Hội nghị khoa học phòng chống ung thư năm 2016 với sự góp mặt của nhiều đại diện, chuyên gia đã đưa ra nhiều cảnh báo rùng mình, đáng sợ. 

Bệnh viện T.Ư Huế, Hội ung thư Việt Nam và Trường ĐH Y dược Huế tổ chức hội nghị với sự tham gia của đại diện Tổ chức y tế thế giới (WHO) cùng nhiều tổ chức, mạng lưới quốc tế về y tế và hơn 400 đại biểu là các chuyên gia, cán bộ y tế của Việt Nam và các quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Úc, Tây Ban Nha, Pháp, Thụy Điển, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông…
Mỗi năm có 150 ngàn người mắc

Hơn 100 bài báo khoa học của các chuyên gia trong và ngoài nước tại hội nghị cho thấy căn bệnh ung thứ tiếp tục là thách thức toàn cầu với xu hướng ngày một gia tăng, trong đó ung thư chiếm tỉ lệ cao là ung thư: phổi, vú, tiền liệt tuyến, dạ dày, gan, cổ tử cung, thực quản, bàng quang… Riêng tại Việt Nam hiện mỗi năm có khoảng 150 ngàn người mắc căn bệnh hiểm nghèo này.

 Tại hội nghị, bà Socorro Escalante (Văn phòng đại diện WHO tại VN) cho hay, mỗi năm trên toàn cầu có chừng 8,2 triệu người chết vì ung thư (riêng Trung Quốc chiếm 27% tổng số ca chết vì ung thư của thế giới). Hiện thế giới có trên 100 loại bệnh ung thư và đang có xu hướng tăng dần.

Tại Việt Nam, ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, trong đó nguyên nhân tập trung từ việc hút thuốc, lạm dụng bia rượu. Về phía WHO đã có những chương trình phối hợp với các hoạt động ở Việt Nam, trong đó tập trung tìm hiểu các nguyên nhân gây bệnh, trong đó ưu tiên hàng đầu làm sao tỉ lệ bệnh nhân ung thư vào viện giai đoạn muộn giảm và tăng phát hiện ung thư sớm gúp tăng cơ hội sống cho bệnh nhân.

Vị đại diện WHO cũng khuyến cáo Việt Nam cần hết sức chú ý đến các nguy cơ gây ung thư như tình trạng ô nhiễm môi trường, hóa chất trong môi trường đất và nước và cả hóa chất do bức xạ, phóng xạ.

Ung thư đến từ “ăn uống, hút hít”

Bên lề hội nghị, trao đổi với Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhìn nhận căn bệnh ung thư đang là thách thứ lớn, nhất là có xu hướng trẻ hóa lứa tuổi người mắc.

Ông Tiến nói Bộ Y tế rất quan tâm và có nhiều nỗ lực trong việc chăm sóc giảm nhẹ, trong đó mời các chuyên gia nước ngoài tập huấn đào tạo nâng cao trình độ, kĩ năng cho bác sĩ, điều dưỡng chuyên ngành để nâng cao chất lượng chăm sóc cho bệnh nhân; phát hiện sớm bệnh ung thư… Tuy nhiên, ở Việt Nam bệnh nhân ung thư đang gặp nhiều khó khăn khi mà chi phí điều trị thì lớn, nhưng mức toán bảo hiểm thì có hạn.

Trong khi đó GS.BS.Anh hùng Lao động Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam chia sẻ rằng hiện nay ung thư vú đang chiếm tỉ lệ khá cao so với số người mắc ung thư (khoảng 25 người/100.000 người). Nhưng bên cạnh đó, ung thư gan với người Việt là rất nhiều, tỉ lệ chiếm đến 40 người/100.000 người mắc. Nhậu nhẹt bia rượu, ăn uống các thứ như gạo, đậu phộng mốc cũng gây ung thư gan.

Tỉ lệ người mắc ung thư phổi hiện cũng ngang bằng với ung thư gan, trong đó nguyên nhân chủ yếu do hút luốc lá. Đáng buồn là phụ nữ không hút thuốc nhưng lại chiếm 1/3 so với đàn ông ung thư phổi khi họ hút thuốc thụ động.

Liên quan đến thực phẩm “bẩn”, chứa hóa chất, kim loại nặng đang đe dọa người dân hiện nay, GS Hùng cho rằng chúng ta cần ngăn chặn và kiểm soát, tuy nhiên đối với những loài thực phẩm này không chỉ gây ung thư không thôi mà còn nhiều bệnh khác.

“Với sự phát triển y học và hoa học kĩ thuật như hiện nay, bác sĩ như có mắt thần, có khả năng phát hiện ung thư sớm. Thế nhưng mọi người hay nghĩ trời kê ai nấy dạ, điều đó là không đúng. Phải biết sớm, khám sức khỏe định kì để phát hiện và can thiệp y tế kịp thời thì cơ hội điều trị rất tốt” – GS Hùng nói.

Đình Toàn

http://thanhnien.vn/