Điều trị tại Bệnh viện Quốc tế. Ảnh: Võ Nhân |
Sau gần một năm hoạt động (từ 7/2014 – 6/2015), cơ sở này đã đón gần 1.000 người nước ngoài đến khám và điều trị, chiếm tỷ lệ gần 1%. Tuy nhiên, từ một cơ sở “đạt chuẩn quốc tế” trong khám chữa bệnh cho đến một “thị trường du lịch khám chữa bệnh” đúng nghĩa vẫn là một khoảng cách vời vợi. Cách đây không lâu, tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 46-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX)” về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới“ báo cáo của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cũng nhìn nhận: “Việc gắn kết y tế với phát triển du lịch, dịch vụ chưa thật chặt chẽ. Dịch vụ y tế phát triển chưa xứng tầm với trung tâm y tế chuyên sâu và vùng đất văn hóa, du lịch”.
Cái khó bó cái khôn
Trước hết, đã rõ một thực tế đáng ngậm ngùi! Doanh thu mỗi năm từ thị trường du lịch khám chữa bệnh, làm đẹp ở châu Á đạt 4 tỷ USD với mức tăng trưởng 20-30%. Những nước châu Á tham gia mạnh mẽ vào thị trường này, gồm Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc và Malaysia, kể cả những nước mà ngành y tế lẫn du lịch chưa phát triển mạnh như Ấn Độ, Philippines. Việt Nam vẫn là cái tên không hề được nhắc đến trên bản đồ du lịch khám chữa bệnh của thế giới, và mỗi năm có khoảng 40 ngàn người Việt Nam mang gần 2 tỷ USD đi khám chữa bệnh ở nước ngoài. Nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam hoàn toàn có thể cải thiện tình trạng này vì trình độ y tế của chúng ta không hề thua kém các nước trong khu vực. Bác sĩ Việt Nam có tay nghề giỏi, thực hiện thành công nhiều kỹ thuật tiên tiến, thậm chí có bác sĩ còn được mời sang Singapore tham gia mổ vào dịp cuối tuần! Tại Bệnh viện Trung ương Huế, nhiều bác sĩ người Philippines, Malaysia sang tầm sư học… mổ nội soi! Về du lịch, nói chung Việt Nam sở hữu những “thế mạnh” mà thiên hạ phải thèm thuồng: bờ biển dài, cảnh đẹp mê hồn, nhiều di tích lịch sử, văn hóa, di sản vật thể và phi vật thể… còn nói riêng với “thành phố festival”, “thành phố văn hóa ASEAN” thì “vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được”… Thế nhưng tất cả vẫn cứ là tiềm năng! Vấn đề là cái khó bó cái khôn. Chúng ta lo cho người nhà còn chưa xong, sức đâu mà nghĩ đến người ngoài! Vấn nạn quá tải bệnh viện vẫn còn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà quản lý.
Trong một hội nghị về y tế, một đại diện của Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế cho biết, chủ trương của Bộ hiện nay là tập trung giải quyết vấn đề quá tải bệnh viện, chưa nghĩ đến việc phát triển ngành du lịch khám chữa bệnh. Chính vì chưa được “bật đèn xanh”, các bệnh viện công lẫn tư nhiều tiềm lực vẫn chưa mặn mà với loại hình dịch vụ “hái ra tiền tỷ” này mặc dù từ trước đến nay, việc các bệnh nhân nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh không còn là chuyện lạ. Mặt khác, để thị trường du lịch khám chữa bệnh phát triển cần sự chung tay góp sức của rất nhiều ngành liên quan: y tế, du lịch, tư pháp, công an, hải quan… trong đó, ngành du lịch đóng vai trò “đầu tàu” cho một chiến lược xây dựng và phát triển qui mô, bài bản và lâu dài. Việt Nam chưa sẵn sàng là phải: một mặt, du lịch còn yếu; mặt khác, khả năng và hiệu quả phối hợp giữa các ngành cũng chưa hiệu quả.
Kinh nghiệm các nước
Vì là một sản phẩm du lịch, cho nên ngành du lịch đứng ra chủ trì là đương nhiên. Cục Du lịch Singapore phối hợp với Cục Phát triển kinh tế và Cục Đầu tư nước ngoài Singapore đưa ra sáng kiến liên ngành thành lập cơ quan “Singapore – Medicine”.Trung tâm Xúc tiến du lịch Singapore liên tục khuyến khích các bệnh viện, các tập đoàn y tế nước này lập văn phòng đại diện tại Việt Nam, thường xuyên tổ chức các chương trình quảng bá.
