Mấy ngày qua, có rất nhiều thông tin trên mạng đồn thổi về việc có thể sử dụng chloroquine – một loại thuốc điều trị sốt rét, trong điều trị COVID-19. Do không biết thông tin chính xác, đã nhiều người cố tìm mua thuốc này để dự phòng sẵn, thậm chí đã có người uống loại thuốc này chỉ để phòng COVID-19, kết quả là phải vào viện rửa ruột vì ngộ độc, tụt huyết áp, nôn, mắt nhìn lơ mơ… Sự thật về công dụng của loại thuốc này với việc điều trị virus thế nào?
Những thử nghiệm về chloroquine/hydroxychloroquine
Chloroquine/hydroxychloroquine đã được nghiên cứu in vitro (trong phòng thí nghiệm) trên các tế bào Vero E6 bị nhiễm SARS-CoV-2, và được chứng minh rằng có hiệu quả cao trong việc làm giảm sự nhân lên của virus. Thuốc này trước đó cũng đã được chứng minh hiệu quả in vitro trong các bệnh nhiễm virus khác, đặc biệt là cả virus SARS.
Thuốc đã được đưa vào thử nghiệm lâm sàng trên các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, đã có viêm phổi với các mức độ khác nhau. Một nghiên cứu tổng quan hệ thống đăng tải trên tạp chí International Journal of Antimicrobial Agents cho thấy đã có 23 thử nghiệm lâm sàng đăng ký, các thử nghiệm này đều được tiến hành tại Trung Quốc
Đến phác đồ chloroquine/hydroxychloroquine trong điều trị covid-19
Với dữ liệu lâm sàng hiện có, một số hướng dẫn điều trị của Trung Quốc, Ý, Hà Lan, Mỹ… đã đưa chloroquine/hydroxychloroquine vào phác đồ điều trị, nhưng viết rất rõ đây là các khuyến cáo mang tính đồng thuận và chứng cứ chưa đủ.
Hướng dẫn của Trung Quốc khuyên dùng chloroquine phosphate cho những bệnh nhân đã được chẩn đoán là viêm phổi và không có chống chỉ định với thuốc. Trong khuyến cáo ghi rất rõ là khi dùng thuốc này cần áp dụng một số biện pháp giám sát bệnh nhân, bao gồm xét nghiệm huyết học và sinh hoá máu để loại trừ các tác dụng không mong muốn thiếu máu, giảm tiểu cầu hoặc giảm bạch cầu cũng như rối loạn điện giải và/ hoặc rối loạn chức năng gan và thận; cần làm điện tâm đồ định kỳ để loại trừ kéo dài khoảng QT hoặc nhịp tim chậm và phỏng vấn bệnh nhân để phát hiện rối loạn /suy giảm thị giác và / hoặc tâm thần; khuyến cáo tránh sử dụng đồng thời các thuốc khác được biết là kéo dài khoảng QT (như quinolon, macrolid, ondansetron) cũng như các loại thuốc chống loạn nhịp, thuốc chống trầm cảm và thuốc chống loạn thần khác.
Một hướng dẫn khác của Trung tâm kiểm soát và dự phòng bệnh (CDC) Hà Lan đề nghị điều trị các trường hợp nặng nhập viện/nhập ICU bằng chloroquine (tuy nhiên khuyến cáo cũng ghi rõ là chưa đủ chứng cứ thuyết phục và chăm sóc hỗ trợ vẫn là lựa chọn ưu tiên). Phác đồ được đề xuất bao gồm liều nạp và liều duy trì, và không hoàn toàn giống phác đồ điều trị của Trung Quốc. Tài liệu này cũng nhấn mạnh: 1) nhu cầu ngừng điều trị vào ngày thứ 5 để giảm nguy cơ tác dụng phụ, lưu ý về thời gian bán thải dài của thuốc (30 h); 2) sự cần thiết phải phân biệt giữa các chế độ dựa trên chloroquine phosphate và chloroquine base.
Hoặc hướng dẫn của Hiệp hội truyền nhiễm Ý (vùng Bologna) khuyến cáo có thể sử dụng chloroquine/hydroxychloroquine cho bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng hô hấp nhẹ kèm theo có bệnh nền đến có suy hô hấp nặng, liều lượng và thời gian dùng cá thể hoá tùy theo mức độ nghiêm trọng lâm sàng.
Hướng dẫn của ĐH Y Michigan cũng khuyến cáo dùng hydroxychloroquine cho các đối tượng bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng của COVID-19 đang chờ kết quả xét nghiệm (PUI patient) và cho các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 nhập viện nhưng không dùng được remdesivir hoặc chưa có sẵn remdesivir.
Chưa được cấp phép điều trị COVID-19 và những lưu ý khi sử dụng
Đến thời điểm này, với dữ liệu hiệu quả và an toàn hiện có, chưa có quốc gia nào cấp phép chính thức chloroquine/hydroxychloroquine cho chỉ định điều trị COVID-19. Ngay cả Cục quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đến ngày 19/3 vẫn tuyên bố là đang tích cực làm việc để tiến tới có thể cấp phép chloroquine/hydroxychloroquine cho các trường hợp COVID-19 từ nhẹ đến trung bình.
Với các chứng cứ còn hạn chế về hiệu quả của thuốc, mỗi quốc gia tùy theo tình hình dịch bệnh sẽ cân nhắc đưa thuốc vào hướng dẫn điều trị để áp dụng cho các đối tượng bệnh nhân ở các mức độ bệnh nghiêm trọng khác nhau. Thuốc có nhiều tác dụng không mong muốn bao gồm cả những tác dụng không mong muốn nghiêm trọng trên mắt, trên tim mạch, tâm thần, thần kinh… Chỉ có hội đồng chuyên môn ở tầm quốc gia mới quyết định được thuốc nào sẽ đưa vào phác đồ điều trị chính thức, áp dụng cho đối tượng bệnh nhân nào và giám sát bệnh nhân như thế nào để giảm thiểu tác dụng không mong muốn.
Hiện nay Việt Nam chưa có khuyến cáo sử dụng thuốc này trong phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Thuốc không được nghiên cứu để dùng dự phòng bệnh. Việc sử dụng tùy tiện thuốc này không những không hiệu quả mà còn đem lại các nguy cơ cho người sử dụng trong đó nhấn mạnh nguy cơ gặp tác dụng không mong muốn nguy hiểm như độc tính trên máu (suy tủy mất bạch cầu hạt có hồi phục, giảm tiểu cẩu và giảm bạch cầu trung tính), độc tính trên tuần hoàn (loạn nhịp, ngừng tim), độc tính trên tâm thần (loạn tâm thần, lo âu thay đổi nhân cách) và các độc tính khác (giảm thính lực, điếc, bệnh thần kinh cơ, bệnh cơ)…
Như vậy, cần phải nhấn mạnh lại là thuốc chloroquine/hydroxychloroquine chỉ dùng trong phác đồ cho bệnh nhân COVID-19 có viêm phổi và cần phải điều trị, mỗi Quốc gia tuỳ tình hình dịch bệnh sẽ quyết định chính sách sử dụng thuốc này. Thuốc chỉ được sử dụng trong bệnh viện, do bác sĩ chỉ định và giám sát chặt chẽ. Đây không phải là thuốc dự phòng mà cố tìm mua để tự ý sử dụng như nhiều người nhầm tưởng.