phương án phù hợp với tình hình dịch bệnh…

Bộ Y tế đã chủ trì xây dựng các hướng dẫn chi tiết về giám sát dịch, phòng ngừa dịch bệnh tại nơi làm việc, trường học, nhà máy, khu dân cư, các khu tập trung đông người như chợ, rạp hát, sân vận động, ký túc xá của người lao động… để đảm bảo công tác phòng bệnh chủ động tại cộng đồng, đảm bảo sản xuất song song cùng với an toàn phòng, chống dịch.

Xây dựng các tiêu chí đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ kiểm soát tốt dịch bệnh; xây dựng các hướng dẫn về điều kiện đảm bảo cho mở cửa hàng không, du lịch quốc tế.

Triển khai giám sát trọng điểm quốc gia COVID-19 ở tất cả các khu vực trên toàn quốc. Kiện toàn, duy trì sẵn sàng các Đội đáp ứng nhanh để điều tra, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch.

Thực hiện sàng lọc bệnh nhân, phân luồng, phân tuyến, thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện đảm bảo không để lây nhiễm trong các cơ sở khám, chữa bệnh; khai thác kỹ tiền sử các trường hợp có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp tính để xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc.

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc truy vết các trường hợp tiếp xúc gần; cập nhật và nâng cấp các phần mềm khai báo y tế, ứng dụng bluezone…; nghiên cứu phương án tích hợp giải pháp quản lý tiếp xúc của các hãng công nghệ lớn, các quốc gia khác trên thế giới để quản lý hiệu quả hơn trong trường hợp mở cửa đường bay quốc tế; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành, hoạt động chuyên môn; khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến để giải quyết các thủ tục hành chính, tư vấn sức khỏe, khám chữa bệnh… Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn về hướng dẫn nâng cao năng lực truy vết cho các địa phương.

Nhóm giải pháp thứ ba là tổ chức cách ly hiệu quả tại các cơ sở cách ly. Xây dựng phương án cách ly đối với các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong thời gian ngắn để thực hiện các hoạt động như xúc tiến đầu tư, ký kết các thỏa thuận, hợp đồng kinh tế. Xem xét có quy định về thu phí đối với cách ly, phí điều trị trên cơ sở vận dụng Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2010…

Nhóm giải pháp thứ tư là nâng cao năng lực điều trị, tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm các phác đồ điều trị, đặc biệt đối với các ca nặng như bệnh nhân số 19 (đã xuất viện về gia đình) và bệnh nhân số 91.

Cùng với đó, tăng cường nghiên cứu khoa học, thực hiện các nghiên cứu khoa học về dịch tễ học phân tử, sản xuất vaccine, thuốc điều trị, xét nghiệm chẩn đoán xác định, sản xuất máy thở, các trang thiết bị y tế cần thiết.

Tổ chức các chương trình truyền thông đến các đối tượng có nguy cơ cao, song song với tiếp tục tuyên truyền rộng rãi về sự nguy hiểm của dịch bệnh và nguy cơ xâm nhập vào nước ta để người dân không chủ quan, lơ là; về những kết quả, kinh nghiệm, bài học thực tế và những tấm gương trong công tác phòng, chống dịch.

Phối hợp với WHO hoàn thiện tài liệu về truyền thông nguy cơ và truyền thông trong dịch, cập nhật kinh nghiệm từ thực tế chống dịch của Việt Nam trong thời gian vừa qua và tập huấn cho cán bộ truyền thông ở tuyến cơ sở./.

(Theo Chinhphu.vn)