Hoạt động hưởng ứng ngày Đái tháo đường Thế giới 14/11.

Sáng 13/11, Khoa Nội tiết – Thần kinh – Hô hấp (Bệnh viện Trung ương Huế) và Hội Nội tiết – Đái tháo đường Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức sinh hoạt CLB bệnh nhân Đái tháo đường. 250 bệnh nhân đái tháo đường đang điều trị tại bệnh viện tham gia chương trình.

Kiểm tra đường máu
Đo huyết áp
Tư vấn kiến thức về bệnh Đái tháo đường

Đái tháo đường là một bệnh lý phổ biến, số người mắc bệnh ngày càng tăng đáng báo động. Chủ đề Ngày Thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường (14/11) năm nay là “Gia đình cùng hành động sớm phòng, chống bệnh đái tháo đường”, với mục đích nâng cao nhận thức về tác động của bệnh đái tháo đường đối với gia đình. Mặt khác, thúc đẩy vai trò của gia đình trong việc quản lý, chăm sóc, phòng ngừa bệnh đái tháo đường. Trong đó, đặc biệt chú trọng tới việc tầm soát sớm bệnh, giảm thiểu nguy cơ biến chứng, từ đó hạ tỷ lệ tử vong cũng như chi phí điều trị đối với người bệnh.Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng Glucose huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin, hoặc cả hai. Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipid, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.Theo thông báo mới nhất của Liên đoàn đái tháo đường thế giới (IDF), năm 2017 toàn thế giới có 424,9 triệu người bị bệnh đái tháo đường (ở độ tuổi từ 20-27). Nghĩa là, cứ 11 người, có 1 người bị bệnh đái tháo đường. Tới năm 2045, con số này sẽ là 629 triệu, tăng 48%. Như vậy, cứ 10 người có 1 người bị bệnh đái tháo đường.Bên cạnh đó, cùng với việc tăng sử dụng thực phẩm không thích hợp, ít/không hoạt động thể lực ở trẻ em khiến bệnh đái tháo đường type 2 đang có xu hướng tăng ở cả trẻ em, trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng.Số người bị đái tháo đường ở các nước có thu nhập thấp và trung bình tiếp tục tăng, một nửa số người bị bệnh đái tháo đường chưa được chẩn đoán, bệnh đái tháo đường gây nên nhiều biến chứng, là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận, và cắt cụt chi… 12% chi phí y tế trên toàn cầu những năm gần đây là chi cho người lớn bị đái tháo đường. Con số này ở năm 2017 là 727 tỷ USD và ước tính đến năm 2045 là 776 tỷ USD.Tuy nhiên, bệnh đái tháo đường type 2 có thể dự phòng, ngăn chặn được. Có tới 70% bệnh nhân đái tháo đường type 2 có thể đề phòng hoặc làm chậm xuất hiện bệnh bằng tuân thủ lối sống lành mạnh, dinh dưỡng và tập thể lực hợp lý, con số này có thể tới 160 triệu người vào năm 2040 (IDF-2015).Thông điệp đơn giản để phòng ngừa bệnh đái tháo đường được đưa ra là: Không hút thuốc lá; ăn nhạt, ăn nhiều rau xanh, ăn đủ lượng kali, ăn nhiều cá, ăn ít mỡ động vật; hạn chế uống cà phê, bia rượu hoặc các đồ uống có cồn; duy trì cân nặng chuẩn; rèn luyện thể lực hàng ngày…Hỗ trợ người bệnh đái tháo đường những kiến thức phổ thông về bệnh lý này, các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế đã phổ biến về cách tự chăm sóc, điều trị bệnh tại nhà, cách thức phát hiện những biến chứng của bệnh, hướng dẫn chế độ ăn uống dành cho người bệnh, cách sử dụng thuốc điều trị, những thay đổi cần thiết trong lối sống để hạn chế biến chứng tim mạch và mắt ở người bệnh và đặc biệt là cách phòng chống dịch bệnh COVID-19 đối với người bệnh tiểu đường…Việc bệnh nhân đái tháo đường có nhận thức đúng về tình trạng bệnh, hợp tác và tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc quản lý tình trạng bệnh, giảm số lượng bệnh nhân nhập viện và giảm gánh nặng về kinh tế cho gia đình, xã hội và nâng cao chất lượng sống cho bản thân.