Theo các nhà khoa học đến từ Đại học Iowa (Mỹ), hormone do gan sinh ra có tên yếu tố sinh trưởng nguyên bào sợi 21 (FGF21) có thể giúp chống lại cơn thèm đồ ngọt.
Đây là lần đầu tiên một cơ chế duy nhất được tìm thấy trong gan có tác dụng chống lại cơn thèm đường. FGF21 vốn được biết đến là hormone quy định mức năng lượng (cacbohydrate) trong máu. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, FGF21 cũng có ảnh hưởng đến sở thích của vị giác.
Hormone FGF21 có thể kiềm chế cơn thèm đường. (Nguồn: Fortune).
Để kiểm tra ý tưởng đó, các nhà khoa học đã tạo ra hai nhóm chuột biến đổi gene: một nhóm có cơ thể không sản sinh FGF21 và nhóm kia sản sinh quá mức loại hormone này. Sau đó các nhà khoa học cung cấp cho chuột biến đổi gene nhiều dạng thức ăn khác nhau có hàm lượng đường đơn, đường phức và cacbohydrate khác nhau để xem dạng đồ ăn nào được chúng ưa thích. Kết quả thu được cho thấy: chuột không có FGF21 cực kỳ ưa thích chế độ ăn có hàm lượng đường cao. Trong khi đó, chuột sản sinh FGF21 quá mức lại tránh xa đồ ngọt.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, FGF21 ức chế sự thèm ăn đường đơn mà không ảnh hưởng đến sự thèm ăn đường phức hay cacbohydrate ở chuột.
Trong tương lai, các nhà khoa học sẽ tiếp tục tìm hiểu các tế bào thần kinh ở chuột chịu ảnh hưởng bởi sự thay đổi hormone này. Hiện tại, họ ngờ rằng các đường dẫn thần kinh này nằm trong hypothalamus (vùng dưới đồi) – vùng não quy định cơn đói và làm cầu nối giữa hệ nội tiết và hệ thần kinh.
Nếu các chức năng và đường dẫn tương tự tồn tại trong con người, các nhà khoa học có khả năng sẽ tìm được một cách để kiềm chế cơn thèm đường ở người.
Matthew Potthoff – trợ lý giáo sư tại Đại học Iowa và đồng tác giả của nghiên cứu này, cho biết, kết quả nghiên cứu cuối cùng sẽ được công bố trên tạp chí Cell Metabolism vào tháng 2/2016.