Đánh giá hội chứng chuyển hóa ở bệnh nhân tiền đái tháo đường bị nhồi máu não

ảnh minh họa

                                                                        Trần Thừa Nguyên1, Trần Hữu Dàng2,

Bùi Đức An Vinh2, Lý Thị Thu Vân3

  1. BVTW Huế;
  2.  ĐH YD Huế;
  3. BV Nguyễn Trãi, Tp.HCM

TÓM TẮT

Tiền đái tháo đường (TĐTĐ) là tình trạng suy giảm chuyển hóa glucose. Ngay giai đoạn tiền đái tháo đường đã xuất hiện biến chứng mạch máu của bệnh đái tháo đường như nhồi máu não. Mục tiêu: 1. Xác định tỷ lệ hội chứng chuyển hóa ở bệnh nhân tiền đáo tháo đường bị nhồi máu não; 2. Đánh giá tần suất các rối loạn thường gặp trong hội chứng chuyển hóa trên đối tượng nghiên cứu này.

Phương pháp: Nghiên cứu cắt ngang, mô tả 69 bệnh nhân tiền đái tháo đường bị nhồi máu não tại bệnh viện Nguyễn Trãi, thành phố Hồ Chí Minh. Các đối tượng được tiến hành đo huyết áp, BMI, vòng bụng, tỷ VB/VM. Ghi nhận nồng độ glucose máu đói và bilan lipid. Đánh giá các thành phần của hội chứng chuyển hóa theo tiêu chuẩn IDF- 2005. Xử lý số liệu dựa theo chương trình SPSS 11.5.

Kết quả: Tỷ lệ hội chứng chuyển hóa ở bệnh nhân tiền đái tháo đường bị nhồi máu não là 72,46%; ở nam giới là 64,86%, ở nữ giới là 81,25%. Tần suất yếu tố thường gặp là tăng huyết áp (90%), giảm HDL-C (70%) và béo phì dạng nam (64%). Phối hợp 2 yếu tố thường gặp là béo phì dạng nam- tăng huyết áp (56%) và tăng triglycerid – tăng huyết áp (chiếm tỷ lệ 50%). Kết luận: Cần quan tâm đến hội chứng chuyển hóa ở bệnh nhân tiền đái tháo đường bị nhồi máu não.

ABSTRACT 

ASSESSMENT OF METABOLIC SYNDROME IN
PRE-DIABETIC PATIENTS
WITH CEREBRAL INFARCTION

Tran Thua Nguyen1, Tran Huu Dang2,

Bui Duc An Vinh2, Ly Thi Thu Van3

Pre-diabetes a decline in glucose metabolism. Even pre-diabetes stage appeared vascular complications of diabetes such as cerebral infarction. Objectives: 1. To determine the prevalence of metabolic syndrome in pre-diabetic patients with cerebral infarction; 2. To evaluate the frequency of popular components in metabolic syndrome. Method: Descriptive and analytic cross-sectional study enrolling 69 pre-diabetic patients with cerebral infarction in Nguyen Trai hospital, HCM city. Patients were evaluated for blood pressure, BMI, waist circumference, waist/hip ratio. Fasting glucose concentration and lipid profile were also recorded. Investing the components of metabolic syndrome basic on the IDF- 2005 criteria. Statistical: SPSS 11.5 program. Results: The prevalence of metabolic syndrome in pre-diabetic patients with cerebral infarction: 72,46%; in men was 64,86%, in women was 81,25%. Hypertension, reduced HDL-C and android obesity were presented in 90%, 70% and 64% patients with metabolic syndrome, respectively. The common frequency of 2 factor combination were obesity-hypertension d (56%) and hypertriglyceride- hypertension (50%).Conclusion: Regardless of the metabolic syndrome in pre-diabetic patients with cerebral infarction

