Nghiên cứu đặc điểm dấu ấn miễn dịch tế bào bệnh Lơ xê mi cấp người lớn tại BVTW Huế

Trần Thị Phương Túy1, Phan Thị Thùy Hoa1, Tôn Thất Minh Trí1,

Ngô Tứ Cương1, Phạm Thị Ngọc Phương1

1. Trung tâm Huyết học Truyền máu Bệnh viện Trung ương Huế

 

TÓM TẮT

Mục tiêu: Nghiên cứu đặc điểm dấu ấn miễn dịch tế bào bệnh lơ xê mi cấp (LXMC).

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Phương pháp mô tả cắt ngang trên 41 bệnh nhân được chẩn đoán lơ xê mi cấp lần đầu tại bệnh viện Trung ương Huế từ tháng 6/2014 đến tháng 5/2015. Chẩn đoán lơ xê mi cấp theo WHO 2001 và phân loại theo FAB, bổ sung phương pháp miễn dịch học theo phân loại của EGIL 1995 và của WHO 2008.

Kết quả: Tỷ lệ nam/nữ: 1/1,05; tuổi từ 17- 82, tuổi trung bình (mean): 50,0 + 15,4). Chẩn đoán lơ xê mi cấp theo WHO 2001 và phân loại theo FAB, bổ sung bằng phân loại miễn dịch của EGIL 1995 và WHO 2008 có kết quả sau: AML: 80,5% (33 ca); ALL: 14,6% (6 ca: B-ALL: 7,3% (3 ca), T-ALL: 7,3% (3 ca); MPAL (dòng tủy-lympho B): 2,4% (1 ca); UAL: 2,4% (1 ca). Trong AML: HLA-DR: 75,8%; CD34+: 70,0%; B-ALL: HLA DR+: 100%; CD34+: 66,6%, T-ALL: HLA DR+: 33,3%; CD34+: 33,3%. Nhóm LXMC có kháng nguyên (KN) sai lạc: 34,1% (14 ca) gồm: AML có KN sai lạc: 12 ca (36,4%), T-ALL có KN sai lạc: 1 ca (33,3%), B-ALL: 1 ca (33,3%). Tỷ lệ KN sai lạc trong AML: CD19: 41,7%; CD7: 25,0%; CD20: 16,7%; CD2 bằng CD5: 8,3%; KN dòng tủy trong T-ALL và trong B-ALL đều là CD13: 100%.

Kết luận: Các số liệu nghiên cứu trên về đặc điểm dấu ấn miễn dịch tế bào các dưới nhóm lơ xê mi cấp của 41 bệnh nhân vào điều trị tại khoa Huyết học Lâm sàng BVTW Huế, nhằm góp phần vào chẩn đoán và phân loại đúng và chọn lựa điều trị thích hợp.

Từ khoá: Lơ xê mi cấp, miễn dịch tế bào, cụm biệt hóa, kháng nguyên sai lạc.

ABSTRACT

STUDY ON THE IMMUNOPHENOTYPING OF ADULT ACUTE LEUKEMIA

AT HUE CENTRAL HOSPITAL

Tran Thi Phuong Tuy1, Phan Thi Thuy Hoa1, Ton That Minh Tri1,

Ngo Tu Cuong1, Pham Thi Ngoc Phuong1

Objective: To study on the immunophenotyping characteristic in adult acute leukemia

Methods: The cross – sectional study was conducted with 41 new adult patients with acute leukemia who were hospitalized at Hue Central Hospital from 6/2014 to 5/2015. Acute leukemia was diagnosed  by using the 2001 WHO and FAB classification, completing by the 1995 EGIL and the 2008 WHO immunophenotyping classification.

