Breaking News

Liệu metformin có an toàn cho phụ nữ mang thai?

Metformin giúp giảm đường huyết, được xem là một trong những lựa chọn hàng đầu cho bệnh nhân ĐTĐ typ 2.

Theo một nghiên cứu tổng quan đăng trên tạp chí Diabetology & Metabolic Syndrome, metformin giúp hạ đường huyết, tăng cường hệ thống nội tiết, cải thiện tình trạng kháng insulin và giảm phân bố mỡ trong cơ thể.

Trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào, bao gồm cả metformin, phụ nữ mang thai phải biết chắc rằng thuốc sẽ không gây ảnh hưởng đến cả mẹ và con.

Tác động của metformin trong và sau quá trình mang thai

Vài ý kiến e ngại về việc sử dụng metformin trong và sau khi mang thai vì thuốc có thể qua nhau thai. Điều này có nghĩa là khi phụ nữ mang thai dùng metformin thì thai nhi cũng vậy.

Tuy nhiên, vài nghiên cứu được tiến hành cho đến nay về ảnh hưởng của việc dùng metformin trong khi mang thai cho kết quả tích cực.

Một nghiên cứu tổng quan năm 2014 trên tạp chí Human Reproduction Update chỉ ra rằng thuốc không gây khuyết tật, biến chứng hay bệnh cho trẻ sơ sinh.

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu quy mô lớn hơn cần được tiến hành để kết luận này được xác thực hơn.

Metformin và đái tháo đường thai kỳ

Một nghiên cứu tổng quan khác trên tạp chí Human Reproduction Update chỉ ra rằng nhóm phụ nữ dùng metformin điều trị đái tháo đường thai kỳ tăng cân ít hơn so với nhóm dùng insulin.

Một nghiên cứu theo dõi kéo dài 2 năm chỉ ra rằng trẻ sơ sinh từ mẹ được điều trị bằng metformin có ít mỡ nội tạng hơn, điều này có thể giúp giảm khả năng kháng insulin sau này.

Điều đó có nghĩa là những trẻ phơi nhiễm với metformin ở giai đoạn sớm này có thể có lợi ích lâu dài. Ở giai đoạn này, đây chỉ là một giả thuyết và nhiều nghiên cứu dài hạn cần được thực hiện để xác thực.

Tác dụng của metformin lên chức năng sinh sản trước thai kỳ

Metformin thường được dùng để điều trị hội chứng đa nang buồng trứng (polycystic ovary syndrome – PCOS). Theo một nghiên cứu trên Journal of Human Reproductive Sciences, phụ nữ có PCOS, đặc biệt là những người thừa cân, có xu hướng kháng insulin.

PCOS có thể gây chậm kinh và rụng trứng không thường xuyên, có thể dẫn đến vô sinh hoặc khó thụ thai.

Metformin được dùng để làm giảm insulin máu thông qua điều hòa mức đường huyết cơ thể và thuốc cũng giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và sự rụng trứng. Metformin có thể làm giảm nguy cơ ĐTĐ typ 2 và giúp kiểm soát triệu chứng ở phụ nữ mắc ĐTĐ typ 2. Vì metformin giúp giảm triệu chứng PCOS nên nhiều phụ nữ nhận thấy dễ dàng thụ thai hơn trong thời kỳ dùng thuốc.

Giảm những vấn đề về thai kỳ

Theo một nghiên cứu tổng quan trên tạp chí Metabolism: Clinical and Experimental, phụ nữ có PCOS hoặc ĐTĐ thai kỳ có sử dụng metformin cho thấy tỷ lệ thấp hơn xuất hiện các tình trạng xảy thai sớm, sinh non và cân nặng sơ sinh thấp (ở mức không tốt cho sức khỏe) so với nhóm sử dụng insulin.

Các nghiên cứu viên lưu ý rằng cơ thể dường như chấp nhận metformin tốt hơn insulin. Họ cũng cho rằng metformin không gây ra chậm phát triển thai nhi, thai lưu (thai nhi chết lưu trong tử cung) hay bất cứ tác động rối loạn nào lên phôi hoặc thai nhi trong quá trình mang thai. Đây là thông tin mang nhiều hứa hẹn cho tính an toàn của thuốc.