Bản thân tôi là bác sĩ chuyên về ung thư cũng từng được mời dự nghe những chương trình như thế, và biết nhiều đồng nghiệp của mình cũng từng giới thiệu bệnh nhân qua Singapore để nhận hoa hồng! Ở Malaysia có Hội đồng Du lịch y tế phối hợp với một đối tác chiến lược thường xuyên tổ chức các hội thảo nhằm giới thiệu những phương pháp điều trị tiên tiến, thế mạnh và những dịch vụ y tế chất lượng mang đẳng cấp quốc tế ở Malaysia. Một trong những mục tiêu của Hội đồng Du lịch y tế Malaysia “giảm các yêu cầu và quy trình y tế phúc tạp” trong khi chính phủ vẫn kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng dịch vụ của các cơ sở y tế được cấp phép. Bên cạnh cạnh tranh về chất lượng, nhiều bệnh viện ở Malaysia tìm cách kéo giảm chi phí dịch vụ đồng thời chú trọng đầu tư về mặt thẩm mỹ, thiết kế nhằm tạo một không gian thư thái, dễ chịu cho bệnh nhân.
Tương tự, mỗi nước đều có những “chiêu” riêng để thu hút du lịch khám chữa bệnh. Với Thái Lan, đó là các chương trình kích cầu du lịch sáng tạo, nhanh nhạy và liên tục. Với Hàn Quốc, đó là ứng dụng công nghệ thông tin với một hệ thống trực tuyến hỗ trợ lưu trữ bệnh án và tư vấn y tế được phát triển dưới sự bảo trợ của Bộ Y tế, đó còn là sức hấp dẫn và hiệu quả của một nền Đông y phát triển.
Bao giờ, ở Huế?
Còn nhớ cách đây mấy năm, giám đốc một công ty lữ hành ở Huế than phiền trong một cuộc phỏng vấn rằng thủ tục quá rắc rối khi phải đưa du khách nước ngoài không may bị bệnh vào các bệnh viện ở Huế. Một bản dịch bệnh án phải đi lại năm lần bảy lượt mới có. Các công ty du lịch thường phải thuê bác sĩ “tháp tùng” bệnh nhân ra Hà Nội hoặc vào thành phố Hồ Chí Minh nhập viện khám do ở Huế không có cơ sở y tế nào có hợp đồng bảo hiểm y tế cho du khách. Ở chiều ngược lại, tất cả bệnh nhân nước ngoài đến Huế điều trị đều theo kênh quen biết, tự đi, người đi trước giới thiệu người đi sau chứ không từ dịch vụ đưa đón của một văn phòng đại diện hay công ty du lịch nào. Ngành y tế chưa sẵn sàng với “du lịch khám chữa bệnh” đã đành, ngành du lịch lại càng “bó tay chấm chân”. Du lịch Huế vốn bị chê là nghèo nàn sản phẩm, tâm lý ăn sẵn ít chịu đổi mới… huống chi bày vẽ thêm một loại hình kết hợp khám chữa bệnh xa xỉ.
Tình hình đến nay dường như đã có chút cải thiện.Trước hết, du lịch khám chữa bệnh được nhắc đến nhiều hơn. Sau đó, đã có những khởi động trong thực tế. Các bệnh viện mà đi đầu là Bệnh viện Trung ương Huế đã xây dựng được một hệ thống cơ sở vật chất và các quy chế tương đối hoàn chỉnh liên quan đến khám chữa bệnh cho đối tượng người nước ngoài, mang tính chất đột phá và đón đầu mô hình du lịch y tế. Thành công bước đầu của mô hình này rất đáng phấn khởi và cần được nhân rộng. Trong lĩnh vực y học cổ truyền, Thái y viện triều Nguyễn là một di sản độc đáo đang từng bước được phục hồi và phát huy giá trị. Nhiều chuyên gia, các nhà quản lý đã bắt đầu nhắc đến Thái y viện như là một địa chỉ, một «sản phẩm văn hóa tinh thần» riêng có ở Huế rất phù hợp với mô hình gắn kết du lịch với khám chữa bệnh (*). Ngoài ra, ở Huế còn có suối nước khoáng nóng Mỹ An, Thanh Tân chứng minh những lợi ích vi diệu cho sức khỏe con người; v.v… và v.v…
Nói tóm lại, thế mạnh y tế hay tiềm năng du lịch Huế đều sẵn có. Vấn đề là Huế có muốn làm và có đủ nội lực để làm hay không. Có cần thiết phải chờ đến khi nào giải quyết xong những vấn nạn của ngành y trong nước rồi mới nghĩ đến chất lượng dịch vụ y tế cao cấp cho người ngoài? Hay là cứ tiếp tục giữ tình trạng tự phát, tự lo, mạnh ai nấy… phát triển như hiện nay? Làm sao để một “thị trường du lịch khám chữa bệnh” đúng nghĩa không chỉ là “đầy hứa hẹn” và mơ ước? Nhìn lại thực trạng và tìm kiếm kinh nghiệm của các nước trong khu vực, có thể dễ dàng thấy được những “rào cản” ở Huế cũng nằm trong những bất cập chung của cả nước, đó là: quản lý nhà nước chưa sẵn sàng vào cuộc, thiếu khả năng kết nối giữa các ban ngành liên quan, và bỏ ngỏ một chiến lược xúc tiến quảng bá bài bản.