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Tai biến mạch máu não (TBMMN) là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba sau ung thư và bệnh tim ở các nước công nghiệp phát triển. Ở Việt Nam, theo thống kê mới nhất của Viện Chiến lược và chính sách Bộ Y Tế công bố vào ngày 28 tháng 3 năm 2011, kết quả điều tra 10.000 ca tử vong ở 192 xã thuộc 16 tỉnh thành cho thấy tai biến mạch máu não là nguyên nhân đứng hàng đầu. Ở Huế, theo tác giả Hoàng Khánh và cộng sự (2002), trong 2 thể của tai biến mạch máu não thì nhồi máu não chiếm ưu thế với tỉ lệ 60,58% và xuất huyết não chiếm tỉ lệ 39,42% [5].

Tiền đái tháo đường (TĐTĐ) là tình trạng suy giảm chuyển hóa glucose. Ngay giai đoạn tiền đái tháo đường đã xuất hiện biến chứng mạch máu của bệnh đái tháo đường như nhồi máu não. Trong số tai biến mạch máu não có tỷ lệ rất cao mắc hội chứng chuyển hóa (HCCH). Thành phần chủ yếu của hội chứng chuyển hóa là rối loạn dung nạp glucose, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, béo bụng, đề kháng insulin. Các biểu hiện lâm sàng, xét nghiệm của hội chứng chuyển hóa ở người nhồi máu não chứa được mô tả đầy đủ. Vì vậy, chúng tôi tiến hành đề tài này với mục tiêu: 1. Xác định tỷ lệ hội chứng chuyển hóa ở bệnh nhân tiền đáo tháo đường bị nhồi máu não; 2. Đánh giá tần suất các rối loạn thường gặp trong hội chứng chuyển hóa trên đối tượng nghiên cứu này.

  1. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu: 69 bệnh nhân tiền đái tháo đường bị nhồi máu não nhập viện tại khoa Hồi sức cấp cứu – chống độc (HSCC-CĐ) Bệnh viện Nguyễn Trãi (BVNT) thành phố Hồ Chí Minh từ 1.5.2011 đến 30.4.2012.

2.2. Phương pháp nghiên cứu: cắt ngang, mô tả

2.2.1. Tiêu chuẩn chẩn đoán

– Chẩn đoán nhồi máu não dựa vào hình ảnh chụp não cắt lớp vi tính.

– Chẩn đoán tiền đái tháo đường: trị số HbA1C từ 5,7% đến 6,4%

– Theo IDF (2005), chẩn đoán hội chứng chuyển hóa khi có ít nhất 3 tiêu chí sau: 1. Béo phì trung tâm: vòng bụng ở nam ≥ 90cm; nữ ≥ 80 cm; 2. Triglycerid máu ³ 150mg/dl (³ 1,69mmol/l) hoặc đã được điều trị đặc hiệu dạng rối loạn lipid máu này; 3. HDL- Cholesterol máu: nam < 40mg/dl (<1,03mmol/l),                                                         nữ < 50mg/dl (< 1,29mmol/l) hoặc đã được điều trị đặc hiệu dạng rối loạn lipid máu này; 4. Huyết áp cao: huyết áp ³ 130/85mmHg hoặc đã được chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp trước đó; 5. Glucose máu lúc đói cao: ³ 110mg/dl (³ 6,1mmol/l).

Nghiên cứu của chúng tôi thực hiện trên những bệnh nhân đã được chẩn đoán xác định là tiền đái tháo đường, nên chẩn đoán xác định có hội chứng chuyển hóa trong nghiên cứu này khi bệnh nhân có ít nhất 2 tiêu chí từ 1- 4 như trên.

