Breaking News

Khảo sát các yếu tố liên quan của Interleukin-6 và Interleukin-10 ở bệnh nhân tứ chứng fallot sau phẫu thuật sửa chữa toàn phần

Đồng Sĩ Sằng*, Bùi Đức Phú*, Nguyễn Duy Thăng*,
Nguyễn Tất Dũng*, Dương Đăng Hóa*, Trần Thúc Khang*,
Phạm Văn Huệ*, Lê Thị Phương Anh*, Lê Thị Diệu Phương*, Nguyễn Đặng Dũng**

*Bệnh viện Trung ương Huế, ** Học viện Quân Y

TÓM TẮT

Interleukin (IL)-6 và IL-10 được cho là những chất trung gian có vai trò quan trọng nhất và có giá trị dự báo tốt nhất trong đáp ứng viêm sau tuần hoàn ngoài cơ thể. Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm khảo sát các yếu tố liên quan của nồng độ interleukin (IL)-6 và IL-10 huyết thanh ở 79 bệnh nhân tứ chứng Fallot (TOF: tetralogy of Fallot) được phẫu thuật sửa chữa toàn phần tại Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Trung ương Huế từ tháng 11/2009 đến tháng 4/2011. Kết quả cho thấy nồng độ IL-6 ngày thứ hai (N2) sau PT có tương quan với nhiều biến số lâm sàng và cận lâm sàng quanh cuộc mổ, trong khi đó IL-10 (N2) chỉ tương quan với IL-6 trước và sau phẫu thuật.

Từ khóa: IL-6, IL-10, tứ chứng Fallot, phẫu thuật sửa chữa toàn phần

ABSTRACT

INVESTIGATION OF THE CORRELATION OF IL-6 AND IL-10 IN PATIENTS WITH TETRALOGY OF FALLOT AFTER COMPLETE REPAIR SURGERY

            Interleukin (IL)-6 and IL-10 are considered as master predictive control mediators of the post-cardiopulmonary bypass (CPB)-induced inflammatory response. The objective of this research is to investigate the correlation of serum IL-6 and IL-10 levels in 79 patients with tetralogy of Fallot (TOF) undergoing complete repair surgery at Cardiovascular center of Hue Central hospital, from November 2009 to April 2011. The results showed that serum level of IL-6 on the second postoperative day (D2) significantly correlated with many perioperative clinical and laboratory variables; meanwhile, serum IL-10 level (D2) had a correlation with pre- and post-operative serum levels only (D0 and D2).

Key Words: IL-6, IL-10, Tetralogy of Fallot, complete repair surgery.

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Cân bằng cytokin là yếu tố quan trọng trong sự tiến triển của hội chứng đáp ứng viêm toàn thân [5]. Tác động của interleukin (IL)-6 và IL-10 ở bệnh nhân phẫu thuật (PT) tim là quan trọng, có liên quan đến tình trạng đáp ứng miễn dịch và kết quả hậu phẫu [15]. Hiện nay, IL-6 và IL-10 được cho là có vai trò quan trọng nhất và có giá trị dự báo tốt nhất trong đáp ứng viêm sau tuần hoàn ngoài cơ thể (THNCT) [9].

Mục tiêu: Khảo sát các yếu tố liên quan của IL-6 và IL-10 ở bệnh nhân tứ chứng Fallot (TOF: tetralogy of Fallot) sau PT sửa chữa toàn phần.

  1. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 79 bệnh nhân TOF được PT sửa chữa toàn phần (đủ tiêu chuẩn đưa vào nghiên cứu) từ tháng 11/2009 đến tháng 4/2010 tại Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế. Nghiên cứu này được chấp thuận bởi Hội đồng Y đức BVTW Huế. Việc sử dụng glucocorticoid (GC) trong mổ tim hở bắt đầu được áp dụng tại Trung tâm Tim mạch BVTW Huế vào khoảng tháng 8/2008 và tùy vào sự quyết định của các bác sĩ tại cơ sở điều trị.

Bệnh nhân được chia thành 2 nhóm: 1) nhóm GC, gồm 31 bệnh nhân sử dụng dexamethasone (DEXA) 1 mg/kg cân nặng, đường tĩnh mạch ngay sau khi khởi mê và 32 bệnh nhân sử dụng methylprednisolone (MP) 30 mg/kg cân nặng, hòa trong dịch mồi THNCT; và 2) nhóm KGC gồm 16 bệnh nhân không sử dụng GC.

