Đột quị và Đái tháo đường

I.ĐẠI CƯƠNG

Đột quỵ xảy ra khi giảm tưới máu não với thời gian đủ lâu để làm chết tế bào và gây ra triệu chứng thần kinh cục bộ.

Đột quị xuất huyết: máu chảy từ mạch máu và mô não.

Đột quị thiếu máu: do tắc nghẽn mạch máu. Có nhiều loại: tắc nghẽn mạch máu lớn, thuyên tắc mạch từ tim, tắc mạch máu nhỏ.

Các nguyên nhân khác của đột quị: tăng đông, bóc tách động mạch, bệnh hồng cầu hình liềm.

ĐTĐ làm tăng nguy cơ đột quị lên khoảng 2-5 lần.

ĐTĐ có nhiều yếu tố nguy cơ làm tăng đột quị: ĐTĐ tăng khả năng bị xơ vữa động mạch và các bệnh lý mạch máu nhỏ, ĐTĐ cũng thường kết hợp với các tình trạng tăng đông và/hoặc tăng nguy cơ bệnh tim mạch thí dụ béo phì, THA, rối loạn chuyển hóa lipid.

Kiểu đột quị thường kết hợp với ĐTĐ là dạng lỗ khuyết do tắc mạch máu nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp thuyên tắc do cục máu đông từ tim (gặp trong bệnh van tim, rung nhĩ), tình trạng tăng đông và các dạng khác.

Đột quị do xuất huyết ít gặp ở người ĐTĐ hơn người không ĐTĐ.

Khoảng 1/3 người đột quị nhập viện có glucose huyết tăng cao. Glucose huyết tăng cao liên hệ với dự hậu xấu.

II.TRIỆU CHỨNG

Thay đổi tùy theo vùng não bị tổn thương, tuy nhiên các triệu chứng thường xuất hiện đột ngột trong đột quị.

Các triệu chứng thường gặp: Tê hoặc yếu cơ mặt, tay và/ hoặc chân; nói khó, không hiểu được ngôn ngữ của người tiếp xúc; chóng mặt, mất thăng bằng, thất điều vận động; rối loạn thị giác, nhìn đôi, mờ mắt, mất thị giác một bên, giới hạn thị trường mắt.

Đột quị xuất huyết thường đi kèm với nhức đầu, buồn ói, ói mửa.

Các triệu chứng do đột quị cũ có thể trở nên rõ rệt hơn khi người bệnh ĐTĐ có một bệnh lý cấp tính như tăng, hạ glucose huyết, nhiễm trùng.

Ở người bệnh ĐTĐ có xơ vữa động mạch, cơn hạ glucose huyết có thể gây ra triệu chứng thần kinh định vị.

III.CHẨN ĐOÁN

Cần ý kiến của bác sĩ chuyên khoa thần kinh, nhất là khi chỉ định các xét nghiệm hình ảnh học.

Hình ảnh cộng hưởng từ não (MRI não) có độ nhạy và độ chuyên biệt tốt hơn chụp hình cắt lớp điện toán (CT).

Chụp hình mạch máu não để tìm chỗ tắc mạch máu.

Chụp hình tưới máu não với MRI, CT để xem vùng não nguy cơ có thể cứu vãn được.

Siêu âm động mạch cảnh, siêu âm tim để tìm cục máu đông, mảng xơ vữa và bệnh nền tảng.

Các xét nghiệm máu: để đánh giá tình trạng bệnh của người bệnh và các bệnh có thể gây đột quị, tìm các yếu tố thuận lợi của đột quị: glucose huyết, điện giải, đếm tiểu cầu, yếu tố đông máu, bộ lipid, troponin.

Điện tim: tìm dấu hiệu của bệnh cơ tim thiếu máu, rung nhĩ.

IV.ĐIỀU TRỊ

  • Thuộc chuyên khoa thần
  • Các nguyên tắc của điều trị bao gồm:
  • Cần biết chính xác thời gian bắt đầu của triệu chứng đột quị để quyết định sử dụng tPA (tissue plasminogen activator) làm giảm tác hại của đột quị thiếu máu.
  • Can thiệp loại bỏ cục máu đông trong trường hợp thuyên tắc mạch máu.
  • Dùng thuốc kháng đông trong thời gian nằm viện: khi người bệnh có cục máu đông ở đỉnh tim, đặt van tim nhân tạo. Đa số các trường hợp đột quị thiếu máu không cần kháng đông trong lúc nằm viện.
  • Có thể bắt đầu aspirin 24-48 giờ sau khi đột quị, aspirin giúp giảm đột quị tái phát.
  • Nếu người bệnh không dung nạp aspirin, có thể dùng
    • Điều trị huyết áp:

Trong giai đoạn đột quị thiếu máu cấp, chỉ can thiệp giảm huyết áp nếu huyết áp tâm thu >220 mmHg, hoặc huyết áp tâm trương >120 mmHg, với mục tiêu giảm huyết áp 15-25% trong ngày đầu tiên. Cũng cần lưu ý chống chỉ định dùng tPA khi huyết áp tâm thu> 185mmHg và huyết áp tâm trương >110mmHg.

  • Glucose huyết cần được giữ trong giới hạn bình thường trong cơn đột quị cấp. Tăng glucose huyết sẽ làm tăng nhu cầu chuyển hóa ở não và do đó có thể làm xấu đi tình trạng phù não. Kiểm soát glucose huyết đặc biệt quan trọng trong giai đoạn cấp sau đột quị.

Nếu có nhu cầu chụp hình với thuốc cản quang, không nên dùng metformin.

V.THEO DÕI

Vật lý trị liệu để tái sử dụng vùng cơ thể bị tổn thương, giáo dục sức khỏe cho người bệnh để nhận biết các triệu chứng của đột quị tái phát.

Hỏi bệnh sử kỹ để tìm các biến chứng của đột quị như động kinh, hội chứng đau, co cứng cơ, trầm cảm.

Làm xét nghiệm, đánh giá các yếu tố nguy cơ. Kiểm soát tối ưu glucose huyết, lipid huyết.

Dùng aspirin, hoặc clopidogrel. Nếu người bệnh bị thuyên tắc do cục máu đông nên dùng warfarin.

Tiếp tục duy trì chế độ ăn uống ở người có nguy cơ tim mạch.

VI.PHÒNG NGỪA ĐỘT QUỊ

Thay đổi cách sống: giảm cân, hạn chế muối, khẩu phần giảm mỡ nếu có tăng cholesterol, luyện tập thể lực đều đặn phù hợp với tình trạng bệnh lý của người bệnh, ngừng hút thuốc.

Kiểm soát chặt chẽ glucose huyết, HbA1c <7%; nếu người bệnh yếu, không thể tự chăm sóc bản thân, có nhiều bệnh lý đi kèm có thể chấp nhận mức glucose huyết cao hơn.

Huyết áp mục tiêu <140-130/80 mmHg, kiểm soát tốt huyết áp giảm được khoảng 30-40% nguy cơ đột quị.

Lipid huyết: mục tiêu LDL <70 mg/dL (1,8mmol/L). Trong nghiên cứu Heart protection study, dùng statin giảm được 28% nguy cơ đột quị ở người bệnh ĐTĐ, độc lập với mức LDL nền, bệnh mạch máu sẵn có, loại ĐTĐ (typ 1 hoặc 2), thời gian bị bệnh ĐTĐ và sự kiểm soát glucose huyết.