Results: Male/Female: 1/1.05. Age ranged from 17 to 82 (mean: 50.0 + 15.4). Acute leukemia was diagnosed by using the WHO (2001) and FAB classification and completing by EGIL (1995) and WHO (2008) immunophenotyping classification for 41 patients with new acute leukemia, the results showed that: the rate of AML was 80.5% (33 cases), the rate of  B-ALL: 7.3% (3 cases), the rate of  T-ALL: 7.3% (3 cases), MPAL (Myeloid and Lympho B lineage): 2.4% (1 case) and UAL: 2.4% (1 case). In AML and B-ALL: the rate of HLA-DR and CD34+ were high, the rate of HLA-DR and CD34+ in T-ALL were lower. The aberrant antigen ALs were seen in 14 cases (34.1%) (included ▪ Lymphoid+ -AML: 12 cases (36.4%), ▪ Myeloid+ -T-ALL: 1 case (33.3%),

▪ Myeloid+ -B-ALL: 1 case (33.3%). The rate of lymphoid aberrant antigens in AML were: CD19: 41.7% (highest); CD2 and CD5: 8.3% (lowest); the rate of myeloid aberrant antigen in T-ALL and in B-ALL was CD13: 100% (1/1 case).

Conclusion: These results contributed effectively to improve the classification and the proper diagnose and treatment for adults with acute leukemia at Hue Central Hospital.

Key words: Acute Leukemia, Immunophenotyping, Cluster of Differentiation (CD), aberrant antigens.

Chữ viết tắt: KN: kháng nguyên, CD (Cluster of Differentiation): cụm biệt hóa, LXMC: lơ xê mi cấp, AML (Acute Myeloid Leukemia): lơ xê mi cấp dòng tủy, ALL (Acute Lymphoid Leukemia): lơ xê mi cấp dòng lympho, UAL (Undifferentiated Acute Leukemia): LXMC không biệt hóa, MPAL (mixed phenotype acute leukemia): LXMC kiểu hình hỗn hợp, PAS: Periodic Acid Schiff, PE: Phycoerythrin, FITC: Fluorescein isothiocyanate, FAB: French-American-British, EGIL (European Group for the Immunological Characterization of Leukemias): Nhóm Châu Âu mô tả đặc điểm miễn dịch của lơ xê mi cấp, WHO (World Health Organization): Tổ chức Y tế Thế giới.

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Lơ xê mi cấp là bệnh phố biến nhất trong các bệnh máu ác tính, việc phân loại bệnh có ý nghĩa quan trọng trong việc lựa chọn phương pháp điều trị. Ngày nay, phân loại kiểu hình miễn dịch của lơ xê mi cấp được sử dụng rộng rãi trong việc sàng lọc chẩn đoán thường quy, góp phần quan trọng cho chẩn đoán cuối cùng đặc biệt là trong việc xác định các dưới nhóm như lơ xê mi cấp dòng tủy thể kém biệt hóa (M0), lơ xê mi cấp thể không biệt hóa (UAL), phân biệt giữa lơ xê mi cấp dòng lympho B và T, lơ xê mi cấp kiểu hình hỗn hợp (MPAL), lơ xê mi cấp có kháng nguyên sai lạc (aberrant antigens)…[2], [15]. Hiện tại, việc nghiên cứu về dấu ấn miễn dịch tế bào ở bệnh nhân lơ xê mi cấp ở Huế còn hạn chế, nhằm làm cơ sở góp phần vào chẩn đoán và lựa chọn điều trị thích hợp cho bệnh nhân, chúng tôi đã tiến hành đề tài này nhằm mục tiêu: Xác định tỷ lệ dưới nhóm lơ xê mi cấp theo đặc điểm dấu ấn miễn dịch tế bào; Xác định tỷ lệ các lơ xê mi cấp có kháng nguyên sai lạc và tỷ lệ các dấu ấn sai lạc trong các dưới nhóm lơ xê mi cấp.

  1. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu: Gồm 41 bệnh nhân, tuổi từ 17-82, được chẩn đoán lơ xê mi cấp (LXMC) mới tại khoa Huyết học Lâm sàng, Bệnh viện Trung ương Huế, từ tháng 6/2014 đến tháng 5/2015 với các tiêu chuẩn:

            Tiêu chuẩn chọn bệnh:

Lâm sàng: Hội chứng nhiễm trùng, hội chứng thiếu máu, hội chứng xuất huyết, hội chứng u (gan to, lách to, hạch to, đau xương ức).