Các diễn biến lâm sàng được ghi nhận qua bệnh án của khoa Ngoại Lồng ngực và Khoa Hồi sức tích cực (ICU: Intersive care unit) – Trung tâm Tim Mạch – BVTW Huế.

Mẫu máu xét nghiệm là máu tĩnh mạch hoặc động mạch (sau mổ) vào thời điểm 6 giờ của ngày trước mổ (N0) và ngày thứ hai sau mổ (N2). Hầu hết các xét nghiệm được tiến hành sau khi lấy máu. Đối với xét nghiệm IL-6 và IL-10, huyết thanh được tách sau khi lấy mẫu máu và bảo quản ở -300C cho đến khi định lượng. Định lượng IL-6 và IL-10 được thực hiện với bộ kít định lượng IL-6 và IL-10 trên máy xét nghiệm IMMULITE 1000 (hãng Siemens – Hoa Kỳ) tại khoa Hóa sinh – BVTW Huế. Phương pháp định lượng: miễn dịch hóa phát quang (CLIA: chemiluminescent immunoassay).

Nồng độ IL-6 huyết thanh được chia thành 4 nhóm: < 250 pg/mL, 250 – 500 pg/mL, trên 500 – 1000 pg/mL và trên 1000 pg/mL [11, 14]. IL-10 được chia thành 4 nhóm: < 85 pg/mL, 85 – 125 pg/mL, > 125 – 250 pg/mL và > 250 pg/mL [8, 11].

Số liệu được thu thập theo mẫu thống nhất và đã được chuẩn hóa. Xử lý số liệu theo phương pháp thống kê y học, sử dụng phần mềm SPSS 10.05. Mối tương quan giữa các biến định lượng được tính khi giá trị tuyệt đối của hệ số tương quan r ≥ 0,3 [2]. Tuy nhiên, do kết quả xác định nồng độ interleukin huyết thanh trong nghiên cứu này không tuân theo phân phối chuẩn, chúng tôi sử dụng thuật toán logarit đưa mẫu về phân phối chuẩn để kiểm định sự khác biệt thống kê và tính tương quan. Trong trường hợp này, tương quan được tính bằng tương quan Spearman (r­s) [3]. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê khi p < 0,05.

  1. KẾT QUẢ

3.1. Đặc điểm chung và phân nhóm nồng độ interleukin-6 và interleukin-10

Bảng 3.1. Đặc điểm chung

Nhóm

Biến số                   GC (n = 63)KGC (n = 16)pTuổi (năm)7,08 ± 8,187,94 ± 6,830,699Cân nặng (kg)15,85 ± 10,3721,09 ± 14,580,102Thiếu oxy (tím) (n, %)28 (44,4%)8 (50,0%)0,904Hạ nhiệt (0C)30,86 ± 1,9030,93 ± 1,690,893THNCT (phút)131,37 ± 30,74121,50 ± 30,610,254Kẹp động mạch chủ (phút)80,68 ± 17,0379,25 ± 20,780,775Thời gian mổ (phút)255,48 ± 39,41244,69 ± 50,440,359Lọc máu (1 lần) (n, %)22 (34,9%)(3; 18,7%)0,345

Nhận xét:Đặc điểm chung của mẫu không khác biệt giữa hai nhóm trước và trong mổ (p>0,05).

Bảng 3.2. Phân nhóm nồng độ IL-6 ngày thứ hai sau phẫu thuật

Nhóm

IL-6 (pg/mL)GC (n = 63)KGC (n = 16)p*< 25049 (77,8%)9 (56,3%)0,110250 – 5008 (12,7%)3 (18,8%)> 500 – 10004 (6,3%)1 (6,3%)> 10002 (3,2%)3 (18,8%)

Nhận xét: phân nhóm nồng độ IL-6 (N2) không khác biệt giữa hai nhóm GC và KGC (p>0,05).

Bảng 3.3. Phân nhóm nồng độ IL-10 ngày thứ hai sau phẫu thuật

Nhóm

IL-10 (pg/mL)GC (n = 63)KGC (n = 16)p*≤ 8559 (93,7%)13 (81,3%)0,284> 85 – 1253 (4,8%)2 (12,5%)> 125 – 2501 (1,6%)1 (6,3%)

Nhận xét: phân nhóm nồng độ IL-10 (N2) không khác biệt giữa hai nhóm GC và KGC (p>0,05).

