Vi rút cúm A/H1N1 của những năm 1918-1919 khiến cho hàng triệu người phải chết bây giờ vẫn đang tồn tại, đe dọa cuộc sống của chúng ta.
Mới đây ở Trung Quốc, người ta đã phải cách ly một thị trấn trong vòng 10 ngày sau khi phát hiện ra có 3 người mắc bệnh dịch hạch bị chết. Đây là một trong những dấu hiệu chứng tỏ căn bệnh này chưa từng biến mất khỏi mặt đất.
“Có nhiều căn bệnh mà chúng ta ít nhắc đến nhưng lại rất khó tiệt trừ”, tiến sĩ D. A. Henderson, người đầu tiên cùng với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nghiên cứu tiệt trừ loại vi rút này nói.
“Có nhiều căn bệnh truyền nhiễm vẫn tồn tại cùng chúng ta mãi mãi”, tiến sĩ Peter Hotez, giáo sư và là chủ nhiệm khoa vi trùng học, miễn dịch học tại Trường Đại học George Washington nói.
“Hầu hết những căn bệnh này thường xuất hiện ở nông thôn nhiều hơn ở thành thị”, tiến sĩ Hotez nói. “Nơi nào còn nghèo đói, chắc chắn nơi đó sẽ có sự tồn tại của những mầm bệnh này”.
Những căn bệnh nguy hiểm có từ trong quá khứ nhưng đến ngày nay vẫn còn tồn tại trong thế giới loài người
1. Bệnh dịch hạch
Người bị bệnh dịch hạch và vi khuẩn gây ra bệnh dịch hạch. (Ảnh: ABC News)
Bệnh dịch hạch được sinh ra bởi một loại vi khuẩn mang tên Yersinia pestis, có thể lây từ người sang người. Vi khuẩn dịch hạch thường có ở những con chuột hoang và bọ chét, khi chúng đến gần con người, các con bọ chét sẽ truyền mầm bệnh cho con người dễ hơn các con chuột.
Căn bệnh này có thể chữa trị được nhờ các loại thuốc kháng sinh nhưng không thể triệt tiêu được.
“Vi khuẩn Yersinia pestis có trong tự nhiên”, Howard Markel, bác sĩ nhi khoa và nhà lịch sử Y khoa của Trường Đại học Michigan nói. “Nó vẫn tồn tại trên thân mình của các con bọ chét và họ hàng nhà chuột, và không ai biết làm thế nào để có thể giết hết tất cả các con bọ chét và chuột trên thế giới, bởi vậy, bệnh này đã, đang và sẽ vẫn tồn tại”.
2. Cúm lợn H1N1
Sự bùng nổ của căn bệnh gọi là cúm A Tây Ban Nha vào mùa đông năm 1918-1919 đã làm cho hàng ngàn nghìn người phải chết. Đây có lẽ là đại dịch cúm gây ra nhiều cái chết nhất. Và gần 1 thế kỉ đã trôi qua, chúng ta vẫn chưa thể nào triệt tiêu được chúng. Hiện nay, theo con số thống kê mới nhất từ WHO, số người chết do cúm A/H1N1 gây ra là 1.462 người.
Đại dịch cúm năm 1918 cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người
Chắc chắn số lượng người chết vì căn bệnh này sẽ còn tiếp tục tăng. Và mặc dù có những tên gọi khác nhau cho những loại cúm A từ những năm 1918 nhưng chúng đều có chung một cấu trúc cơ bản, H1N1. Loại vi rút đầy độc tính này đã biến đổi và tồn tại cho dù con người đã nỗ lực hết sức để kìm hãm sự phát triển của chúng.
“Chúng tôi không thể biết được nơi ẩn trốn chính xác của các loại vi rút này”, tiến sĩ Patricia Winokur, một giáo sư của Trường Đại học Iowa đang nghiên cứu vắc xin phòng cúm lợn nói. “Chúng nằm im ở một nơi nào đó mà chúng ta không thể biết được, sau đó xâm nhập vào thế giới loài người”.
Vi rút cúm đã thay đổi qua thời gian, thay đổi hàng năm và hủy hoại hệ thống miễn dịch của con người.
“Mỗi năm, chúng chỉ thay đổi một chút”, bà Winokur nói. “Và những protein cũng thay đổi một chút và hệ thống miễn dịch đã không còn hoàn hảo như trước, không còn khả năng chống lại sự xâm nhập của loại vi khuẩn này nữa”.
Bà cũng cho biết thêm, các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu ra một loại vắc xin giúp ngăn ngừa cúm và phòng chống cúm để giảm bớt sự lây nhiễm nhưng không mấy tác dụng. “Mỗi năm nó biến đổi một chút để thích nghi và tồn tại, tiếp tục gây hại cho con người”.