Cận lâm sàng

– Huyết đồ: Số lượng hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, bạch cầu hạt trung tính, % blast.

– Tủy đồ: Tiêu chuẩn chẩn đoán xác định LXMC theo WHO 2001: Tế bào blast trong máu hoặc trong tủy > 20%(14).

– Hóa học tế bào: các phương pháp Peroxydase, Soudan đen, PAS, Esterase không đặc hiệu và Esterase không đặc hiệu bị ức chế bởi NaF.

– Dấu ấn miễn dịch tế bào gồm(10):

CD chung: CD34, HLA-DR, CD10

CD dòng tủy/mono: CD33, CD13, CD15, CD14.

CD dòng lympho B: CD19, CD20, CD22.

CD dòng lympho T: CD2, CD3, CD5, CD7.

CD dòng hồng cầu: glycophorin A.

CD dòng tiểu cầu: CD41a.

Tiêu chuẩn loại trừ

Bệnh nhân LXMC thứ phát sau bệnh lý khác: ung thư, chuyển từ LXM kinh….

Bệnh nhân LXMC đã điều trị.

2.2. Phương pháp nghiên cứu:

Thiết kế nghiên cứu: mô tả hàng loạt ca.

Tiến hành xét nghiệm:

Công thức máu làm trên máy CellDyn 3200.

Chọc hút tủy xương.

Nhuộm Giêm sa tiêu bản máu và tủy.

Nhuộm hóa học tế bào các phương pháp: Peroxydase, Soudan đen, PAS, Esterase không đặc hiệu và bị ức chế bởi NaF.

Kỹ thuật miễn dịch huỳnh quang: Theo quy trình của hãng Becton Dickinson bằng sử dụng bộ kit kháng thể đơn dòng được gắn với FITC hoặc PE dùng cho phân loại LXMC của hãng, chống lại các kháng nguyên đặc hiệu trên bề mặt tế bào (CD) gồm: CD34 (8G12) PE, CD33 PE, CD13 PE, CD14 PE, CD15 FITC, CD2 PE, BD Simultest CD3 FITC/19 PE, CD5 PE, CD7 FITC, CD10 anti – CALLA, CD20 PE, CD22 PE, CD41a FITC, Glycophorin A.

Đọc kết quả trên kính hiển vi huỳnh quang, hãng Olympus BX 41 TF, ở bước sóng 490 nm. Một kháng nguyên được xem như dương tính khi biểu hiện hơn 20% dương tính của KN này ở tế bào blast, ngoại trừ anti – MPO, CD3 thì ngưỡng dương tính là 10%(2).

Phân loại lơ xê mi cấp theo dấu ấn miễn dịch tế bào (theo EGIL 1995)(2)

Phân loại ALL

* ALL – B: CD19+, CD22+, CD 20+, CD10+/-.

* ALL – T: CD3+ (bề mặt), CD7+, CD2+, CD5+.

* ALL kèm biểu hiện của một hoặc hai KN dòng tủy

Phân loại AML

* Dòng tủy mono: dương tính ít nhất hai hoặc hơn hai dấu ấn dòng tủy: anti                        MPO+, CD13+, CD33+, CD14+.

* Dòng hồng cầu (đơn thuần dòng hồng cầu: M6)

Sớm/chưa trưởng thành: không thể phân loại bằng các dấu ấn.

Muộn/ trưởng thành: anti- glycophorin A+.

* Dòng mẫu tiểu cầu (M7): CD41a+.

* Dòng tủy kém biệt hóa (M0): chỉ xác định được bằng dấu ấn miễn dịch: phenotype cũng như các AML tủy mono khác nhưng âm tính về hóa học tế bào và âm tính về dấu ấn đặc hiệu dòng lympho.