2.2.2. Kỹ thuật: – Tất cả bệnh nhân được khá lâm sàng, xét nghiệm máu tại khoa Sinh hóa, Bệnh viện Nguyễn Trãi.

– Xử lý số liệu: chương trình SPSS 11.5

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Tỷ lệ hội chứng chuyển hóa

Bảng 3.1. Tỷ lệ mắc hội chứng chuyển hóa

Tình trạng Hội chứng chuyển hóa Tổng
    Có Không
    n % n % n %
Chung 50 72,46 19 27,54 69 100,0
  χ2= 13,93; p< 0,01
Giới tính Nam 24 64,86 13 35,14 37 100,0
Nữ 26 81,25 6 18,75 32 100,0
  χ2= 2,31; p > 0,05

Bảng 3.2. So sánh tuổi trung bình trong nhóm nghiên cứu

Tuổi trung bình Hội chứng chuyển hóa p
    Có Không
Chung 70,62 ± 12,12 74,05±12,11 >0,05
Giới tính Nam (n=37) 69,54±11,1 70,38±12,46 >0,05
Nữ (n= 32) 71,62±13,12 82±6,7 <0,05

Bảng 3.3. So sánh tỷ lệ mắc hội chứng chuyển hóa theo nhóm tuổi

  Hội chứng chuyển hóa  
    Có Không  
    n % n %  
Nhóm tuổi <60 10 20,0 2 10,53 χ2= 1,63; p > 0,05
60-80 26 52,0 9 47,37
>80 14 28,0 8 42,11
Chung   50 100,0 19 100.00

3.2. Đánh giá bệnh nhân tiền đái tháo đường bị nhồi máu não mắc hội chứng chuyển hóa

Bảng 3.4. Phân bố sự kết hợp 2 yếu tố của hội chứng chuyển hóa trong nhóm bệnh nhân nhồi máu não tiền đái tháo đường

Tổng số hội chứng chuyển hóa (n=50)
n %
Béo phì dạng nam- Tăng triglycerid 18 36,0
Béo phì dạng nam- Giảm HDL-C 22 44,0
Béo phì dạng nam- Tăng huyết áp 28 56,0
Tăng triglycerid – Giảm HDL-C 20 40,0
Tăng triglycerid – Tăng huyết áp 25 50,0
Giảm HDL-C- Tăng huyết áp 30 60,0

Bảng 3.5. Tần suất các yếu tố trong hội chứng chuyển hóa

Tổng số hội chứng chuyển hóa ( n= 50)
n %
Béo phì dạng nam 32 64,0
Tăng triglycerid 29 58,0
Giảm HDL-C 35 70,0
Tăng huyết áp 45 90,0

Bảng 3.6. Phân bố số tiêu chí trên một bệnh nhân mắc hội chứng chuyển hóa

Số tiêu chí 3 ³ 4
n 39 11
% 78,0 22,0
χ2= 14,58; p < 0,01
  1. BÀN LUẬN

4.1. Tỷ lệ hội chứng chuyển hóa

            Trong nghiên cứu của chúng tôi tỷ lệ hội chứng chuyển hóa là 72,46% (bảng 3.1). Tỷ lệ này cao hơn nghiên cứu của Hoàng Đăng Mịch (bệnh viện Việt Tiệp- Hải Phòng): trong 92 bệnh nhân đột quỵ có 56 người mắc hội chứng chuyển hóa chiếm 60,8% [5]. Theo nghiên cứu của Sudhir và cộng sự: những người có hội chứng chuyển hóa thì nguy cơ đột quỵ tăng gấp 2,05 lần và nhồi máu não tăng gấp 2,41 lần [7]. Tại Huế, Trần Hữu Dàng đưa ra tỷ lệ hội chứng chuyển hóa ở bệnh nhân ĐTĐ thể 2 (tiêu chuẩn WHO) là 87,88% [8]. Trong khi đó, tỷ lệ này (tiêu chuẩn ATP III) của Đỗ Thị Mỹ Hạnh, Hồ Hải Hưng (Đà Nẵng): 72,86% [3]; của Võ Bảo Trung, Trần Văn Trung (Bình Định): 65,09% [2].