3.2.Liên quan của IL-6 và IL-10 với các đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng

Bảng 3.4. Tương quan của IL-6 và IL-10 trước phẫu thuật

Cytokine

Biến số Log IL-6 (N0)Log IL-10 (N0)spspLog IL-6 (N2)0,3240,010–Log IL-10 (N2)0,3540,006–Glucose (N0)-0,4110,001–CRP (N0)–0,5240,009Lympho (N2)–0,4710,020Bilirubin (N2)—0,4960,014Tổng số ngày sử dụng thuốc trợ tim mạch—0,4220,040

Nhận xét: trước phẫu thuật, IL-6 và IL-10 ít có tương quanvới các biến số.

Bảng 3.5. Tương quan của IL-6 và IL-10 sau phẫu thuật

Cytokine

Biến số Log IL-6 (N2)Log IL-10 (N2)spspThời gian phẫu thuật0,3110,006–Thể tích FFP trong phẫu thuật (mL)0,3670,001–Tổng đơn vị FFP0,418< 0,001–Tổng lượng máu trong phẫu thuật (mL)0,3350,003–Tổng lượng máu 24 giờ sau phẫu thuật (mL)0,3280,003–Tổng lượng máu sử dụng (mL)0,3770,001–Tổng lượng máu dẫn lưu ngực (mL)0,3370,003–Tổng số ngày sử dụng thuốc trợ tim mạch0,3130,005–Thời gian nằm ICU0,3690,001–BCTT (N2)0,3270,003–Lympho (N2)-0,3020,007–Log IL-6 (N0)0,3240,0100,3540,006Log IL-6 (N2)–0,562< 0,001

Nhận xét: vào ngày thứ hai sau phẫu thuật, IL-6 tương quan mức độ vừa với rất nhiều biến số quanh cuộc mổ, trái lại IL-10 chỉ tương quan với IL-6 trước và sau phẫu thuật.

  1. BÀN LUẬN

4.1. Đặc điểm chung và phân nhóm nồng độ interleukin-6 và interleukin-10

4.1.1. Đặc điểm chung

Bảng 3.1 cho thấy những đặc điểm chung trước và trong mổ của hai nhóm không khác biệt về mặt thống kê. Trong quá trình PT, khi lượng dịch vào nhiều hơn ra, bệnh nhân được lọc máu 1 lần. Việc lọc máu làm giảm lượng dịch thừa nhưng cũng loại bỏ các chất trung gian viêm bao gồm các cytokine và bổ thể, nhờ đó cũng giới hạn chuỗi các biến cố do viêm gây ra, dẫn đến sự phục hồi sớm sau PT tim. Kết quả cho thấy tỷ lệ lọc máu trong mổ không khác nhau giữa hai nhóm nên sự ảnh hưởng đến sự biến đổi cytokine sau mổ cũng không khác nhau giữa hai nhóm. Như vậy, nhìn chung cả hai nhóm đều chịu sự tác động của PT giống nhau.

4.1.2. Phân nhóm nồng độ interleukin-6 và interleukin-10 sau phẫu thuật

Người ta đã ghi nhận vai trò quan trọng của cytokine (IL-6 và IL-10) đối với các biến chứng sau THNCT, độ nặng tổn thương và tỷ lệ tử vong [9,15].Nhiều tác giả đã sử dụng nồng độ IL-6, procalcitonin và CRP để phân loại bệnh nhân theo độ nặng tổn thương và dự đoán kết quả [11, 14]. Theo các mô hình này, nồng độ cytokine được chia thành 4 nhóm với ý nghĩa tiên lượng đầy đủ (tính số điểm) [14]. Lausevic ghi nhận gần một nửa số bệnh nhân (45%) thuộc nhóm thứ 3 (IL-6 > 250 pg/mL) và nhóm thứ 4 (> 500 pg/mL) gợi ý tiên lượng xấu. Mức trung bình IL-10 sau chấn thương và trong 24 giờ đầu chỉ ra sự tiến triển của hội chứng suy đa tạng (MODS: multiple organ dysfunction syndrome)[11].

