Cảm xúc đến từ tim hay não?

Khi một người được lắp vào một trái tim mới thì tâm lý anh ta cũng biến đổi khác thường. Tại sao? Câu trả lời sẽ tiết lộ một sự thật bất ngờ về cơ thể chúng ta, David Robson cho biết.

Cứ mỗi giây, Carlos lại cảm thấy một tiếng đập vào thành bụng. Đó là tiếng đập của quả tim thứ hai của ông ấy.

Quả tim máy nhỏ này được dùng để giải tỏa gánh nặng cho cơ tim ngày càng suy yếu của Carlos. Nhưng nhịp đập của trái tim máy dường như đã thay thế mạch đập của ông. Khi quả tim máy này đập, Carlos có cảm giác kỳ lạ là ngực của ông đã rơi xuống khoang bụng.

‘Lắng nghe con tim’

Khi nhà thần kinh học Agustin Ibanez gặp Carlos, ông ngờ rằng quả tim máy này còn đem lại những tác động kỳ lạ hơn nữa. Ibanez cho rằng việc có một trái tim mới sẽ khiến thay đổi tâm tính của con người, tức là giờ đây Carlos có thể suy nghĩ, cảm giác và hành động khác với lúc trước.

Làm sao có chuyện đó? Chúng ta thường hay nói rằng ‘hãy lắng nghe con tim’ nhưng chỉ đến gần đây các nhà khoa học mới chứng tỏ rằng câu nói này có phần đúng. Trái tim tham gia tạo cảm xúc cho chúng ta và cảm giác về ‘thần giao cách cảm’ – từ sự cảm thông với nỗi đau của người khác cho đến linh cảm rằng người bạn đời đang ngoại tình đều phát xuất từ những tín hiệu rất tinh tế của trái tim và phần còn lại của cơ thể.

Và người đàn ông với hai quả tim đã tạo cho Ibanez, làm việc tại Đại học Favaloro ở Buenos Aires, cơ hội để kiểm chứng những giả thiết này.

Bạn có bao giờ thử cảm nhận trái tim mình?

William James, người sáng lập tâm lý học hiện đại, cho rằng tình cảm là một chu kỳ phản hồi tới lui giữa cơ thể vào não bộ. Theo giả thiết này, bộ não có thể nhận biết được một mối đe dọa bằng lý trí nhưng chính cảm nhận của chúng ta về tim đập mạnh và lòng bàn tay đổ mồ hôi đã biến một ý niệm mơ hồ thành một cảm xúc của cơ thể.

Ý kiến của James cũng dẫn đến một vấn đề quan trọng: nếu mọi người có nhận thức về cơ thể khác nhau thì liệu việc đó có định hình cảm xúc của họ? Một trăm năm sau, giờ đây các nhà khoa học đã có điều kiện kiểm nghiệm ý tưởng của James.

Trước hết, họ yêu cầu các đối tượng tham gia nghiên cứu đếm nhịp tim của mình chỉ bằng sự cảm nhận trong lồng ngực. Họ không được phép đặt tay lên ngực hay bắt mạch của mình.

Khoảng một trong số bốn người đếm sai khoảng 50%. Điều này có nghĩa là họ hầu như không có cảm giác về những chuyển động bên trong cơ thể và chỉ có một phần tư là chính xác đến 80%.

Đồng điệu với trái tim

Sau khi đã kiểm tra về sự cảm nhận nhịp tim, các tình nguyện viên giờ đây đối diện với các kiểm tra nhận thức khác nhau.

Kết quả là những ai nhận thức nhịp tim của mình tốt hơn thường phản ứng mạnh mẽ hơn với những bức tranh gây xúc động. Họ cũng mô tả cảm xúc của mình tốt hơn. Điều quan trọng là, sự nhạy cảm của họ còn mở rộng ra đến cảm xúc của người khác. Họ nhận ra những cảm xúc trên khuôn mặt của người khác tốt hơn và họ cũng học cách tránh nguy hiểm nhanh hơn.

Nói cách khác, những người đồng điệu với cơ thể của mình sẽ có đời sống tình cảm phong phú, sống động hơn, bao gồm những thăng trầm trong cuộc đời.

Những tín hiệu bí ẩn của cơ thể cũng có thể là lý do giải thích cho khả năng ‘trực giác’ của chúng ta, theo một nghiên cứu của ông Barney Dunn tại Đại học Exeter. Công việc rất đơn giản: các tình nguyện viên được yêu cầu lựa các lá bài từ bốn bộ bài khác nhau và họ sẽ được thưởng tiền nếu lá bài họ chọn có màu sắc trùng với một lá bài để ngửa.

Dunn đã phát hiện rằng những người có thể cảm nhận chính xác nhịp tim của mình có xu hướng chọn từ những cỗ bài nào đấy trong khi những người cảm nhận nhịp tim kém có xu hướng chọn đại.

