Đánh giá kết quả điều trị bệnh đái tháo đường týp 2 có hba1c < 11% theo khuyến cáo idc- 2010 tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định

                                                             ảnh minh họa                                                                          

Nguyễn Bá Hảo1, Lê Văn Chi2

1 Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, 2 Trường Đại học Y Dược Huế

TÓM TẮT

       Kiểm soát glucose máu ở bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) cần áp dụng đồng bộ nhiều phương pháp: giáo dục bệnh nhân, thực hiện chế độ ăn uống, vận động, sử dụng thuốc, kiểm tra glucose máu thường xuyên… trong đó việc sử dụng thuốc có vai trò rất quan trọng. Hiện nay có 2 phác đồ được sử dụng, đó là phác đồ đồng thuận giữa ADA và EASD năm 2008 và phác đồ IDC- 2010 nhằm kiểm soát nồng độ glucose máu chặt chẽ hơn.

Mục đích nghiên cứu: 1) Đánh giá kết quả điều trị ĐTĐ (glucose máu, HbA1c) theo khuyến cáo của Trung tâm đái tháo đường Quốc tế IDC 2010 ở những bệnh nhân ĐTĐ có HbA1c < 11%.

2) Khảo sát một số yếu tố ảnh hưởng đến kết quả điều trị: thời gian chẩn đoán bệnh đái tháo đường, sự tuân thủ điều trị, sự dung nạp của thuốc, tác dụng phụ của thuốc.

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu tiến cứu trên 106 bệnh nhân đái tháo đường týp 2 (nhóm bệnh) và 30 người bình thường (nhóm chứng) trong thời gian 3 tháng gồm 2 giai đoạn: điều trị nội trú và điều trị ngoại trú.

Kết quả: Trong số 106 bệnh nhân tham gia nghiên cứu có 16 bệnh nhân rút khỏi nghiên cứu còn lại 90 bệnh nhân (84,9%) và được chia thành 3 nhóm điều trị theo phác đồ IDC 2010: Ở nhóm I (glucose máu tăng vừa phải): Nồng độ Go (Glucose máu lúc đói) kiểm soát tốt chiếm 83,3%, nồng độ G2 kiểm soát tốt chiếm 33,3% và HbA1c đạt mức kiểm soát tốt chiếm 63,3%. Có 33,3% trường hợp cả ba Go, G2 và HbA1c đạt mức kiểm soát tốt.

Ở nhóm II (thiếu hụt insulin): Nồng độ Go kiểm soát tốt chiếm 66,7%, nồng độ G2 kiểm soát tốt chiếm 13,3% và HbA1c < 7% là 0%. Có 13,3% trường hợp cả hai Go và G2 đạt mức kiểm soát tốt.

Ở nhóm III (đề kháng insulin): Nồng độ Go kiểm soát tốt chiếm 56,7%, nồng độ G2 kiểm soát tốt chiếm 43,3% và HbA1c < 7% là 0%. Có 43,3% trường hợp cả hai Go và G2 đạt mức kiểm soát tốt.

 

ABSTRACT

A STUDY ON TREATMENT EFFECTIVENESS IN TYPE 2 DIABETIC PATIENTS WITH HbA1c < 11% ACCORDING TO THE IDC’S RECOMMENDATION 2010 AT BINH DINH GENERAL HOSPITAL


Objectives: 1) To evaluate the of treatment effectiveness in type 2 diabetic patients with HbA1c < 11% according to the IDC’s recommendation 2010; 2) To investigate some factors affecting the treatment outcomes e.g. duration of diabetes, treatmentadherence, side effectsofdrugs, tolerability etc.

Subjects and methods: A 3-month prospective study was conducted in 106 type 2 diabetic patients and 30 healthy ones (as control group) and included 2 phases: inpatient and outpatient ones.

Results: Of the 106 patients enrolled in the study, 16 patients withdrew from the study, the remaining 90 patients (84.9%) completed the course and were divided into 3 groups according to the IDC recommendation:

     Group I (moderately high blood glucose): The prevalence of good control for fasting glucose, postprandial glucose and HbA1c was 83.3%, 33.3% and 63.3%, respectively. In this group, 33.3% of cases achieved all three criteria.