Bilgin nhận thấy ở thời điểm vào ICU, bệnh nhân nhận GC quanh cuộc phẫu thuật có IL-6 thấp hơn nhóm chứng (p < 0,001), trái lại IL-10 cao hơn ở nhóm GC (p < 0,001). MODS đi kèm một cách độc lập với nồng độ IL-6 và tỷ lệ tử vong đi kèm một cách độc lập với nồng độ IL-6 và IL-10 [5]. Hiện nay, IL-6 và IL-10 có thể được xem như là các chất trung gian có vai trò quan trọng nhất và có giá trị dự báo tốt nhất trong đáp ứng viêm sau THNCT [9].

Chúng tôi không tìm được phân nhóm nồng độ IL-6 trong nghiên cứu của Lausevic [11] nên sử dụng cách phân nhóm nồng độ IL-6 theo Takala [14]. Tương tự, chúng tôi sử dụng kết quả của Decourtere (2004) [8] và Lausevic [11] để phân nhóm IL-10.

Phân nhóm IL-6 (N2) gặp đủ 4 nhóm nhưng không khác biệt giữa hai nhóm GC và KGC (p > 0,05) (bảng 3.2). Phân nhóm IL-10 (N2) chỉ gặp 3 nhóm, phần lớn bệnh nhân (> 80%) có IL-10 ≤ 85 pg/mL (bảng 3.3).

Chúng tôi không tìm được điểm cắt (cut-off point) của IL-6 và IL-10 để dự đoán MODS, nhiễm trùng và tử vong do sự phân tán quá lớn của interleukin. Đồng thời, chúng tôi cũng chưa phát hiện mối tương quan của các phân nhóm interleukin với các biến chứng.

Sự biến đổi cytokine ở bệnh nhân chúng tôi có thể lý giải do mẫu phân tán bao gồm cả trẻ em và người trưởng thành. Mức IL-6 rất khác nhau giữa các bệnh nhân do thời gian bán sống ngắn (khoảng 4 giờ) và kỹ thuật định lượng [4]. Hơn nữa, sự tiết cytokine có tính đa dạng rõ rệt giữa các bệnh nhân, có thể liên quan đến đặc điểm di truyền cá thể [13]. Đồng thời, việc sử dụng thường quy GC có lẽ đã ảnh hưởng đến các mức cytokine.

4.2. Một số yếu tố liên quan với IL-6 và IL-10

4.2.1. Tương quan của IL-6 và IL-10 trước phẫu thuật

Bảng 3.4 cho IL-6 và IL-10 thấy trước PT ít có tương quan với các biến số lâm sàng và cận lâm sàng trước và sau PT.

Mối liên quan trước PT ít được đề cập có lẽ phần lớn nồng độ 2 cytokine này thấp trước PT [4, 5, 6]. Tuy nhiên, phân tích tương quan (Spearman) của Allan cho thấy IL-6 và CRP tương quan nghịch với tuổi của trẻ bị TBS. IL-6 và CRP tiền phẫu tương quan với nhiều biến số hậu phẫu như nồng độ lactate 24 giờ sau PT, thời gian thở máy, thời gian nằm ICU và nằm viện. Trái lại, IL-8 hoặc IL-10 trước PT không tương quan với các biến lâm sàng. Trẻ rất nhỏ có bằng chứng hoạt hóa viêm trước PT, nhưng dưới tác động của PT và THNCT, hình như đáp ứng viêm ở trẻ sơ sinh và trẻ lớn có cùng một mức độ do thiếu sự tương quan giữa tuổi và nồng độ các chất trung gian viêm 24 giờ sau mổ. Mặc dù trẻ nhỏ hơn có nồng độ các chất trung gian viêm trước mổ cao hơn nhưng các tác giả không thể chứng minh ảnh hưởng độc lập của nồng độ các chất trung gian viêm trước mổ đối với các kết quả hậu phẫu sau khi điều chỉnh tuổi và chẩn đoán [3].