Vi rút cúm tồn tại ở chim và lợn bởi vậy “rất khó để tiệt trừ tận gốc căn bệnh này”, bà Winokur nói. “Chúng ta không thể tiêm vắc xin cho tất cả các con chim và tất cả các con lợn như thể tiêm vắc xin chống bệnh đậu mùa cho người được”.
3. Bệnh bại liệt
Cũng như bệnh đậu mùa, bệnh bại liệt cũng có vắc xin, chính vì vậy nhiều người nghĩ rằng có thể làm cho nó biến mất mãi mãi.
“WHO đã có một chiến dịch nhằm loại trừ căn bệnh này với niềm tin nó có thể bị triệt tiêu như bệnh đậu mùa”, Hotez nói. Nhưng sự thật là bệnh bại liệt có một số đặc trưng riêng khác với bệnh đậu mùa và không thể triệt tiêu.
Bệnh bại liệt có thể gây ra chứng liệt trên thân thể hay thậm chí là liệt phổi.
Nhưng ông cũng nói thêm rằng “chỉ 1/100 người có mầm bệnh phát triển thành chứng liệt. Nhiều người sẽ không có triệu chứng gì”.
Để phòng chống sự lây lan của bệnh đậu mùa, người ta tiêm cho những người sống quanh người bệnh một loài vắc xin chuyên dụng. Nhưng bệnh bại liệt thì không như vậy, bệnh này không có dấu hiệu rõ ràng nên rất khó để xác định ai là người có mầm bệnh. Do vậy, bệnh này rất khó lường.
4. Bệnh trùng mũi khoan
(Ảnh: ABC News)
“Bệnh trùng mũi khoan là một căn bệnh nhiễm trùng do vật kí sinh gây ra. Đó là một căn bệnh của người nghèo”, tiến sĩ Carlos Franco-Paredes, chuyên điều trị bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Atlanta nói. Ký sinh trùng của bệnh này sinh sản trên sâu bọ, sống trong những ngôi nhà dột nát, tấn công người vào ban đêm.
Khi bị vi rút trùng mũi khoan tấn công, con người sẽ buồn đi ngoài, ngứa ngáy khó chịu và bệnh này có thể lây từ người sang người khi người bị bệnh gãi xước da và vùng da đó lại tiếp xúc với người khác.
Hotez ước tính ở Mỹ Latinh, số người nhiễm bệnh này là 8-9 triệu người và ở Mỹ, con số này là 400.000 người. Bệnh này cũng lây qua đường truyền máu. Và một cuộc nghiên cứu được Franco-Paredes tiến hành năm 2006 cho thấy, trong một số loại trái cây và mía đường ở Nam Mỹ, có tồn tại loại vi khuẩn trùng mũi khoan.
Vi khuẩn bệnh này dần dần sẽ tấn công tim hoặc có các triệu chứng phát bệnh đau gan hoặc phồng lá lách. Nhưng có đến 95% số người bị nhiễm bệnh không có dấu hiệu gì trong vòng 20 đến 30 năm.
“Nếu bệnh đã ở giai đoạn phức tạp, vi khuẩn đã vào tim thì không có phương pháp điều trị nào”, ông nói.
“Chỉ có một phương pháp điều trị duy nhất là cấy tim”, ông nói, nhưng khi bệnh tiến đến giai đoạn cuối thì không thể chữa trị được. “Điều cần thiết là phải phát hiện sớm”, Hotez nói.
Đây được gọi là căn bệnh thể hiện sự “bất bình đẳng trong xã hội”, Hotez nói: “Nếu không có sự phân bố lại giàu nghèo ở các nước Mỹ Latinh, thì chúng ta sẽ không thể giảm thiểu bệnh này”.
Đây là những căn bệnh đã có trong quá khứ, vẫn tồn tại đến ngày nay, gây hại đến cuộc sống con người.
5. Bệnh phong
Vi khuẩn phong ăn mòn tay (Ảnh: ABC News)
Đây là một trong những căn bệnh tồn tại lâu đời nhất trong thế giới loài người do vi khuẩn Hansen gây ra. Vì không có bào tử nên vi khuẩn này không lây qua vật chủ trung gian. Khi ở ngoài, nó chỉ tồn tại được 1 đến hai ngày.
Bệnh tấn công da và các tế bào thần kinh trên cơ thể. Da thịt của người mắc bệnh thường phát nhọt, lở loét. Khi nặng hơn, vết thương lõm vào da thịt, lông mày rụng, mắt lộ ra, thanh quản bị lở nên giọng nói khàn.