     Group II (insulin deficiency): The prevalence of good control for fasting glucose, postprandial glucose was Go concentrations was 66.7%, 13.3%, respectively. 13.3% of cases achieved both fasting and postprandial glucose target.

     Group III (insulin resistance): The prevalence of good control for fasting glucose and postprandial glucose was 56.7%, and 43.3%, respectively. 43.3% of cases in this group achieved both fasting and postprandial glucose target.

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

     Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh lý nội tiết phổ biến và ngày càng có khuynh hướng gia tăng trên khắp thế giới cũng như ở nước ta và đang trở thành một thách thức chính trong thế kỷ XXI. Trong năm 2011 có khoảng 366 triệu người mắc đái tháo đường trên toàn thế giới, và dự đoán đến năm 2030 sẽ có 552 triệu người mắc ĐTĐ.

     Việc điều trị bệnh đái tháo đường đúng cách kết hợp với việc kiểm soát glucose máu chặt chẽ là những yếu tố quan trọng giúp ngăn chặn và làm chậm sự tiến triển của các biến chứng, làm giảm tỷ lệ tử vong và mức độ tàn phế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Để đạt được mục tiêu kiểm soát glucose máu ở bệnh nhân đái tháo đường cần áp dụng đồng bộ nhiều phương pháp: giáo dục bệnh nhân, thực hiện chế độ ăn uống, vận động, sử dụng thuốc, kiểm tra glucose máu thường xuyên… trong đó việc sử dụng thuốc là rất quan trọng.

       Hiện nay có 2 phác đồ được cập nhật sử dụng trong điều trị đái tháo đường týp 2, đó là phác đồ đồng thuận giữa Hiệp hội ĐTĐ Hoa Kỳ ADA và Hiệp hội nghiên cứu ĐTĐ châu Âu EASD năm 2008 đến nay vẫn được áp dụng chưa thay đổi, và phác đồ của Trung tâm ĐTĐ quốc tế IDC 2010 có phân tầng điều trị, với mục tiêu kiểm soát nồng độ glucose máu chặt chẽ hơn.

     Mục tiêu nghiên cứu

  1. Đánh giá kết quả điều trị bệnh đái tháo đường typ 2 có HbA1c < 11% theo khuyến cáo của IDC 2010.
  2. Tìm hiểu một số yếu tố ảnh hưởng đến kết quả điều trị (thời gian chẩn đoán bệnh đái tháo đường, sự tuân thủ điều trị, tác dụng phụ của thuốc, sự dung nạp thuốc).
  3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
  4. Phương pháp nghiên cứu:

       Nghiên cứu tiến cứu trong thời gian 3 tháng gồm 2 giai đoạn

         + Giai đoạn đầu bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện (nội trú)

         + Tiếp tục điều trị sau khi bệnh nhân ra viện (ngoại trú)

  1. Đối tượng nghiên cứu:

       Gồm 106 bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường týp 2 cả nam và nữ.

   2.1. Tiêu chuẩn chọn bệnh:

       Chẩn đoán ĐTĐ theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) 2010

   2.2. Tiêu chuẩn loại trừ:

         – Bệnh nhân đái tháo đường týp 1.

         – Bệnh cấp tính nặng như suy gan, suy thận, suy tim nặng, trầm cảm.

         – Bệnh nhân sử dụng insulin trước nghiên cứu

         – Bệnh nhân không tự nguyện tiếp tục tham gia nghiên cứu

         – Không kiểm soát được glucose máu khi đã dùng đến liều tối đa, phối hợp insulin hoặc chuyển khoa cấp cứu.

         – Bệnh nhân có các xét nghiệm lúc vào: Go > 350 mg/dL (16,7 mmol/L), G2 > 350 mg/dL (19,4 mmol/L), HbA1c > 11%

   2.3. Các bước tiến hành:

Bước 1: chọn bệnh (106 bệnh nhân và 30 chứng)

     Bệnh nhân có đủ tiêu chuẩn sẽ được chọn vào nghiên cứu, được khám tổng quát và ghi đầy đủ thông tin (Tiền sử, thời gian mắc bệnh, tuổi, giới, chiều cao, cân nặng, BMI, Glucose máu đói, Glucose máu 2 giờ sau ăn, HbA1c) vào hồ sơ bệnh án và sổ theo dõi.