    – Mối tương quan của IL-6 trước phẫu thuật

Một số trẻ bị tim bẩm sinh, nhất là có tím có biểu hiện tăng IL-6 tiền phẫu do hoạt hóa viêm cơ tim trước mổ [3, 10]. Đối với trẻ bị tim bẩm sinh, tình trạng trước mổ có thể khởi phát đáp ứng viêm toàn thân làm tăng đáp ứng viêm đối với phẫu thuật tim [10]. Kết quả của Hövels-Gürich cho thấy mức IL-6 tiền phẫu ở nhóm 1 (TOF) cao hơn, trong khi đó mức IL-10 tiền phẫu lại thấp hơn có ý nghĩa so với nhóm 2 [10]. Theo y văn, các cơ chế dẫn đến tăng sản xuất cytokine do thiếu khí có liên quan ít nhất đến sự tăng đáp ứng của tế bào mô nô và đại thực bào chống lại stress viêm. Sự cảm ứng ARN thông tin IL-6 có khả năng là kết quả của sự hoạt hóa thiếu khí ở vị trí yếu tố nhân (nuclear factor) đối với IL-6. Phẫu thuật tim với THNCT gây ra một đáp ứng tiền viêm mạnh với biểu hiện tăng sản xuất IL-6. Đáp ứng tiền viêm này đi kèm với một phản ứng chống viêm đã được chứng tỏ bởi sự sản xuất IL-10 [10].

Như vậy, mối tương quan của IL-6 (N0) với IL-6 và IL-10 (N2) có lẽ liên quan đến mức độ tím như ghi nhận của Hӧvel-Gürich là nồng độ IL-6 trước phẫu thuật tương quan với mức độ tím ở bệnh nhân TOF (IL-6 tiền phẫu tương quan nghịch với PaO2 trước mổ)[10]. Những bệnh nhân có tím thường có tổn thương tim phức tạp dẫn đến phẫu thuật kéo dài nên biểu hiện đáp ứng viêm mạnh hơn. Tuy nhiên, do tác dụng cải thiện đáp ứng cytokine của GC nên mối tương quan ở đây chỉ ở mức độ vừa.

Một số bệnh nhân TOF có mức IL-6 tiền phẫu cao [10]. DeCampli ghi nhận glucose máu tiền phẫu là một yếu tố quyết định của thời gian nằm viện, các mức glucose thấp hơn tương quan với thời gian nằm viện dài hơn. Các biến độc lập như tuổi và glucose tiền phẫu có tương quan mức độ vừa (Pearson, r = 0,39). Điều này cho thấy, đối với những bệnh nhân có thời gian nằm viện dài nhất, có khả năng là mức glucose tiền phẫu càng thấp chủ yếu là do trẻ càng nhỏ [7]. Đây có lẽ là lý do giải thích cho mối tương quan nghịch của IL-6 và glucose máu trước mổ trong nghiên cứu của chúng tôi mặc dù nồng độ glucose trước mổ không khác biệt giữa hai nhóm(số liệu không trình bày). Tuy nhiên, người ta không chắc là mức glucose máu tiền phẫu thấp hơn có khả năng gây ra nằm viện dài hơn [7].

     – Mối tương quan của IL-10 trước phẫu thuật

IL-10 (N0) tương quan thuận với CRP (N0), số lượng tế bào lympho(N2) và tương quan nghịch với tổng số ngày sử dụng thuốc trợ tim mạch (inotrope) và bilirubin sau mổ (N2)(bảng 3.4).

Hövels-Gürich đã chứng tỏ ở những bệnh nhân giảm khí máu và tăng IL-6 tiền phẫu không biểu hiện tăng CRP. Kết quả này ủng hộ cho quan điểm về cân bằng tiền viêm đơn thuần ở những trẻ tim bẩm sinh thiếu khí [10]. Điều này có lẽ phù hợp với sự tương quan của IL-10 (N0) và CRP tiền phẫu (N0) vì cả hai yếu tố này đều thấp trước mổ.

IL-10 (N0) tương quan thuận với số lượng tế bào lympho (N2). Sau mổ, số lượng bạch cầu trung tính tăng cao vào N2 trong khi đó tế bào lympho giảm nặng vào N2 (số liệu không trình bày). Như đã trình bày ở phần trên, mối tương quan này có lẽ do những bệnh nhân TOF có mất cân bằng cytokine theo hướng tiền viêm [10]. Những bệnh nhân càng tím, tổn thương tim càng nặng do đó PT thường khó khăn nên hậu quả sẽ dẫn đến đáp ứng viêm mạnh hơn. Trong khi đó, đáp ứng sinh lý bình thường đối với stress thường biểu hiện tăng bạch cầu trung tính và giảm tế bào lympho [16]. Điều này có thể bước đầu lý giải cho mối tương quan này và cần được tiếp tục nghiên cứu.