* AML kèm biểu hiện của một hoặc hai KN dòng lympho.

LXMC không biệt hóa: (undifferrented acute leukemia: UAL) Blast không biểu hiện các dấu ấn đặc hiệu dòng nào. CD34+, HLA DR lớp II+, nhưng không có các KN đặc hiệu nào của dòng tủy và dòng lympho.

LXMC thể biphenotype: Theo phân loại của WHO (2008): các LXMC thể biphenotype và bilineal… hiện nay được tập trung lại xem như LXMC kiểu hình hỗn hợp: MPAL(15)

* Dòng tủy: Myeloperoxidase + (hóa học tế bào) hoặc biệt hóa dòng mono (+ 2 loại sau: esterase không đặc hiệu, CD14).

* Dòng lympho T: CD3 bề mặt +.

* Dòng lympho B: CD19+ mạnh với biểu hiện mạnh ít nhất 1 trong những KN: CD22, CD10 hoặc biểu hiện CD19+ yếu với biểu hiện mạnh 2 KN: CD22 bào tương, CD10.

Xử lý số liệu: bằng phần mềm thống kê y học SPSS 11.5.

  1. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Từ 6/2014 đến tháng 5/2015, 41 ca được chẩn đoán LXMC theo WHO (2001) và phân loại bằng phương pháp hình thái học và nhuộm hóa học tế bào theo FAB, bổ sung bằng phân loại dấu ấn miễn dịch tế bào theo EGIL (1995) và WHO (2008), có các kết quả sau:

Tuổi: 17 đến 82 tuổi, tuổi trung bình (mean): 50,0 + 15,4.

            Giới: Nam: 20 ca (48,8%), nữ: 21 ca (52,1%). Tỷ lệ nam/nữ là 1/1,05.

Phân loại LXMC

Bảng 1: Phân loại LXMC bằng dấu ấn miễn dịch tế bào

Thể bệnh n %
AML 33 80,5
ALL (n=6) B – ALL 3 7,3 14,6
T – ALL 3 7,3
Thể khác (n=2) MPAL 1 2,4 4,8
UAL 1 2,4
Tổng cộng 41 100

Nhận xét: Tỷ lệ cao nhất là AML 80,5%. ALL chiếm 14,6% (B-ALL và T-ALL bằng nhau với tỷ lệ là 7,3%). 1 ca MPAL là dòng tủy và dòng lympho B (2,4%).

Bảng 2: Phân loại AML bằng dấu ấn miễn dịch tế bào theo FAB

Thể bệnh n %
M0 1 3,0
M1 10 30,3
M2 9 27,3
M3 3 9,1
M4 7 21,2
M5 3 9,1
M6 0 0
M7 0 0
Tổng cộng 33 100

Nhận xét: Trong AML: tỷ lệ cao nhất là M1: 10 ca (30,3%). Chưa gặp ca nào M6 và M7.

Tỷ lệ CD34+ và HLA DR+

Bảng 3: Tỷ lệ CD34+ và HLA DR+ trong các nhóm LXMC

Kháng nguyên AML (n=33)

Số ca + (%)

ALL (n=6)

Số ca + (%)

Thể khác (n=2)

Số ca + (%)

CD34+ 23 (70,0) 3 (50,0) 2 (100)
HLA DR+ 25 (75,8) 4 (66,7) 2 (100)

Nhận xét: CD34+ và HLA DR+ có tỷ lệ cao trong các nhóm.

Bảng 4: Tỷ lệ CD34+ và HLA DR+ trong các dưới nhóm LXMC

Thể bệnh n HLA- DR CD34
Số ca + % Số ca + %
M0 1 1 100 1 100
M1 10 9 90 9 90
M2 9 8 88,9 7 77,8
M3 3 0 0 0 0
M4 7 5 71,4 5 71,4
M5 3 2 66,7 1 33,3
B-ALL 3 3 100 2 66,6
T-ALL 3 1 33,3 1 33,3
MPAL 1 1 100 1 100
UAL 1 1 100 1 100

Nhận xét: HLA-DR+ và CD34+ thường có tỷ lệ cao, riêng thể M3: HLA-DR và CD34 thường (-).

