Breaking News

Huyền thoại y học Nhật Bản tận tụy cứu người đến ngày cuối cuộc đời

Tiến sĩ, bác sĩ Shigeaki Hinohara vừa qua đời ở tuổi 105, để lại cho y tế Nhật Bản nhiều thành tựu đáng kính nể.

Sinh năm 1911, một năm trước thảm họa tàu Titanic, tiến sĩ Shigeaki Hinohara được biết đến là một trong những bác sĩ hành nghề lâu năm nhất thế giới và được người Nhật tôn vinh là huyền thoại y học. Ông qua đời vì suy hô hấp hôm 18/7, thọ 105 tuổi. Trước đó, ông phải nhập viện vào tháng 3 khi không thể ăn, nhưng ông từ chối ăn qua ống xông và dành phần đời còn lại ở nhà.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Quốc tế St Luke cho biết, từ đầu năm đến nay sức khỏe không tốt do tuổi già nhưng ông vẫn thường ghé bệnh viện để kiểm tra và nói chuyện với bệnh nhân. Vài tháng trước khi chết, ông vẫn khám và đưa ra lời khuyên cho người bệnh.

Vị tiến sĩ được các đồng nghiệp miêu tả là “kho báu quốc gia”. Ông từng lãnh đạo 5 cơ sở y tế và làm chủ tịch Bệnh viện Quốc tế St Luke ở Tokyo suốt nhiều thập kỷ. Chính ông đã giúp thiết lập hệ thống y tế đưa nước Nhật trở thành một trong những quốc gia mà người dân có tuổi thọ cao nhất thế giới.

Tiến sĩ Shigeaki Hinohara qua đời ở tuổi 105. Ảnh: Reuters.

BBC đã điểm lại những mốc nổi bật trong cuộc đời vị bác sĩ vĩ đại này.

Năm 1945, ông là người chữa trị cho các nạn nhân bị thương vì bom lửa và tham gia khởi dựng lại Bệnh viện Quốc tế St Luke từ đống hoang tàn sau khi Chiến tranh thế giới thứ II tàn phá Tokyo. Đây là bệnh viện nổi tiếng đã từng điều trị cho Paul McCartney (thành viên của nhóm nhạc The Beatles) khi ông này ngã bệnh lúc đến Nhật Bản lưu diễn.

Năm 1954, tiến sĩ Hinohara giới thiệu hệ thống kiểm tra y tế toàn diện hàng năm của Nhật Bản – được gọi là “bến tàu của con người”, hệ thống được ghi nhận đóng góp rất lớn vào tuổi thọ của đất nước này. Ông cũng là người ủng hộ mạnh mẽ việc duy trì một đời sống xã hội tích cực vào tuổi già.

Tiến sĩ Hinohara trở thành giám đốc của St Luke vào đầu những năm 1990. Ông đưa các ống oxy lắp đặt khắp tòa nhà vào năm 1994 để phòng ngừa thủ đô xảy ra động đất. Năm sau, một cuộc tấn công bằng chất sarin vào tàu điện ngầm Tokyo do một giáo phái tiến hành đã giết chết ít nhất 12 người và làm bị thương hàng nghìn người. May mắn các chế phẩm của tiến sĩ Hinohara và sự chữa trị kịp thời của các bác sĩ tại bệnh viện đã hỗ trợ, cứu sống hầu hết nạn nhân.

Năm 1970, tiến sĩ Hinohara may mắn sống sót trong một vụ cướp máy bay. Ngày ấy, ông là một hành khách trên chiếc máy bay của hãng hàng không Nhật Bản bị những kẻ không tặc trang bị kiếm và đạn tấn công. Họ bắt 129 con tin trên chuyến bay từ Tokyo đến Fukuoka, sau đó thả tại Fukuoka và thủ đô Seoul của Hàn Quốc trước khi bay tới Bắc Triều Tiên. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2008 với Thời báo Nhật Bản, tiến sĩ Hinohara nói rằng những kẻ không tặc đã gắn thuốc nổ vào con tin. “Chúng tôi bị khủng bố, tất cả chỉ chờ đàm phán”, tiến sĩ nói.

Japan Times đưa tin, tiến sĩ còn là một người yêu nhạc tuyệt vời. Ở tuổi 88, ông đã viết một kịch bản cho một vở nhạc kịch Nhật Bản mang tên “The Fall of the Freddie the Leaf”. Chương trình lần đầu tiên được trình diễn vào năm 2000, tiến sĩ Hinohara cũng tham gia sản xuất. Ông vui vẻ khiêu vũ với trẻ em.

Ông còn thường xuyên xuất hiện trên truyền hình Nhật Bản, kêu gọi khán giả nên tạo nhiều niềm vui hơn trong cuộc sống để tránh bệnh tật. Trên truyền hình và qua tuyển tập những bài tiểu luận “Làm thế nào để sống tốt”, ông khuyến khích mọi người bỏ những quy định nghiêm ngặt về thời điểm ăn uống và ngủ nghỉ. Một trong những lời khuyên cuối cùng của ông là “luôn luôn leo cầu thang và rèn luyện sức mạnh của bạn bằng cách mang theo túi trên vai”.

Ở tuổi 75, bác sĩ Hinohara viết được gần 150 đầu sách, gồm cả cuốn sách bán chạy mà ông viết năm 101 tuổi. Mỗi năm ông thực hiện hơn 100 buổi diễn thuyết, số lần xuất ngoại nhiều không đếm xuể. Ông cũng là người khởi xướng các công tác kiểm tra chăm sóc sức khỏe ở Nhật Bản, trở thành nước có tuổi thọ dân số cao nhất thế giới.

Nhà báo nổi tiếng của Nhật, bà Judit Kawaguchi phải thốt lên “Tiến sĩ Hinohara là người năng động nhất tôi từng gặp”. Bà gặp lúc ông 90 tuổi. “Tôi gặp khi ông ấy đã 90 tuổi và tôi thay đổi ngay suy nghĩ của mình về lão hóa. 90 tuổi nhưng ông ấy vẫn làm việc 18 giờ một ngày trong cả tuần. Ông ấy là người nhiều năng lượng nhất mà tôi từng gặp”, bà nói.

“Ông tin rằng cuộc sống là sự cống hiến, mỗi mai thức dậy ông đều làm điều tuyệt vời cho mọi người. Ông ấy luôn luôn có những mục tiêu trong hôm nay, tương lai và 5 năm tiếp theo.T ôi cảm thấy rất buồn khi ông ấy qua đời vì ước mơ của ông là tham dự Olympic ở Tokyo vào năm 2020. Đó là mục tiêu lớn tiếp theo và ông ấy không thể làm được”, bà Judit Kawaguchi nuối tiếc.

Theo Lê Nga, Vnexpress.net