Trong nghiên cứu của chúng tôi: tỷ lệ hội chứng chuyển hóa ở nam giới là 64,86%, ở nữ giới là 81,25%. Tỷ lệ này cao hơn khi so sánh với các tác giả Ilanne Parikha Pirjo, Eriksson Johan G (Phần Lan) tiến hành nghiên cứu FINRISK (gồm 2049 người tuổi 45- 64): tỷ lệ hội chứng chuyển hóa đối với nam và nữ ở người có rối loạn glucose máu đói (IFG) lần lượt là: 74% và 52,2% [4]. Bo Isomaa, Kaj Lahti, Peter Almgren (Phần Lan) nghiên cứu 4483 người 35- 70 tuổi, tỷ lệ hội chứng chuyển hóa ở người có rối loạn glucose máu đói là 42- 64% [1].

Nghiên cứu của Hoàng Đăng Mịch, các bệnh nhân nam giới đột quỵ có tỷ lệ hội chứng chuyển hóa cao hơn so với nữ giới (66% so với 55,6%) [5].

Tuổi trung bình của bệnh nhân tiền đái tháo đường bị nhồi máu não mắc hội chứng chuyển hóa so với nhóm bệnh nhân không mắc hội chứng chuyển hóa không khác biệt có ý nghĩa thống kê (70,62 ± 12,12 so với 74,05±12,11), p>0,05. Tương tự, tuổi trung bình của nhóm bệnh nhân nam tiền đái tháo đường bị nhồi máu não có mắc so với nhóm không mắc hội chứng chuyển hóa không khác biệt có ý nghĩa thống kê. Tuy nhiên ở bệnh nhân nữ thì khác biệt có ý nghĩa thống kê (71,62±13,12 so với 82±6,7), p<0,05 (bảng 3.2). Điều này cũng phù hợp với nhận xét của Hoàng Đăng Mịch [5].

Nhóm tuổi có tỷ lệ mắc hội chứng chuyển hóa cao nhất trong bệnh nhân nhồi máu não là 60- 80 tuổi: 52%. Trong nghiên cứu của Hoàng Đăng Mịch, tỷ lệ này là 60,7% nằm trong nhóm > 70 tuổi [5].

4.2. Đánh giá bệnh nhân tiền đái tháo đường bị nhồi máu não mắc hội chứng chuyển hóa

Trong nghiên cứu của chúng tôi, bên cạnh tình trạng tiền đái tháo đường thì sự kết hợp 2 yếu tố béo phì dạng nam- tăng huyết áp và tăng triglycerid – tăng huyết áp chiếm tỷ lệ cao 56% và 50% (bảng 3.4). Điều này cũng phù hợp với nhận xét của Hoàng Trung Vinh, Quách Hữu Trung: khi nghiên cứu trên bệnh nhân tăng huyết áp thì sự hiện diện của kết hợp 2 yếu tố khác: béo bụng và tăng triglycerid là cao nhất [9], cũng như kết luận của Bo Isomaa và cộng sự: kết hợp các yếu tố béo phì, tăng huyết áp và rối loạn lipid máu là nguy cơ tim mạch phổ biến nhất ở người tăng glucose máu, đái tháo đường [1].

Trên bệnh nhân tiền đái tháo đường bị nhồi máu não mắc hội chứng chuyển hóa thì tần suất tăng huyết áp, giảm HDL-C và béo phì dạng nam chiếm tỷ lệ cao (90%, 70% và 64%) (bảng 3.5). Điều này phù hợp với Palaniappan Latha: yếu tố tiên đoán tốt nhất của hội chứng chuyển hóa là tăng vòng bụng, giảm HDL- C và proinsulin [6]. Tuy nhiên, trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ tăng triglycerid thấp nhất trong các thành tố của hội chứng chuyển hóa (58%). Điều này trái với nhận định của Bo Isomaa: tăng triglycerid thường gặp hơn giảm HDL- C [1].