Cytokine là những chất tác dụng trên tế bào nội mạc mạch máu và có thể gây ra hạ huyết áp động mạch và thoát dịch vào khoang ngoại mạch. IL-6 là một chất ức chế cơ tim bằng cách cảm ứng enzym tổng hợp oxit nitric trong cơ tim vì mức IL-6 trong quá trình chạy THNCT tương quan với liều và thời gian sử dụng epinephrin sau mổ [6]. Như vậy, ở những bệnh nhân TOF với biểu hiện đáp ứng tiền viêm IL-6 mạnh trước và sau mổ, trong khi đó đáp ứng chống viêm IL-10 trước mổ thấp có thể lý giải cho sự tương quan nghịch với tổng số ngày sử dụng inotrop. Kết quả này có lẽ phù hợp với kết quả của Hövels-Gürich là IL-10 trước mổ tương quan nghịch với IL-6 trong quá trình chạy THNCT và với liều epinephrin sử dụng khi vào ICU [10].

Tương tự, IL-10 (N0) tương quan nghịch với bilirubin (N2) do rối loạn chức năng gan là một biến chứng phổ biến sau PT tim [10]. Tuy nhiên, kết quả cho thấy mức độ tương quan vừa có thể do phần lớn bệnh nhân được sử dụng GC đã có sự cải thiện về chức năng gan và giảm nhu cầu sử dụng các thuốc trợ tim mạch sau phẫu thuật hơn nhóm KGC (số liệu không trình bày).

4.2.2. Một số yếu tố tương quan với IL-6 và IL-10 sau phẫu thuật

     – Tương quan của IL-6 sau phẫu thuật

Bảng 3.5 cho thấy IL-6 (N2) tương quan với nhiều biến số quanh cuộc mổ.

Hầu hết các nghiên cứu định lượng cytokine qua nhiều thời điểm và chọn thời điểm cao nhất để tính tương quan với các biến số quanh cuộc mổ. Lê Thị Phương Anh ghi nhận IL-6 cao nhất vào thời điểm kết thúc PT tương quan thuận với các biến số như thời gian THNCT, thời gian kẹp động mạch chủ và thời gian PT [1]. Kết quả của Allan cho thấy IL-6 và IL-8 ở thời điểm ngừng THNCT tương quan thuận với thời gian THNCT, trong khi đó IL-10 không tương quan với các biến quanh cuộc mổ [3]. Trái lại, Carvalho và Madhok không thấy mối tương quan giữa cytokin với thời gian THNCT hoặc kẹp động mạch chủ, có lẽ do bản chất khác nhau của loại PT [6, 12].

Sự giải phóng cytokin có thể do nhiều tác nhân trong quá trình chạy THNCT và thiếu máu cục bộ / tái tưới máu có thể đóng vai trò quan trọng. Nồng độ IL-6 tăng cao tương quan với thời gian kẹp động mạch chủ [1]. Tuy nhiên, theo Carvalho, thời gian máu đi qua vòng THNCT có thể không quan trọng đối với sự giải phóng cytokine. Các yếu tố khác như nội độc tố máu có thể góp phần vào sự giải phóng cytokine hơn thời gian THNCT [6].

            Madhok đã chứng tỏ mối tương quan thuận giữa mức độ đáp ứng viêm qua nồng độ IL-6 và IL-8 sau PT tim mở với tăng nhu cầu sử dụng inotrope trong giai đoạn đầu hậu phẫu [12]. Tương tự, Carvalho đã ghi nhận mối tương quan khá chặt giữa TNF-α và IL-6 với nhu cầu cao về inotrope. Điều này có thể do tăng cytokine viêm gây rối loạn huyết động ở trẻ em sau PT tim mở dẫn đến tăng nhu cầu inotrope [6].

Theo Allan, IL-6 ngay sau khi ngừng THNCT tương quan thuận với thời gian nằm ICU. Trái lại, IL-6, IL-8 và CRP 24 giờ sau PT không tương quan với tuổi hoặc độ bão hòa oxy. Tuy nhiên, IL-6 và IL-8 cao hơn ở thời điểm 24 giờ có liên quan thời gian thở máy và nằm ICU kéo dài [3]. Trái lại, Madhok không thấy sự tương quan giữa cytokin với thời gian thở máy [12]. Đồng thời, Beghetti cũng đã chứng tỏ IL-6 không tương quan với thời gian THNCT và kẹp động mạch chủ, thời gian thở máy và thời gian nằm ICU [4].