Bước 2: Phân nhóm điều trị theo khuyến cáo IDC – 2010. Bệnh nhân được phân nhóm điều trị dựa vào Go, G2 giờ sau ăn, HbA1c.

Nhóm 1: (30 bệnh nhân) có:

       + Glucose máu lúc đói: 8,3 – 11,1 mmol/L

       + Glucose máu 2h sau ăn trưa: 11,1 – 16,7 mmol/L

       + HbA1c: 7 – 8,9 %.

Nhóm 2: thiếu hụt insulin (30 bệnh nhân) có:

       + Glucose máu lúc đói: 11,2 – 16,7 mmol/L

       + Glucose máu 2h sau ăn trưa: 16,7 – 19,4 mmol/L

       + HbA1c: 9 – 11 %

       + Có HOMA IR ở mức giảm và trung bình: < 2,03

Nhóm 3: Đề kháng insulin (30 bệnh nhân) có:

       + Glucose máu lúc đói: 11,2 – 16,7 mmol/L

       + Glucose máu 2h sau ăn trưa: 16,7 – 19,4 mmol/L

       + HbA1c: 9 – 11 %

       + Có HOMA IR ở mức tăng: > 0,23

Bước 3: Điều trị theo khuyến cáo IDC – 2010

       Nhóm 1: Điều trị Glucophage viên 850mg

       Nhóm 2: Điều trị Glucophage + Diamicron MR

       Nhóm 3: Điều trị Glucophage + Pioglite

Bước 4: Theo dõi bệnh nhân trong quá trình điều trị

     Trong thời gian 3 tháng điều trị bệnh được theo dõi chia 2 giai đoạn:

         + Giai đoạn đầu điều trị tại bệnh viện (nội trú) kiểm tra nồng độ glucose máu đói 4 lần và glucose máu 2 giờ sau ăn 2 lần, thời gian 1 tuần / 1lần xen kẽ nhau.

         + Tiếp tục điều trị sau khi ra viện (ngoại trú) kiểm tra nồng độ glucose máu đói 2 lần và glucose máu 2 giờ sau ăn 2 lần, thời gian 2 tuần / 1lần xen kẽ nhau. Bệnh nhân được khám và ghi đầy đủ vào sổ theo dõi, kết quả glucose máu, liều lượng thuốc và kiểm tra sự tuân thủ của bệnh nhân.

         + Bệnh nhân được theo dõi Bilan lipid máu, ure, creatinin, điện giải đồ, SGOT, SGPT mỗi tháng và sau 3 tháng điều trị.

Bước 5: Đánh giá kết quả điều trị theo IDC- 2010

       Glucose máu lúc đói: 3,9 – 6,7 mmol/L, Glucose máu 2 h sau ăn: < 8,9 mmol/L, HbA1c: < 7 %.

III. KẾT QUẢ

  1. Kết quả HbA1c sau điều trị

Bảng 1. Kết quả HbA1c sau điều trị theo nhóm

HbA1c (%) sau

điều trị

Nhóm I Nhóm II Nhóm III
n % n % n %
< 7 19 63,3 0 0 0 0
7 – 8 6 20,0 5 16,7 3 10,0
8 – 9 3 10,0 6 20,0 10 33,3
≥ 9 2 6,7 19 63,3 17 56,7

Bảng 2. Mức độ kiểm soát nồng độ HbA1c theo khuyến cáo IDC 2010

HbA1c (%) Nhóm I (a) Nhóm II (b) Nhóm III (c)
n % n % n %
< 7 19 63,3 0 0 0 0
≥ 7 11 36,7 30 100 30 100
p p(a,b) < 0,01; p(a,c) < 0,01; p(b,c) > 0,05.
  1. Nồng độ soát glucose máu đói (Go) sau điều trị