Những người nhận thức được nhịp tim không phải lúc nào cũng đúng – họ có thể là người thua nhiều nhất hoặc thắng nhiều nhất – nhưng vấn đề ở đây là họ nhiều khả năng hành động theo trực giác của mình.

Vậy những gì mà dân gian lưu truyền có lẽ đúng: những ai có giao tiếp với trái tim của mình nhiều khả năng sẽ bị tác động bởi bản năng theo chiều hướng tốt hay xấu. Điều này khiến Ibanez tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu như bạn được lắp một quả tim nhân tạo? Nếu như Carlos có những biến chuyển đáng kể thì đây sẽ là một bằng chứng quan trọng cho thấy hoạt động tâm lý của chúng ta không chỉ dừng ở não bộ.

Thay đổi đáng kể

Khi một người được thay tim thì liệu tâm tính có còn như trước?

Và đó đúng là điều mà ông ấy đã tìm thấy. Việc thay đổi vị trí quả tim dường như đã thay đổi đáng kể một số năng lực tình cảm và xã hội. Carlos dường như thiếu sự cảm thông khi ông xem những bức tranh mô tả người gặp nạn đang đau đớn. Ông ấy cũng gặp vấn đề trong khả năng dùng trực giác ra quyết định hay đọc động cơ của người khác.

Tất cả những điều này đều phù hợp với ý nghĩ rằng cơ thể, chứ không phải não bộ, chúng ta quyết định nhận thức tình cảm.

Hiện tại, Ibanez đang tiến hành những thí nghiệm với những người được thay tim hoàn toàn để tìm hiểu xem việc này ảnh hưởng như thế nào đến sự giao tiếp bên trong cơ thể.

Ông cũng tìm xem liệu trục trặc trong đường dây liên hệ giữa cơ thể và não bộ có dẫn đến những rối loạn phi nhân cách hay không, tức là các bệnh nhân có cảm giác kỳ lạ là họ không sở hữu cơ thể của mình.

“Tôi có cảm giác như là tôi không sống như thể là trong người tôi trống rỗng, vô hồn,” một bệnh nhân nói.

Ibanez đã nhận ra rằng những sự giao tiếp bên trong cơ thể những bệnh nhân này đã trở nên tệ hơn và hình chụp não cho thấy đây là kết quả của việc cắt đứt liên lạc ở thùy nhỏ não trước, một phần của não bộ được sử dụng trong việc nhận thức cơ thể, nhận thức tình cảm, cảm giác cảm thông, quyết định và ý thức bản ngã.

Tác động với trầm cảm

141214142535_heart_6Vấn đề của những người trầm cảm là ở trái tim chứ không phải não bộ?

Về phần mình, Dunn, vốn là một nhà tâm lý học lâm sàng, thì quan tâm nhiều hơn đến ảnh hưởng của hiện tượng này đối với sự trầm cảm.

“Vào lúc này việc điều trị trầm cảm tập trung chủ yếu ở phần đầu – chúng tôi thay đổi những suy nghĩ của bệnh nhân và tin rằng cảm xúc của họ sẽ đi theo suy nghĩ,” ông nói, “Nhưng tôi đã gặp trở ngại: họ nói rằng về lý trí họ biết được những điều đó nhưng về mặt cảm xúc thì họ không cảm nhận được.”

Ngay cả khi cách điều trị này giúp bệnh nhân suy nghĩ tích cực hơn thì họ vẫn không sao tìm thấy niềm vui. Vấn đề này Dunn nghi là do thiếu sự giao tiếp bên trong cơ thể. Ông đưa ra ví dụ rằng khi bạn đang bước trong công viên thì cơ thể bạn phát ra cho bạn tất cả các tín hiệu rằng bạn đang thư giãn và bình an. “Tuy nhiên bệnh nhân trầm cảm bước trong công viên mà không có cảm giác đó,” ông nói, “Họ quay về và nói rằng họ chỉ có cảm giác đều đều và trống rỗng.”

Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng những người bị rối loạn trầm cảm nặng tìm cách cảm nhận được nhịp tim của họ. Họ càng mất cảm giác nhịp tim chừng nào thì họ càng ít có khả năng có được những trải nghiệm tích cực trong cuộc sống.

Và như nghiên cứu của Dunn về sự quyết định đã chỉ ra, việc không cảm nhận được cơ thể dường như cũng có liên hệ với việc lưỡng lự không quyết định được – một vấn đề càng làm cho những người trầm cảm suy sụp.

Do đó, chúng ta có thể có một đời sống tình cảm phong phú hơn và ra những quyết định chính xác hơn. Tất cả những gì chúng ta cần làm là lắng nghe con tim mình.

theo BBC