Hướng dẫn nhanh khám tầm soát đái tháo đường nhằm hỗ trợ dược sĩ trong quản lý điều trị bằng thuốc

Đái tháo đường là một bệnh lý nghiêm trọng đặc trưng bởi mức đường máu cao, tiểu nhiều, khát nhiều và tăng cảm giác đói. Khi bệnh nhân mắc đái tháo đường, việc điều trị bằng nhiều liệu pháp khác nhau nhằm kiểm soát huyết áp, cholesterol máu và các yếu tố khác cũng rất quan trọng.

Đối với dược sĩ, nhiệm vụ của chúng ta là đảm bảo bệnh nhân phải được điều trị một cách phù hợp theo tình trạng của họ. Do vậy, dược sĩ cũng phải có khả năng nhận định được tình trạng của bệnh nhân dựa trên hồ sơ dùng thuốc của họ. Dưới đây là một hướng dẫn nhanh có thể sử dụng cho xác định bệnh nhân mắc đái tháo đường và hỗ trợ điều trị phù hợp với tình trạng bệnh, bao gồm cảthông tin tổng hợp ngắn về những can thiệp không thuộc dược lý học.

Liệu pháp kháng tiểu cầu (anti-platelet):

  • Aspirin (75-162 mg/ ngày) nên được sử dụng với vai trò là can thiệp dự phòng ban đầu các bệnh lý tim mạch (cardiovascular diseases – CVD) cho bệnh nhân đái tháo đường typ 1 và typ 2.
  • Nếu bệnh nhân dị dứng với aspirin, thay thế bằng clopidogrel 75 mg/ngày.

Thuốc kiểm soát huyết áp:

  • Thuốc kiểm soát huyết áp nên được kê cho bệnh nhân đái tháo đường có chỉ số huyết áp cao hơn 140/90.
  • Thuốc điều trị đầu tay: thuốc ức chế men chuyển (angiotensin-converting enzyme inhibitiors – ACEIs), ví dụ lisinopril; hoặc thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (angiotensin II receptor blockers – ARBs), ví dụ valsartan.
  • Phần lớn bệnh nhân tiểu đường cần các liệu pháp điều trị bổ sung, như với các thuốc lợi tiểu thiazid (ví dụ hydrochlorothiazid) hoặc thuốc chẹn kênh calci (calci channel blocker – CCB) (như amlodipin).

Thuốc kiểm soát cholesterol máu:

  • Bệnh nhân từ 40-75 tuổi mắc đái tháo đường có chỉ số LDL-C từ 70-189mg/dL nên được bắt đầu điều trị với statin.
  • Mức độ điều trị với statin là cao hay trung bình tùy thuộc vào nguy cơ mắc bệnh tim mạch liên quan đến xơ vữa động mạch (atherosclerotic cardiovascular disease – ASCVD) của bệnh nhân.

Vắc xin:

  • Vắc xin viêm gan B: áp dụng cho bệnh nhân từ 19-59 tuổi chưa được tiêm vắc xin.
  • Vắc xin cúm: tiêm hàng năm cho bệnh nhân từ 6 tháng tuổi trở lên.
  • Vắc xin phế cầu khuẩn (pneumococcal): bệnh nhân từ 2-64 tuổi: chủng PPSV23, bệnh nhân từ 65 tuổi trở lên: chủng Prevnar 13 và sau 1 năm tiêm chủng PPSV23.
  • Vắc xin uốn ván (tetanus): tiêm mỗi 10 năm.

Các liệu pháp không thuộc dược lý học:

  • Xét nghiệm nước tiểu hàng năm nhằm kiểm tra lượng albumin niệu.
    • Albumin niệu lớn hơn hoặc bằng 30 mg/ngày thì bắt đầu điều trị với ACEI hoặc ARB.
  • Kiểm tra mắt hàng năm nhằm phát hiện dấu hiệu bệnh võng mạc.
    • Nếu kiểm tra cho kết quả bình thường và lượng glucose máu ổn định, thì việc khám này có thể thực hiện mỗi 2 năm một lần,
  • Kiểm tra bàn chân hàng năm.
    • Bệnh nhân nên thực hiện hàng ngày việc tự kiểm tra tình trạng khô, nứt nẻ và lở loét ở chân.
    • Bệnh nhân nên tránh việc đi bằng chân trần.
  • Chế độ ăn giàu chất xơ (ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh và các loại đậu), các loại cá giàu DHA và EPA. Giảm lượng muối hấp thu hàng ngày xuống dưới 2300 mg, hạn chế các loại mỡ bão hòa xuống 5-6% trong khẩu phần ăn trung bình hàng ngày (ADA), giảm các loại chất béo chuyển hóa (trans fat) và tăng lượng chất xơ.
  • Thường xuyên luyện tập các bài tập thể dục có cường độ trung bình (khoảng 30 phút/ngày trong ít nhất 5 ngày/tuần).
  • Ngừng hút thuốc.
  • Thực hiện giảm cân với bệnh nhân thừa cân và béo phì.
  • Duy trì kích thước vòng bụng dưới 35 inch (khoảng 89 cm) với nữ giới, và dưới 40 inch (khoảng 102 cm) với nam giới.

N.T.L, T.A, dịch từ Pharmacytimes.com