Chủ tịch công ty nhân bản lớn nhất thế giới ở Trung Quốc cho biết đã nắm trong tay công nghệ nhân bản con người nhưng trì hoãn việc nhân bản vì e ngại dư luận.
Theo AFP, Xu Xiaochun, 44 tuổi, giám đốc điều hành tập đoàn Boyalife cho biết nhà máy nhân bản động vật lớn nhất thế giới ở Thiên Tân, Trung Quốc đang nghiên cứu nhân bản động vật linh trưởng, và phát triển công nghệ nhân bản từ khỉ sang người “chỉ là một bước ngắn về sinh học”.
“Chúng tôi đã nắm trong tay công nghệ này”, Xu nói. “Nếu được phép, tôi cho rằng không một công ty nào ngoài Boyalife có thể có công nghệ tốt hơn”.
Tập đoàn này đã đầu tư hơn 30 triệu USD để xây dựng nhà máy tại Thiên Tân, dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm sau. Nhà máy này tham vọng sản xuất một triệu con bò nhân bản mỗi năm, cũng như nhân bản nhiều loài vật khác như ngựa đua, chó nghiệp vụ, thậm chí cả con người.
Công ty ở Trung Quốc tuyên bố nắm trong tay công nghệ nhân bản người. (Ảnh minh họa: Corbis).
Tuy hiện thời công ty chưa tiến hành nhân bản người, Xu nhấn mạnh, để tránh những phản ứng bất lợi từ dư luận nhưng ông ám chỉ “giá trị xã hội có thể thay đổi” khi đề cập đến quan niệm của con người về đồng tính luyến ái. Ngoài ra, Xu nói thêm, theo thời gian có thể con người sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong chuyện sinh sản.
“Hiện nay, cách duy nhất để có con là phải mang gene của cả mẹ lẫn bố”, Xu nói. “Có thể trong tương lai, con người sẽ có đến ba lựa chọn thay vì một”.
Xu từng học tại Canada và Mỹ cũng như làm việc cho hãng dược phẩm khổng lồ Pfizer. Xu cho rằng, nhà máy Thiên Tân còn giúp nhân bản gene để bảo tồn đa dạng sinh học vì có ngân hàng gene lưu trữ được tới 5 triệu mẫu tế bào đông lạnh trong nitơ lỏng.
Đối tác của Boyalife là Công ty công nghệ sinh học Soam của Hàn Quốc mà giám đốc điều hành là Hwang Woo-suk – được mệnh danh là “ông vua nhân bản”. Công ty này nhận nhân bản chó với chi phí 1.000 USD một lần.
Hồi đầu năm, báo Hàn Quốc Dong-A Ilbo trích lời Hwang cho biết, ông định liên doanh với Trung Quốc vì “luật đạo đức sinh học của Hàn Quốc cấm dùng trứng người”.
“Chúng tôi quyết định đặt cơ sở tại Trung Quốc vì chúng tôi đã bước vào giai đoạn ứng dụng công nghệ lên cơ thể người”, Hwang nói.
Thịt nhân bản vô tính an toàn hay gây hại cho người tiêu dùng vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) xếp thịt và sữa gia súc nhân bản vô tính vào loại an toàn, và cho phép sản xuất bày bán rộng rãi từ năm 2008. Tuy nhiên, nghị viện liên minh châu Âu lại ủng hộ lệnh cấm nhân bản vô tính động vật và dùng làm thực phẩm.
Những em bé nhân bản có thể mang gene của cả bố lẫn mẹ, hoặc chỉ một trong hai người, theo lời giám đốc của Boyalife. (Ảnh minh họa: Corbis).
Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc vẫn chưa xem xét vấn đề này. Ngoài ra, chính chuyên gia Trung Quốc cũng phản đối tuyên bố của Boyalife.
Han Lanzhi, chuyên gia về GMO (biến đổi gene) tại Viện khoa học Nông nghiệp hàn lâm Trung Quốc, nói rằng tuyên bố của Boyalife về tính an toàn, phạm vi và lộ trình hoạt động của công ty này rất đáng báo động và vô lý.
“Phải có những quy định nghiêm ngặt về vấn đề này, vì khi một công ty theo đuổi lợi ích của mình, họ sẽ dễ dàng làm những việc khác trong tương lai”, Han nói.