Theo kết quả bảng 3.6: 50 bệnh nhân mắc hội chứng chuyển hóa của chúng tôi thì tỷ lệ có đầy đủ cả 4 tiêu chí chẩn đoán hội chứng chuyển hóa là 22%.

  1. KẾT LUẬN

Qua khảo sát 69 bệnh nhân tiền đái tháo đường bị nhồi máu não, chúng tôi có nhận xét:

5.1. Tỷ lệ hội chứng chuyển hóa ở bệnh nhân tiền đái tháo đường bị nhồi máu não là 72,46%; ở nam giới là 64,86%, ở nữ giới là 81,25%.

Tuổi trung bình của bệnh nhân nữ tiền đái tháo đường bị nhồi máu não mắc hội chứng chuyển hóa khác biệt có ý nghĩa thống kê so với nhóm bệnh nhân nữ không mắc hội chứng chuyển hóa.

5.2. Tần suất yếu tố thường gặp là tăng huyết áp (90%), giảm HDL-C (70%) và béo phì dạng nam chiếm tỷ lệ cao (64%).

– Phối hợp 2 yếu tố thường gặp là béo phì dạng nam- tăng huyết áp (56%) và tăng triglycerid – tăng huyết áp (chiếm tỷ lệ 50%).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bo Isomaa, Kaj Lahti, Peter Almgren et al (2001), “Cardiovascular mobidity and mortality associated with the metabolic syndrome”, Diabetes Care, 24 (4), pp. 683- 89.

  1. Võ Bảo Dũng, Trần Văn Trung, Nguyễn Ngọc Chất, Ngô Thị Xuân Vân (2005), “Hội chứng chuyển hóa ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2 tại bệnh viện đa khoa Bình Định, 2003- 2004”, Tạp chí Y học thực hành, Kỷ yếu toàn văn các đề tài khoa học, tr.361- 366.
  2. Đỗ Thị Mỹ Hạnh, Hồ Hải Hưng (2005), “Nghiên cứu hội chứng chuyển hóa ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 tại bệnh viện C Đà Nẵng”, Tạp chí Y học thực hành, Kỷ yếu toàn văn các đề tài khoa học, tr.356- 360.
  3. Ilanne Parikha Pirjo, Eriksson Johan G et al (2004), “Prevalence of metabolic syndrome and its components: Findings from a Finish general population sample and the diabetes prevention study cohort”, Diabetes Care, 27(9), pp.2135- 2140.
  4. Hoàng Đăng Mịch (2012), “Nghiên cứu triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm của hội chứng chuyển hóa ở bệnh nhân đọt quỵ”, Tạp chí Nội tiết- đái tháo đường, Kỷ yếu toàn văn các đề tài khoa học Hội nghị Nội tiết & Đái tháo đường Toàn quốc lần thứ VI, Huế, 6(2), tr.602-606.
  5. Palaniappan Latha, Carnethon Mercedes, Wang Yun et al (2004), “Predictors of the incident metabolic syndrome in adults: The insulin resistance atherosclerosis study”, Diabetes Care, 27 (3), pp.788-793.
  6. Sudhir Kurl, Jari A.Laukkanen, Leo Liskanen, David Laaksonen et al (2006), “Metabolic syndrome and the risk of stroke in middle-age men”, Stroke, 37, pp.806-811.
  7. Lê Thị Thanh Tịnh, Trần Hữu Dàng (2005), “Hội chứng chuyển hóa ở phụ nữ mãn kinh”, Tạp chí Y học thực hành, Kỷ yếu toàn văn các đề tài khoa học, tr.403- 407.
  8. Hoàng Trung Vinh, Quách Hữu Trung ( 2005),” Nghiên cứu hội chứng chuyển hóa ở bệnh nhân tăng huyết áp”, Tạp chí Y học thực hành, Kỷ yếu toàn văn các đề tài khoa học, tr. 427- 431.