Sáng 18-6, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế Việt Nam và Servier Việt Nam chính thức ký biên bản ghi nhớ hợp tác thực hiện Dự án “Ngày đầu tiên“ tại Việt Nam giai đoạn 2019 – 2020.
Đây là lễ ký kết quan trọng, đánh dấu bước phát triển hợp tác trong công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam, chính thức ghi nhận cam kết đồng hành của Servier Việt Nam cùng ngành y tế Việt Nam trong quá trình nâng cao chất lượng phòng và kiểm soát bệnh tăng huyết áp (THA) và đái tháo đường (ĐTĐ).
Dự án “Ngày đầu tiên“ tại Việt Nam là sáng kiến được khởi xướng bởi Servier Việt Nam. Dự án mang tính cải tiến vấn đề cốt lõi – các yếu tố trong môi trường sống của bệnh nhân (gia đình, bạn bè, bác sĩ, điều dưỡng…).
Mục tiêu chính của dự án là cải thiện thực trạng kiểm soát bệnh THA và ĐTĐ thông qua tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng, bệnh nhân và phát hiện sớm bệnh; đào tạo kỹ năng tư vấn cho cán bộ y tế.
PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết, dự án bao gồm tổ hợp các hoạt động từ chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh lý THA, ĐTĐ; tầm soát phát hiện bệnh sớm bệnh; đào tạo cho đội ngũ y, bác sĩ về phương pháp tư vấn tạo động lực cho bệnh nhân; đào tạo đội ngũ điều dưỡng về kiến thức chuyên môn và phương pháp tư vấn hiệu quả (bao gồm các khóa học trực tiếp và trực tuyến); giáo dục bệnh nhân thông qua các tài liệu tuyên truyền, poster, website…
Cách tiếp cận đột phá của dự án bao gồm tổ hợp các hoạt động cả “online” và “offline”. Hai chuỗi hoạt động này sẽ tạo vòng khép kín bảo đảm bệnh nhân được hiểu rõ hơn về bệnh, thay đổi lối sống và tuân thủ điều trị lâu dài.
Tất cả các thông tin của dự án trước khi được đưa đến bệnh nhân, người dân thông qua trang web: ngaydautien.vn đều được đội ngũ chuyên gia dày dạn kinh nghiệm của Hội Tim mạch Việt Nam, Hội Nội tiết – Đái tháo đường Việt Nam thẩm định.
Đồng thời dự án “Ngày đầu tiên” cũng giúp thu thập được dữ liệu đáng tin cậy từ các bệnh nhân. Dữ liệu này giúp các ban ngành y tế sẽ hiểu rõ hơn về đặc điểm của bệnh nhân Việt Nam, từ đó có những định hướng rõ hơn về chiến lược quản lý bệnh lý này.
Những hoạt động được triển khai từ năm 2016 – 2018 thuộc dự án này đã được đánh giá từ PWC (một tổ chức kiểm toán uy tín thế giới), đã giúp tiết kiệm đến 3,5 triệu đô la Mỹ cho bệnh nhân và bảo hiểm xã hội.