Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực Y – Dược” tại thành phố Đà Nẵng. Tham dự Hội thảo, về phía Viện Hàn lâm KHCNVN có GS.TSKH.Dương Ngọc Hải, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; TS.Hà Quý Quỳnh, Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ; PGS.TS.Nguyễn Hoài Châu, Nguyên Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ cùng các cán bộ khoa học là tác giả của những công nghệ, thiết bị ứng dụng trong lĩnh vực Y – Dược. Về phía địa phương, có sự hiện diện của đại diện lãnh đạo các Sở, Ban ngành của thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế, Kon Tum.
Hội thảo cũng đã thu hút hàng chục doanh nghiệp Y – Dược trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cũng như tại các tỉnh lân cận. Đặc biệt, Hội thảo còn nhận được sự quan tâm, chú ý của các Bệnh viện, trung tâm y tế, trường đại học và đông đảo các trình dược viên quan tâm tới dự.
GS.TSKH.Dương Ngọc Hải phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TSKH.Dương Ngọc Hải đánh giá cao những tiềm năng mà thành phố Đà Nẵng đang có, về con người, cơ sở hạ tầng cũng như điều kiện tự nhiên ưu đãi, khiến cho nơi đây trở thành một trong những địa điểm lý tưởng thu hút đầu tư, đây cũng là lý do Viện Hàn lâm KHCNVN tổ chức Hội thảo giới thiệu các công nghệ tiêu biểu, sẵn sàng thương mại hóa trong lĩnh vực Y – Dược tại thành phố Đà Nẵng. Qua Hội thảo, các nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp, bệnh viện, trường đại học có thể tìm được tiếng nói chung trong chiến lược phát triển dựa trên tri thức khoa học và công nghệ tiên tiến của Viện Hàn lâm KHCNVN.
Các công nghệ được giới thiệu tại Hội thảo đều dựa trên những kiến thức tích lũy trong suốt 1,5 thập kỷ qua của các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu đến từ các Viện chuyên ngành trực thuộc Viện Hàn lâm. Về mảng tân dược, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên có thể coi là đơn vị tiên phong của Viện Hàn lâm trong việc tìm kiếm các hợp chất quý, có hoạt tính từ thiên nhiên để cho ra những sản phẩm mới, có giá trị trong y học và chăm sóc sức khỏe. Từ những nghiên cứu này, Viện đã đăng ký và sở hữu nhiều bằng sáng chế và bằng bảo hộ Nhãn hiệu hàng hóa. Từ quy trình nghiên cứu – phát triển (R&D) bài bản, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên hiện nay đã sở hữu nhiều chủng loại sản phẩm phục vụ chăm sóc sức khỏe, trong đó, nhiều sản phẩm đã được chuyển giao, thương mại hóa, hiện đang được lưu hành rộng rãi trên thị trường và nhận được sự tín nhiệm của người sử dụng. Có thể kể đến các sản phẩm tiêu biểu như thực phẩm chức năng Cốt thoái vương; Bioglucumin; Hasamin; Arostin; Heriglucan; Omegaka; Vidoxim; Akumarin…
Trưng bày sản phẩm nghiên cứu của các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm
Về thiết bị y tế, có hai đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm giới thiệu sản phẩm tới hội thảo là Viện Công nghệ Môi trường với bàn rửa khử trùng và máy lọc không khí và Viện Vật lý với Máy phát tia plasma lạnh ứng dụng trong y sinh.
TS. Đỗ Hoàng Tùng, tác giả của Máy phát tia plasma cho biết: “Máy phát tia plasma lạnh ứng dụng công nghệ hồ quang trượt (Gliding arc plasma – GAP) – là một trong bốn nhãn hiệu máy phát tia plasma đầu tiên trên thế giới dựa trên nguyên lý này. Trên thế giới, hiện có Anh, Đức và Israel là có chứng chỉ CE cho thiết bị y tế”. Tới nay, sau khi đã được kiểm nghiệm và thử nghiệm lâm sàng tại nhiều bệnh viện lớn, chiếc máy PlasmaMed của TS.Đỗ Hoàng Tùng đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành sản phẩm trang thiết bị y tế và Việt Nam trở thành quốc gia thứ tư ứng dụng thành công công nghệ plasma lạnh điều trị trong y tế và thẩm mỹ. Phương pháp điều trị bằng máy plasma là giải pháp đột phá trong việc nghiên cứu những ứng dụng có khả năng diệt vi sinh vật thay thế cho kháng sinh – trong điều kiện kháng kháng sinh đang là một vấn đề rất cấp bách hiện nay. Chưa kể, cách điều trị này còn giúp giảm chi phí điều trị xuống rất nhiều lần.
Báo cáo tại Hội thảo, TS.Đào Văn Tuyết, tác giả công trình nghiên cứu Hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế (PACS – Picture Archiving and Comunication System) đã bày tỏ nguyện vọng được trao tặng nghiên cứu này đến thành phố Đà Nẵng. Trước đó, nghiên cứu này cũng đã được ứng dụng thành công tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp và Bệnh viện Nhi đồng 2.
Trao đổi tại Hội thảo, TS.Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng đánh giá cao những thành tựu mà các nhà khoa học đã đạt được, cá nhân bà khi dùng thử các sản phẩm được trưng bày bên lề Hội thảo, bà cảm thấy rất thích thú và hài lòng. TS.Vũ Thị Bích Hậu cũng cho biết việc số hóa trong mọi lĩnh vực là một trong những mũi nhọn mà Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng hướng đến. Vì vậy, rất cần sự hợp tác chặt chẽ giữa Viện Hàn lâm KHCNVN với UBND thành phố Đà Nẵng.
Hội thảo đã kết thúc thành công tốt đẹp, là tiền đề cho những hợp tác chuyển giao công nghệ giữa các nhà khoa học Viện Hàn lâm KHCNVN và các doanh nghiệp Y – Dược tại Miền trung. Hi vọng trong tương lai, các nhà khoa học của Viện sẽ có ngày càng nhiều sản phẩm thiết thực, có ý nghĩa, phục vụ trong lĩnh vực Y-Dược nói riêng và cho cộng đồng nói chung.
Nguồn: http://www.vast.ac.vn/