            Kháng nguyên sai lạc

Bảng 5: Tỷ lệ xuất hiện các KN sai lạc ở các nhóm LXMC

Nhóm n %
AML (n=33) 12 36,4
 

ALL (n=6)

B – ALL (n=3) 1 33,3  

33,3

T – ALL (n=3) 1 33,3

Nhận xét: Trong 41 ca LXMC có 14 ca có KN sai lạc (34,1%) trong đó nhóm có KN sai lạc nhiều nhất là AML: 36,4%.

Bảng 6: Tỷ lệ các KN sai lạc trong các nhóm LXMC

Kháng nguyên sai lạc Lym+-AML My+-B-ALL My+-T-ALL
n (%) n (%) n (%)
Dòng tủy (n=2) CD13+ 1/1 ca (100) 1/1 ca (100)
Dòng lympho B

(n=7)

CD19+ 5 (41,7) 0
CD20+ 2 (16,7) 0
Dòng lympho T

(n=5)

CD2+ 1 (8,3) 0
CD5+ 1 (8,3) 0
CD7+ 3 (25,0) 0
Tổng cộng 12 (100) 1 (100) 1 (100)

(-): KN của chính nhóm LXMC đó (không trình bày số liệu).

Lym+ -AML: AML có KN sai lạc dòng lympho

My+ -B-ALL: B-ALL có KN sai lạc dòng tủy

My+ -T-ALL: T-ALL có KN sai lạc dòng tủy

Nhận xét: Trong AML, KN sai lạc chiếm tỷ lệ cao nhất là CD19. Trong ALL, chỉ có 1 KN sai lạc là CD13.

  1. BÀN LUẬN

Tuổi: Tuổi nhỏ nhất: 17, tuổi lớn nhất: 82, tuổi trung bình (mean): 50,0 + 15,4. Tương đương nghiên cứu của Nguyễn Triệu Vân (n=110): tuổi từ 15 đến 85, tuổi trung bình: 39,9 +16,8 hay nghiên cứu của Renate (n=325) từ 16 đến 88 tuổi, median: 58 [9], [12].

Giới: Nam: 20 ca (48,8%), nữ: 21 ca (52,1%). Tỷ lệ nam/nữ là 1/1,05 xấp xỉ nhau cũng như nghiên cứu của Nguyễn Triệu Vân là 1,07/1 hay nghiên cứu của Renate là 1,06/1 [9], [12].

Phân loại LXMC

Bảng 7: Phân loại LXMC bằng dấu ấn miễn dịch tế bào – So sánh các thể bệnh gặp ở nghiên cứu trong và ngoài nước [12], [13]:

Thể bệnh Nghiên cứu này

(n=41)

%

Thiểu Thị Hằng (2009) (n=91)

%

Renate T.S. (2002) (n=325)

%

AML 80,5 63,7 78,2
ALL 14,6 28,6 19,1
 

Thể khác

MPAL 2,4 5,5 1,8
UAL 2,4 0 0,9
Null cell 0 1,1 0
Dòng plasmo 0 1,1 0

Theo Bene M.C., ở người lớn, AML thường gặp hơn ALL nhiều. Nghiên cứu này, tỷ lệ của AML cao hơn ALL (80,5% và 14,6% tương ứng) phù hợp với y văn cũng như các nghiên cứu khác [3], [12], [13]. Tuy vậy, tỷ lệ giữa B-ALL và T-ALL của Thiểu Thị Hằng là 68,2% và 30,8% tương ứng hay của Renate là 77,4% và 22,6% tương ứng, thì nghiên cứu này lại có tỷ lệ bằng nhau (mỗi loại chỉ 3 ca: 7,3%), sự khác biệt này có lẽ do số lượng mẫu nghiên cứu này quá ít [12], [13].