Khi dây thần kinh ở một số bộ phận trên cơ thể bị nhiễm trùng, vùng da đó sẽ xuất hiện tình trạng mất cảm giác. Sau đó các bắp thịt tiêu đi, gân cốt co làm hai bàn tay co quắp. Ở mức độ nặng ngón tay, ngón chân rụng dần.
“Bệnh này có thể chữa được nhưng cho đến ngày nay, chúng ta cũng không biết bệnh phong được lây lan như thế nào”, Franco-Paredes nói.
“Không có bằng chứng cho thấy, loại bệnh này lây từ người sang người”, ông cho biết thêm.
“Chúng tôi hiện đã có những phương pháp điều trị tốt và phổ biến rộng rãi”, Franco-Paredes nói. “Nhưng bệnh phong sẽ còn tiếp tục tồn tại trong thế giới loài người cho đến khi chúng tôi biết được quá trình lây lan của nó. Tôi dám chắc rằng trong vài thế kỉ tới, chúng ta vẫn sẽ phải đối mặt với bệnh phong”.
6. Giun móc
Giun móc (Ảnh: ABC News)
Đầu thế kỉ XX, bệnh giun móc lây lan ở những vùng nông thôn Nam Mỹ với tỉ lệ rất cao. Thiếu chất dinh dưỡng và nhiễm trùng kí sinh vật đã gây ra bệnh dịch này, và nó không chỉ tồn tại ở Nam Mỹ mà còn ở nhiều khu vực nghèo đói khác trên thế giới.
Trứng giun móc theo phân ra đất, gặp điều kiện thuận lợi về nhiệt độ, độ ẩm và loại đất sẽ nở thành ấu trùng, sống ở đất nhiều tuần lễ. Gặp người, ấu trùng chui qua da, thường ở mu bàn chân, kẽ ngón chân, gây ra những nốt mẩn đỏ, ngứa, có khi bị viêm thành nốt mọng nước. Triệu chứng này diễn biến 3-4 ngày rồi tự hết.
Ấu trùng qua da vào bạch huyết và máu rồi lên phổi, chui vào phế nang, di động lên phế quản và hầu họng rồi được nuốt vào ruột non. Khi ấu trùng lên phổi, bệnh nhân thường có sốt nhẹ hoặc khi sốt khi không.
Kí sinh trùng giun móc tấn công người, gây ra bệnh thiếu máu. Hotez đã nghiên cứu một loại vắc xin chữa bệnh giun móc nhưng cần phát minh ra một loại tốt hơn nữa.
7. Bệnh lao
(Ảnh: ABC News)
“Rất khó để tiệt trừ bệnh lao và cho đến nay, nó vẫn sống chung với loài người… cả trước khi lịch sử được viết ra”, Douglas Hornick, tiến sĩ nghiên cứu những vấn đề liên quan đến bệnh lao của Trường Đại học Iowa cho biết.
“Đây là một căn bệnh phát triển âm thầm, vi khuẩn tấn công chậm đến nỗi người bệnh chỉ ho khúc khắc một thời gian dài”. Triệu chứng nặng là người bệnh có thể phát sốt liên tục, mệt mỏi và giảm cân nhanh.
Không có dấu hiệu gì thật cụ thể để phát hiện ra ai đó đã bị nhiễm khuẩn lao, chính vì vậy, khi một người chưa biết mình bị bệnh này thì một số người khác đã bị họ truyền bệnh.
Hiện nay, bệnh lao đã trở nên phức tạp hơn và là một thảm họa vì chúng biến chứng, có khả năng kháng những loại thuốc đặc trị lao.
“Chúng ta có thể chữa được bênh lao, nhưng khó có thể chữa được những trường hợp đã bị biến chứng”, Markel nói. “Đó là một căn bệnh nguy hiểm, đặc biệt là đối với những trường hợp vi khuẩn có khả năng kháng nhiều loại thuốc. Nếu gặp trường hợp này thì không loại thuốc nào có thể chữa được”.
Ở Mỹ, mọi người thường được soi da để xác định xem họ có nhiễm khuẩn lao hay không nhưng phương pháp này chưa được thực hiện ở các nước khác trên thế giới, kể cả ở những nước có tỉ lệ nhiễm lao cao.
Các nhà khoa học ước tính, hiện có khoảng 1/3 dân số thế giới bị nhiễm lao.
“80-90% những người có vi-rút này không biết họ bị nhiễm bệnh vì bệnh lao không có triệu chứng cụ thể, dễ nhận biết”, Hornick nói.
“Tôi không cảm thấy lạc quan lắm. Tôi nghĩ bệnh lao sẽ còn tồn lại với chúng ta mãi mãi”, ông nói.