Bảng 3. Mức độ kiểm soát Go sau 3 tháng điều trị theo khuyến cáo IDC 2010

Go

(mmol/L)

Nhóm I (a) Nhóm II (b) Nhóm III (c)
n % n % n %
< 6,7 25 83,3 20 66,7 17 56,7
≥ 6,7 5 16,7 10 33,3 13 43,3
Tổng 30 100 30 100 30 100
p p(a,b) > 0,05; p(b,c) > 0,05; p(a,c) < 0,05.
  1. Nồng độ gluccose 2 h sau ăn (G2) sau điều trị

Bảng 4. Mức độ kiểm soát G2 sau 3 tháng điều trị theo khuyến cáo IDC 2010

G2 (mmol/l) Nhóm I (a) Nhóm II (b) Nhóm III (c)
n % n % n %
< 8,9 10 33,3 4 13,3 13 43,3
≥ 8,9 20 66,7 26 86,7 17 56,7
Tổng 30 100 30 100 30 100
p p(a,b) > 0,05; p(a,c) > 0,05; p(b,c) <0,05.
  1. Liều lượng các loại thuốc điều trị đái tháo đường

Bảng 5. Liều lượng các thuốc điều trị đái tháo đường

Thuốc Nhóm I

(n=30)

Nhóm II

(n=30)

Nhóm III

(n=30)

p
Glucophage (mg) 1700,0 ± 446,44 1898,3 ± 365,66 1926,7 ± 382,31 > 0,05
Diamicron MR (mg) 0 71,0 ± 16,68 0
Pioglite (mg) 0 0 21,0 ± 7,47

 

  1. BÀN LUẬN      

     Glucose máu đói (Go) trung bình của bệnh nhân lúc vào viện ở nhóm I là 8,1 ± 1,05 sau 3 tháng điều trị giảm xuống 5,8 ± 1,00 mmol/l đạt mục tiêu sau 2 tuần với liều Glucophage trung bình là 1700,0 ± 446,44 mg; ở nhóm II là 10,8 ± 2,35 sau 3 tháng điều trị giảm xuống 6,1 ± 0,91 mmol/l đạt mục tiêu sau 2 tuần với liều Glucophage trung bình là 1898,3 ± 365,66 mg phối hợp Diamicron MR liều trung bình 71,0 ± 16,68 mg; ở nhóm III là 12,2 ± 2,39 sau 3 tháng điều trị giảm xuống 6,7 ± 1,48 mmol/l đạt mục tiêu sau 3 tuần với liều Glucophage trung bình là 1926,7 ± 382,31 mg phối hợp Pioglite liều trung bình 21,0 ± 7,47 mg. Nồng độ Go trung bình ở 3 nhóm trước và sau điều trị đều giảm có ý nghĩa thống kê với p < 0,01.

   Glucose máu 2 giờ sau ăn (G2) trung bình khi mới vào viện ở nhóm nhóm I là 14,4 ± 2,24 mmol/l sau 3 tháng điều trị giảm xuống 9,5 ± 1,21 mmol/l với liều Glucophage trung bình là 1700,0 ± 446,44 mg; ở nhóm II là 18,2 ± 2,13 sau 3 tháng điều trị giảm xuống 10,5 ± 2,05 mmol/l với liều Glucophage trung bình là 1898,3 ± 365,66 mg phối hợp Diamicron MR liều trung bình 71,0 ± 16,68 mg; ở nhóm III là 18,7 ± 2,32 mg sau 3 tháng điều trị giảm xuống 9,8 ± 2,17 mmol/l với liều Glucophage trung bình là 1926,7 ± 382,31 mg phối hợp Pioglite liều trung bình 21,0 ± 7,47 mg. Do có sự phối hợp thuốc ngay từ đầu nên nồng độ G2 đạt đươc mục tiêu (< 8,9 mmol/L) ở nhóm III là 43,3% cao hơn nhóm I là 33,3% và nhóm II là 13,3%. Nồng độ G2 ở 3 nhóm trước và sau điều trị đều giảm có ý nghĩa thống kê với p < 0,01. Có sự khác biệt giữa nồng độ G2 sau điều trị ở nhóm II và nhóm III, p < 0,01.