Nguy cơ và tác dụng không mong muốn thường gặp

Khi sử dụng thuốc hợp lý, nguy cơ và tác dụng không mong muốn của metformin tương đối thấp. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có xuất hiện những tác dụng phụ mức độ nhẹ, bao gồm:

  • Ợ hơi
  • Ợ nóng
  • Tiêu chảy
  • Đau dạ dày
  • Buồn nôn
  • Khó chịu dạ dày – ruột

Đối với phụ nữ mang thai, những triệu chứng này có thể khiến cảm giác ốm nghén khó chịu hơn. Điều quan trọng là sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả giúp giảm hoặc ngăn ngừa các tác dụng phụ của metformin.

Metformin có thể làm giảm đường huyết quá mức, dẫn đến tụt đường huyết với các triệu chứng:

  • Yếu và mệt mỏi
  • Đau đầu
  • Lú lẫn, ngủ gà, chóng mặt
  • Kích thích
  • Nhịp tim nhanh, run rẩy, cảm giác bồn chồn
  • Đói
  • Toát mồ hôi hoặc lạnh toát

Nguy cơ xuất hiện những biến chứng nghiêm trọng như nhiễm toan lactic (khi acid lactic tích lũy trong mô) cũng có thể xảy ra khi sử dụng metformin. Nhiễm toan lactic gây ra bởi những vấn đề liên quan đến chuyển hóa và có các triệu chứng như:

  • Đau dạ dày
  • Nôn và buồn nôn
  • Nhịp tim bất thường
  • Chóng mặt, yếu, choáng váng
  • Mệt mỏi hoặc kiệt quệ
  • Khó thở
  • Đau cơ
  • Khó ngủ hoặc ngủ chập chờn

Nếu bệnh nhân cảm thấy bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nghiêm trọng nào của nhiễm toan lactic, cần liên hệ với cơ sở y tế ngay lập tức.

Liều dùng metformin

Liều dùng metformin thay đổi tùy thuộc vào tiền sử bệnh, mức độ nhạy cảm với insulin cũng như nguy cơ gặp tác dụng phụ của từng bệnh nhân.

Phụ nữ mang thai điều trị ĐTĐ typ 2 bằng insulin cũng có thể được kê đơn metformin nhằm giúp giảm những triệu chứng xuất hiện trong thai kỳ.

Liều dùng cho phụ nữ có thai mắc PCOS có thể thay đổi dựa vào phản ứng với thuốc. Nếu các tác dụng phụ không thể kiểm soát được, thì bác sĩ thường sẽ thử giảm liều hoặc tìm những lựa chọn khác.

Để giảm thiểu tác dụng phụ, bác sĩ bắt đầu điều trị cho bệnh nhân ở mức liều rất thấp và tăng liều từ từ cho đến khi các triệu chứng được kiểm soát. Khi sử dụng hợp lý, thuốc được cho là có tính an toàn cao.

Lựa chọn thay thế của metformin

Phụ nữ mang thai có ĐTĐ thai kỳ hoặc ĐTĐ typ 2 thường được kê đơn metformin trong thai kỳ.

Nếu xuất hiện những phản ứng bất lợi, hoặc tác động đến hệ thống dạ dày ruột, hoặc đơn giản bệnh nhân không muốn dùng thuốc, thì cân nhắc các lựa chọn thay thế khác. Lựa chọn thay thế phổ biến nhất là điều trị với insulin đơn độc, giúp ổn định mức đường huyết.

Triển vọng cho việc sử dụng metformin trong thai kỳ

Tất cả những nghiên cứu hiện tại chỉ ra sự thật rằng metformin có nguy cơ thấp gây biến chứng trong thai kỳ, mặc dù nhiều thử nghiệm lâm sàng cần phải tiếp tục được tiến hành.

Vài nghiên cứu gợi ý rằng metformin thậm chí có thể có lợi cho phụ nữ có thai và thai nhi khi được sử dụng đúng đắn.

Liều dùng của thuốc nên được kiểm soát cẩn thận bởi bác sĩ điều trị, nhưng hiện tại có ít nguy cơ đối với phụ nữ có thai và thai nhi ở tất cả các giai đoạn phát triển.

Nguồn: Vienthuoc.com