Tỷ lệ MPAL của nghiên cứu này là 1 ca chiếm 2,4% đó là 1 ca kết hợp dòng tủy và lympho B, điều này phù hợp với ghi nhận của M. Estella là tần suất MPAL trong LXMC của các trung tâm tham gia nghiên cứu là 0,5-1%, các trường hợp với kiểu hình miễn dịch lympho B và tủy ước tính khoảng hơn một nửa và kiểu hình lympho T và tủy khoảng hơn 1/3 bệnh nhân. Mặc dù tế bào được coi là nguồn gốc của MPAL không được biết, có thể rằng loại LXMC này đến từ tế bào tiền thân tạo máu rất sớm có khả năng trải qua sự biệt hóa cả dòng tủy và dòng lympho hoặc hiếm là dòng lympho B và T [4], [6]. Thông tin về những đặc điểm đặc trưng của MPAL rất hạn chế vì tính hiếm của các LXMC này. Về mặt hình thái, MPAL không đồng nhất, chẩn đoán MPAL không có lẽ chắc là nghi ngờ về hình thái ngoại trừ một nhóm nhỏ có bằng chứng hai quần thể blast riêng biệt với cả dòng lympho và cả dòng tủy. Vì thế, chẩn đoán MPAL luôn luôn dựa vào kiểu hình miễn dịch và lọai trừ các trường hợp di truyền tế bào của AML với những bất thường tái diễn và loại trừ sự có mặt của bệnh lý rối loạn sinh tủy bởi hình thái [6].

Trong nghiên cứu này, 1 ca (2,4%) chỉ biểu hiện CD34+ và HLADR+, còn lại âm tính với các KN khác, nên xếp vào nhóm UAL. Hiện tại, bản chất của các blast không thể xác định rõ bằng kiểu hình miễn dịch, cần có các nghiên cứu khác để xác định định hướng dòng tủy hay dòng lympho sớm của tế bào ung thư [2].

Bảng 8: Phân loại AML bằng dấu ấn miễn dịch tế bào theo FAB – So sánh các dưới nhóm của AML của các nghiên cứu trong và ngoài nước [11], [13]:

Dưới nhóm AML Nghiên cứu này

n (%)

Thiểu Thị Hằng (2009)

n (%)

R. Jha

(2013)

n = %

M0 1 (3,0) 1 (1,7) 9
M1 10 (30,3) 5(8,6) 15
M2 9 (27,3) 24 (41,4) 27
M3 3 (9,1) 5 (8,6) 9
M4 7 (21,2) 14 (24,1) 20
M5 3 (9,1) 6 (10,3) 14
M6 0 3 (5,2) 5
M7 0 0 1
Tổng số 33 (100) 58 (100) 100 (100)

Nghiên cứu này có 1 ca M0 chiếm tỷ lệ 3,0% trong AML, kết quả này phù hợp với ghi nhận của các nhà nghiên cứu nhóm FAB năm 1991 là M0 chiếm tỷ lệ 2-3% hay chiếm 4% trong nghiên cứu của Nguyễn Phương Liên (n=528 ca AML) [8]. Giá trị lâm sàng chủ yếu của kiểu hình miễn dịch trong AML vẫn là chẩn đoán chính xác dưới nhóm FAB là M0, M1 và M7, chúng không thể nhận ra được bằng xét nghiệm về mặt hình thái và hóa học tế bào [3], [5], [12].

Nghiên cứu này không có ca nào AML M6 và M7, theo Bene M.C., nhu cầu dấu ấn đặc hiệu sớm đối với dòng hồng cầu còn đang thảo luận khi mà có lẽ chắc là các trường hợp tăng sinh các tế bào dòng hồng cầu tiên phát vẫn còn ít được chẩn đoán [2].