     HbA1c trung bình khi mới vào viện ở nhóm I là 7,8 ± 0,41 % sau 3 tháng điều trị giảm xuống 6,9 ± 1,12%; ở nhóm II là 10,1 ± 0,58 % sau 3 tháng điều trị giảm xuống 9,2 ± 1,24 %; ở nhóm III là 10,0 ± 0,65 % sau 3 tháng điều trị giảm xuống 9,2 ± 1,09 %. Ở nhóm II và nhóm III nồng độ HbA1c lúc nhập viện cao (9-11%), thời gian điều trị ngắn nên nồng độ HbA1C < 7% ở nhóm I là 63,3%, nhóm II và nhóm III không có trường hợp nào đạt mục tiêu. Nồng độ HbA1c trước và sau điều trị, nhóm I với nhóm II; nhóm I với nhóm III có sự khác biệt, có ý nghĩa thống kê p< 0,01.

  1. KẾT LUẬN

     Qua nghiên cứu đánh giá kết quả điều trị ở 90 bệnh nhân bệnh đái tháo đường týp 2 có HbA1c < 11% theo khuyến cáo của IDC – 2010, chúng tôi có những kết luận sau:

     Nhóm I: Nồng độ Go kiểm soát tốt chiếm 83,3%, nồng độ G2 kiểm soát tốt chiếm 33,3% và HbA1c đạt mức kiểm soát tốt chiếm 63,3%. Có 33,3% trường hợp cả ba Go, G2 và HbA1c đạt mức kiểm soát tốt.

     Nhóm II: Nồng độ Go kiểm soát tốt chiếm 66,7%, nồng độ G2 kiểm soát tốt chiếm 13,3% và HbA1c < 7% là 0%. Có 13,3% trường hợp cả hai Go và G2 đạt mức kiểm soát tốt.

     Nhóm III: Nồng độ Go kiểm soát tốt chiếm 56,7%, nồng độ G2 kiểm soát tốt chiếm 43,3% và HbA1c < 7% là 0%. Có 43,3% trường hợp cả hai Go và G2 đạt mức kiểm soát tốt.

  1. KIẾN NGHỊ

     – Nên áp dụng phân tầng điều trị để kết hợp thuốc ngay từ đầu nhằm mục tiêu kiểm soát tốt glucose máu trong thời gian ngắn nhất.

     – Chỉ định điều trị Insulin sớm ở những bệnh nhân lúc vào nhập viện có nồng độ glucose máu đói (Go) > 11,2 mmol/L; glucose máu 2h sau (G2) > 16,7 mmol/L và HbA1c > 9 %.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. American Diabetes Association (2010), “Standards of medical care in diabetes-2010”. Diabetes Care, 33 Suppl 1, S11-61.
  2. American Diabetes Association (2011), “Standards of medical care in diabetes-2011”. Diabetes Care, 34(1), pp. 11-61.
  3. International Diabetes Center (2010), “Treatment of Type 2 Diabetes: Glycemic Control”. www.international diabetescenter.com.
  4. Massin P., Céline Lange, Jean Tichet et al (2011), “Hemoglobin A1c and Fasting Plasma Glucose Levels as Predictors of Retinopathy at 10 Years The French DESIR Study”. Arch Ophthalmol, 129(2), pp. 188-195.
  5. Rodbard H. W., Jellinger P. S. (2010), “The American Association of Clinical Endocrinologists/American College of Endocrinology (AACE/ACE) algorithm for managing glycaemia in patients with type 2 diabetes mellitus: comparison with the ADA/EASD algorithm”. Diabetologia, 53(11), pp. 2458-2460.
  6. Shaw J. E., Sicree R. A., Zimmet P. Z. (2010), “Global estimates of the prevalence of diabetes for 2010 and 2030”. Diabetes Res Clin Pract, 87(1), pp. 4-14.
  7. Whiting D. R., Guariguata L., Weil C., Shaw J. (2011), “IDF diabetes atlas: global estimates of the prevalence of diabetes for 2011 and 2030”. Diabetes Res Clin Pract, 94(3), pp. 311-321.