Allan cho rằng điều thú vị là việc sử dụng chế phẩm máu, nhất là các chế phẩm không có hồng cầu có liên quan đến sự sản xuất IL-6 và IL-8. Sau khi điều chỉnh tuổi và chẩn đoán, tổng chế phẩm máu không có hồng cầu có liên quan đến IL-6 và IL-8 ở thời điểm ngay sau PT và 24 giờ sau PT. Tổng chế phẩm máu cũng liên quan đến IL-6 và IL-8 ở 24 giờ sau PT [3].

Tóm lại, vào N2, IL-6 tương quan thuận với nhiều biến số như thời gian PT, tổng số ngày dùng thuốc trợ tim mạch, thời gian nằm ICU và một số chế phẩm máu, …. Điều này có lẽ phù hợp với tác dụng của đáp ứng tiền viêm của IL-6 như đã được ghi nhận qua các nghiên cứu [1, 4, 5]. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thấy sự tương quan của IL-6 và IL-10 với thời gian THNCT và kẹp động mạch chủ.

     – Tương quan của IL-10 sau phẫu thuật

            Bảng 3.5 cho thấy IL-10 (N2) chỉ tương quan với IL-6 trước và sau PT.

Như đã trình bày ở phần trên, những bệnh nhân có tím có tăng IL-6 trước mổ và những bệnh nhân này có khuynh hướng đáp ứng viêm mạnh sau mổ với biểu hiện tăng cao IL-6. IL-10 (N2) tăng sau mổ cùng với IL-6 (N2) có lẽ theo chiều hướng đáp ứng chống viêm để cân bằng với đáp ứng tiền viêm của IL-6 sau mổ. Điều này có thể cũng giải thích cho sự tương quan của IL-10 sau mổ với IL-6 trước mổ.

Kết quả cho thấy IL-10 không tương quan với các biến số lâm sàng và cận lâm sàng khác. Kết quả này cũng phù hợp với kết quả của Allan là không thấy sự liên quan của IL-10 [3].

Nhìn chung, kết quả của chúng tôi có nhiều điểm phù hợp với kết quả của các tác giả trên mặc dù có nhiều sự khác biệt về bệnh lý, đối tượng và tuổi, thời điểm xét nghiệm và loại PT.

Do giới hạn của điều kiện và phương pháp nghiên cứu, lực mẫu, không xét nghiệm cytokine ở nhiều thời điểm như các nghiên cứu khác, can thiệp điều trị sớm, tác dụng cải thiện đáp ứng viêm của GC và phân tích trên cả hai nhóm có và không sử dụng GC nên một số tương quan trong nghiên cứu của chúng tôi không giống kết quả của các tác giả khác như không có tương quan với sốt.

            Tóm lại, kết quả cho thấy sự biến đổi IL-6 và IL-10 tăng sau PT như là một dấu ấn của hậu quả của đáp ứng viêm đối với PT. Tuy nhiên, do tác dụng cải thiện đáp ứng cytokine của GC và tính đa hình tiết cytokine giữa các cá thể nên kết quả chỉ cho thấy mối tương quan vừa của IL-6 với các biến số quanh cuộc mổ và chưa tìm được giá trị dự đoán đối với đáp ứng viêm sau THNCT cũng như các biến chứng sau phẫu thuật như các nghiên cứu khác. Vì vậy, vấn đề dự đoán và tiên lượng của hai cytokine này cần được tiếp tục nghiên cứu trong một nghiên cứu đối chứng ngẫu nhiên và xét nghiệm ở nhiều thời điểm khác nhau hơn.

  1. KẾT LUẬN

     – Interleukin-6 và interleukin-10 trước phẫu thuật ít có tương quan.

     – Interleukin-6 ngày thứ hai sau phẫu thuật tương quan mức độ vừa với nhiều biến số như thời gian phẫu thuật (r­s = 0,311; p < 0,01), lượng máu sử dụng 24 giờ sau phẫu thuật (r­s = 0,328; p < 0,01)­­, tổng lượng máu sử dụng (r­s = 0,377; p < 0,01), tổng lượng máu dẫn lưu ngực (r­s = 0,337; p < 0,01), tổng số ngày sử dụng inotrope (r­s = 0,313; p < 0,01) và thời gian nằm nằm hồi sức (r = 0,369; p < 0,01).

