Đối với những bệnh nhân suy thận, chờ đợi một một quả thận ghép phù hợp sẽ là một hành trình kéo dài gian nan và không ít đau đớn. Những quả thận không phù hợp sẽ bị coi là “ngoại lai” và cơ thể họ sẽ tự đào thải để giết chết chúng. Điều này có thể xảy ra, ngay cả khi thận hiến lấy từ người thân hoặc có cùng huyết thống.
Tuy nhiên giờ đây, hi vọng đang được thắp lên rất rõ ràng cho những bệnh nhân trong danh sách chờ đợi. Họ sẽ không còn phải chi tiêu thời gian và tiền bạc mỗi ngày bên máy chạy thận nhân tạo chỉ để duy trì cuộc sống. Một kỹ thuật mới đang được đánh giá sau thời gian thử nghiệm bởi Đại học John Hopkins Hoa Kỳ cho phép bệnh nhân có thể nhận thận hiến từ bất cứ ai mà không bị đào thải.
Bệnh nhân có thể nhận thận hiến từ bất cứ ai mà không bị đào thải.
Kỹ thuật có tên là “desensitisation“, tạm dịch là “khử độ mẫn cảm“. Nó đã từng được sử dụng bởi các bác sĩ trong nhiều thử nghiệm quy mô nhỏ những năm gần đây. Tuy nhiên, báo cáo vừa được công bố lần đầu tiên cho chúng ta cái nhìn tổng quát về sự hiệu quả của kỹ thuật.
“Khử độ mẫn cảm” hoạt động bằng cách thay đổi hệ thống miễn dịch của bệnh nhân. Họ sẽ được lọc kháng thể của chính mình ra khỏi máu. Sau đó, các bác sĩ cung cấp trở lại một loại kháng thể khác cho phép cơ thể duy trì sự tự bảo vệ. Đồng thời lúc đó, hệ miễn dịch của bệnh nhân tái tạo lại những kháng thể mới cho riêng mình.
Về cơ bản “khử độ mẫn cảm” khởi động lại mạng lưới kháng thể, làm cho chúng không còn từ chối một cơ quan cấy ghép ngoại lai. Cơ chế chính xác của quá trình này chưa được giải thích cụ thể. Tuy nhiên, nó đã hoạt động trên những bệnh nhân suốt 8 năm qua.
Dữ liệu được thu thập từ hơn 2.000 bệnh nhân tại 22 cơ sở y tế. Có đến 76,5% bệnh nhân trải qua kỹ thuật “khử độ mẫn cảm” còn sống sau 8 năm, mặc dù họ được cấy ghép những quả thận không phù hợp. Con số là tích cực hơn so với chỉ 62,9 % bệnh nhân đang trong danh sách chờ đợi ghép thận, hoặc bắt buộc phải nhận một quả thận từ người hiến đã chết.
Sẽ là cần một thời gian nữa để phương pháp mới này được áp dụng rộng rãi. Lí do vì nó đang sử dụng một loại thuốc mà chưa được phê chuẩn chính thức. Chi phí thực hiện cũng là một vấn đề, nó rơi vào khoảng 30.000 USD. Ngay cả tiêu đề bài báo công bố trên tạp chí New England Journal of Medicine cũng đặt câu hỏi liệu cấy ghép có mang lại rủi ro nào cho bệnh nhân.
Mặc dù vậy, hãy nhìn vào danh sách 100.000 người đang chờ đợi thận ở Mỹ. Cứ 3 người thì một trong số đó gặp khó khăn để tìm thấy một quả thận phù hợp. Chờ đợi duy trì một chi phí điều trị cao cho chạy thận nhân tạo, nó cũng đồng nghĩa với tỷ lệ sống thấp hơn.
Trung bình, mỗi một năm chạy thận nhân tạo ngốn khoảng 70.000 USD chi phí. Nếu thời gian chờ đợi cứ kéo dài, kỹ thuật “khử độ mẫn cảm” có lẽ là lựa chọn sáng giá. Đối với một số bệnh nhân, nó là lựa chọn duy nhất.
Luật sư Chris Smith sống khỏe mạnh sau 4 năm lựa chọn kỹ thuật “khử độ mẫn cảm” để ghép thận.
Tờ The New York Times dẫn chứng trường hợp ghép thận thành công của Chris Smith, một luật sư 56 tuổi người Mỹ. Ông đã lựa chọn kỹ thuật “khử độ mẫn cảm” cách đây 4 năm để nhận ngay một quả thận từ người sống, mặc dù nó không phù hợp. Điều này tiết kiệm thời gian mà Smith phải nằm hàng ngày bên một máy chạy thận nhân tạo, chỉ để duy trì cuộc sống.
“Giờ đây, bạn không cần tìm kiếm một người hiến thận phù hợp. Bạn chỉ cần tìm một người còn sống”, Dorry Segev, người dẫn đầu nghiên cứu tại Đại học John Hopkins cho biết. Mặc dù vậy, ông vẫn thừa nhận “khử độ mẫn cảm” vẫn chưa sẵn sàng để phổ biến rộng khắp các cơ sở y tế. Những lựa chọn khác vẫn nên được xem xét.
Ở một hướng tích cực khác, Segev cũng thể hiện sự lạc quan của mình. Ông nói kỹ thuật mới có thể được phát triển để cấy ghép cả các nội tạng khác, ví dụ như gan và phổi. Còn ngay vào lúc này, nó được coi là tia hy vọng đắt đỏ cho những bệnh nhân đang chờ đợi một quả thận ghép.