            CD34+ và HLA DR+: Bảng 3 và 4:  

Nghiên cứu này có tỷ lệ HLA-DR+ và CD34+ trong AML là 75,8% và 70,0% tương ứng, phù hợp với nhận định của R. Head David là HLA-DR+ và CD34+ trong AML biểu hiện 80-90% và 50-60% (tương ứng) hay nghiên cứu của Jahedi Mehdi là 72% và 52% (tương ứng) [5], [10]. Nghiên cứu này có tỷ lệ HLA-DR+ và CD34+ trong B-ALL là 100% và 66,6% tương ứng, cũng tương đương với nghiên cứu của A. Lajhouji là 100% (84/84 ca) và 77,5% (65/84 ca) tương ứng. Tỷ lệ HLA-DR+ và CD34+ trong T-ALL thấp hơn, của nghiên cứu này là 33,3% và 33,3% tương ứng, so với nghiên cứu của A. Lajhouji là 25% (10/40 ca) và 57,5% (23/40 ca) tương ứng [1].

Nghiên cứu này chẩn đoán M3 chủ yếu dựa vào hình thái và hóa học tế bào, dấu ấn HLA-DR và CD34 đều âm tính ở cả 3 ca M3 này, cũng như nghiên cứu của Thiểu Thị Hằng (5 ca M3 HLA-DR và CD34 đều âm tính); theo Bene M.C. dưới nhóm M3 thường khác các dưới nhóm của AML khác là HLA DR và CD34 âm tính nhưng điều này không hằng định trong AML M3 và không đủ đặc hiệu vì có thể gặp trong AML khác ví dụ AML M2 muộn [2], [10], [13] hoặc theo nghiên cứu của Nguyễn Hồng Điệp HLA-DR âm tính không còn được xem là tiêu chuẩn vàng để thiết lập chẩn đoán phân nhóm M3 về mặt dấu ấn miễn dịch, tỷ lệ HLA-DR âm tính có t(15;17) và/hoặc PML-RARA là 47%, khi kết quả tủy đồ hướng AML M3 bước tiếp theo phải bổ sung xét nghiệm sinh học phân tử để tìm t(15;17) và/hoặc PML-RARA để chẩn đoán xác định [7].

KN sai lạc: Bảng 5 và 6:  

Nghiên cứu này có tỷ lệ xuất hiện KN sai lạc trong 41 ca là 14 ca chiếm 34,1%. Trong đó, tỷ lệ xuất hiện KN sai lạc dòng lympho trong AML là 36,4% và tỷ lệ KN sai lạc dòng tủy trong ALL là 33,3% so với nghiên cứu của Thiểu Thị Hằng là 37,9% và 26,9% tương đương hay nghiên cứu của T.S. Renate là 22,4% và 18% tương đương [12], [13].

Trong AML tỷ lệ các KN sai lạc đã có báo cáo gặp lên đến 88%, biểu hiện các KN dòng lympho thay đổi tùy thuộc vào marker được sử dụng, vào cỡ mẫu nghiên cứu và tiêu chuẩn đánh giá được áp dụng, giải thích sai kết quả, phân tích tế bào tươi hay đông lạnh, quan trọng nhất là sự khác biệt về đặc điểm kiểu hình tế bào blast giữa trẻ em và người lớn [5], [11], [12].

Theo R. Head David biểu hiện KN kết hợp dòng lympho được thấy 20-30%, thường gặp nhất là CD7 (20%), CD2 (10%), CD19 (5%). KN kết hợp dòng tủy gặp 5-40% của ALL trẻ em và người lớn. Một số trong những KN dòng tủy thường gặp nhất là CD13 (6-16%) và CD 33 (3-10%) [10]. Theo Runa Jha CD7 là dấu ấn thường gặp nhất trong AML trong phần lớn các nghiên cứu [11]. Nghiên cứu của Jahedi Mehdi tỷ lệ KN lympho biểu hiện trong AML theo thứ tự giảm dần như sau: CD7: 31%, CD2: 29%, CD3: 15,7%, CD19 bằng CD22: 12,2%, CD20: 6,1% so với nghiên cứu này thứ tự giảm dần là: CD19: 41,7%; CD7: 25,0%; CD20: 16,7%; CD2 bằng CD5: 8,3% [5].

