Các nhà khoa học Mỹ vừa nuôi cấy thành công loại muỗi biến đổi gen có thể chống lại bệnh sốt rét.
Tạp chí khoa học Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS) của Mỹ hôm 23/11 công bố một phát hiện khoa học về giống muỗi biến đổi gen mà khi đốt con người sẽ không làm lây lan các ký sinh trùng sốt rét.
Theo đó, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học California đã dùng công nghệ chỉnh sửa gen Crispr-Cas9 để đưa một loại gen chống bệnh sốt rét vào hệ ADN của loài muỗi Ấn Độ Anopheles stephensi.
Muỗi biến đổi gen có thể chống lại bệnh sốt rét. |
Sau khi những con muỗi biến đổi gen này giao phối với muỗi thông thường, chúng sinh sản ra muỗi con. Điều đặc biệt là những muỗi con này được thừa hưởng 99,5% ADN có khả năng tạo ra kháng thể chống ký sinh trùng gây bệnh sốt rét.
Thế hệ thứ 3 của những con muỗi được biến đổi gen cũng vẫn được thừa hưởng ADN có khả năng này. Những con muỗi biến đổi gen khi đốt người sẽ không làm lây lan ký sinh trùng sốt rét sang người.
Theo thí nghiệm của các nhà khoa học thuộc Đại học California, muỗi được tiêm một loại “vắc-xin di truyền” thực chất là các ổ gen gồm mảnh AND. Trong thời gian giao phối một gen di truyền từ cha mẹ chèn vào gen di truyền cho thế hệ con. Thế hệ con này sẽ tiếp tục gép đôi làm cha mẹ khác và các thế hệ tương lại sẽ gần như luôn được kế thừa các ổ gen này. Điều này xảy ra là khá đặc biệt bởi thông thường chỉ có 50% được truyền cho con cháu.
Thí nghiệm được thực hiện trên vài ngàn con muỗi trong phòng thí nghiệm để giao phối với muỗi thường. Trong vài tháng, toàn bộ số muỗi đều không có khả năng truyền bệnh cho người.
Trước đó, một số chuyên gia quốc tế đang tìm cách biến đổi gen để muỗi trở nên vô sinh và tuyệt chủng giúp hạn chế bệnh sốt rét. Tuy nhiên nhiều người lo ngại tiêu diệt hoàn toàn loài muỗi có thể dẫn tới những hậu quả ngoài dự đoán.
Tuy nhiên, với công trình nghiên cứu về giống muỗi biến đổi gen này, lo ngại về vấn đề tuyệt chủng của loài muỗi này sẽ được xóa bỏ.
Theo nhà Sinh vật học Kevin Esvelt của Viện Wyss của Harvard về Kỹ thuật sinh học: “Đây là một bước tiến lớn. Nó cho thấy sự can thiệp vào một ổ gen khả năng sẽ có hiệu lực chống lại các bệnh do muỗi đốt”.
“Điều này mở ra triển vọng thực sự mà kỹ thuật này có thể được điều chỉnh để loại trừ bệnh sốt rét,” Anthony James, giáo sư sinh học phân tử và hóa sinh và vi sinh và di truyền học phân tử tại Trường Đại học California (UCI) nói.
Ước tính trên thế giới có khoảng 3,2 tỷ người, tương đương gần 50% dân số toàn cầu, có nguy cơ mắc bệnh sốt rét do muỗi cắn.
Bệnh sốt rét giết chết 580.000 người mỗi năm, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Trong năm 2014, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính sẽ có 214 triệu ca nhiễm sốt rét trên toàn thế giới và 438.000 trường hợp thiệt mạng.
Theo Cúc Phương / baodatviet.vn