     – Interleukin-10 ngày thứ hai sau phẫu thuật chỉ tương quan với interleukin-6 trước (r­s = 0,354; p < 0,01) và sau phẫu thuật (r­s = 0,562; p < 0,001).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lê Thị Phương Anh (2010), Nghiên cứu sự biến đổi nồng độInterleukin-6 và protein phản ứng C trong huyết thanh bệnh nhân phẫu thuật động mạch vành tại Bệnh viện Trung ương Huế, Luận án Chuyên khoa cấp II, Trường Đại học Y-Dược Huế, Huế.
  2. Nguyễn Xuân Phách (1995), Thống kê Y học, Nhà xuất bản Y học – chi nhánh tp Hồ Chí Minh.
  3. Allan C. K., Newburger J. W., McGrath E. et al (2010), “The Relationship Between Inflammatory Activation and Clinical Outcome After Infant Cardiopulmonary Bypass”, Anesth Analg, 111, pp. 1244-1251.
  4. Beghetti M., Rimensberger P. C., Kalango A. et al (2003), “Kinetics of procalcitonin, interleukin-6 and C-reactive protein after cardiopulmonary-bypass in children”, Cardiol Young, 13, pp. 161 – 167.
  5. Bilgin Y. M., van de Watering L. M. G., Versteegh M. I. M. et al (2010), “Effects of allogenic leukocytes in blood transfusions during cardiac surgery on inflammatory mediators and postoperative complication”, Crit Care Med, 38, pp. 546 – 552.
  6. Carvalho M. V. H., Maluf M. A., Catani R. et al (2001), “Cytokines and pediatric open heart surgery with cardiopulmonary bypass”, Cardiol Young, 11, pp. 36 – 43.
  7. DeCampli W. M., Olsen M. C., Munro H. M. et al (2010), “Perioperative hyperglycemia: effect on outcome after infant congenital heart surgery”, Ann Thorac Surg, 89, pp. 181 – 186.
  8. Decoutere L. (2004), Analysis of the association between interleukin-10 plasma levels and the incidence of single and multiple organ failure following severe multiple trauma, Doctor of Medicine (Grade), Faculty of Medicine, Ernst-Moritz-Arndt University, Oostende, Belgium.
  9. Denizot Y., Nathan N. (2012), “Interleukin-6 and -10 as a master predictive mediators of the postcardiopulmonary bypass inflammatory response”, J Thorac Cardiovasc Surg, 144 (3), p. 743.
  10. Hövels-Gürich H. H., Schumacher K., Vazquez-Jimenez J. F. et al (2002), “Cytokine Balance in Infants Undergoing Cardiac Operation”, Ann Thorac Surg, 73, pp. 601 – 609.
  11. Lausevic Z., Lausevic M., Trbojevic-Stankovic J. et al (2008), “Predicting multiple organ failure in patients with severe trauma”, Can J Surg, 51 (2), pp. 97 – 102.
  12. Madhok A. B., Ojamaa K., Haridas V. et al (2006), “Cytokine response in children undergoing surgery for congenital heart disease”, Pediatr Cardiol, 27, pp. 408 – 413.
  13. Mitchell J. D., Grocott H. P., Phillips-Bute B. et al (2007), “Cytokine secretion after cardiac surgery and its relationship to postoperative fever”, Cytokine, 38, pp. 37 – 42.
  14. Takala A., Jousela I., Olkkola K. T. et al (1999), “Systemic inflammatory response syndrome without systemic inflammatory in acutely ill patients admitted to hospital in a medical emergency”, Clinical Science, 96, pp. 287 – 295.
  15. Weis F., Beiras-Fernandez A., Schelling G. et al (2009), “Stress doses of hydrocortisone in high-risk patients undergoing cardiac surgery: effects on interleukin-6 to interleukin-10 ratio and early outcome”, Crit Care Med, 37, pp. 1685 – 1690.
  16. Zahorec R. (2001), “Ratio of neutrophil to lymphocyte counts – rapid and simple parameter of systemic inflammation and stress in critically ill”, Brastisl Lek Listy, 102 (1), pp. 5 – 14.