Tỷ lệ KN dòng tủy sai lạc trong T-ALL của A. Lajhouji là CD13: 42,5% và CD33: 25% so với nghiên cứu này tỷ lệ sai lạc của KN dòng tủy trong T-ALL cũng như tỷ lệ sai lạc của KN dòng tủy trong B-ALL đều là CD13: 100% (1/1 ca) (trong 3 ca T-ALL và 3 ca B-ALL chỉ 1 ca có 1 KN sai lạc là CD13) và số lượng của nghiên cứu này quá nhỏ nên chúng tôi chưa kết luận được [1].

  1. KẾT LUẬN

Trong 41 ca người lớn được chẩn đoán LXMC theo WHO (2001) và phân loại bằng phương pháp hình thái học và nhuộm hóa học tế bào theo FAB, bổ sung bằng phân loại dấu ấn miễn dịch tế bào theo EGIL (1995) và WHO (2008), có các kết quả sau: AML: 80,5%; ALL: 14,6%; MPAL (dòng tủy và lympho B): 2,4% và UAL: 2,4%. Trong AML và B-ALL: HLA-DR+ và CD34 + có tỷ lệ cao, và 2 tỷ lệ này thấp hơn đối với T-ALL. Nhóm LXMC có KN sai lạc: 34,1% (14 ca) gồm: AML: 12 ca (36,4%), T-ALL: 1 ca (33,3%), B-ALL: 1 ca (33,3%). Tỷ lệ KN sai lạc trong AML: cao nhất là CD19: 41,7%; thấp nhất là CD2 bằng CD5: 8,3%; KN dòng tủy trong T-ALL và B-ALL đều là CD13: 100% (1/1 ca).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lajhouji (2015), The immunophenotype of adult T Acute Lymphoblastic Leukemia in Morocco,  Oncology, 37 (1): 64-69.
  2. BeneC. (1995), Proposals for the immunological classification of acute leukemias, (EGIL), Leukemia, 9: 1783-1786.
  3. Bene M.C. (1999), Impact of immunophenotyping on management of acute leukemia Haematologica, 84: 1024-1034.
  4. E.G. Weir (2007), Acute bilineal leukemia: a rare disease with poor outcome, Leukemia, 21: 2264- 2270.
  5. Jahedi Mehdi (2014), Aberrant phenotype in Iranian patients with acute myeloid leukemia, Haematologica, 4(1): 43-47.
  6. Matutes Estella (2011), Mixed-phenotype acute leukemia: clinical and laboratory features and outcome in 100 patients defined according to the WHO 2008 classification, Blood, 117(11): 3163-3171.
  7. Nguyễn Hồng Điệp (2013), Đánh giá vai trò của HLA-DR trong chẩn đoán bệnh bạch cầu cấp dòng tủy phân nhóm M3, Y học TP. Hồ Chí Minh, 17(5): 126-131.
  8. Nguyễn Phương Liên (2014), Ứng dụng kỹ thuật dấu ấn miễn dịch để xác định bạch cầu cấp dòng tủy phân nhóm M0, Y học Việt Nam, 418(2): 13-17.
  9. Nguyễn Triệu Vân (2014), Số lượng tiểu cầu và mối liên quan tới mức độ xuất huyết ở bệnh nhân lơ xê mi cấp, Y học Việt Nam, 421(1): 34-38.
  10. Head David (2009), Wintrobe’s Clinical Hematology, Lippincott Williams & Wilkins: 1808-1815.
  11. Runa Jha (2013), Lymphoid asociated antigen expression in new cases of acute myeloid leukemia, Jourrnal of Pathology of Nepal, 3: 487-490.
  12. Thalhammer-Scherrer Renate (2002), The immunophenotype of 325 adult acute leukemias. Relationship to morphologic and molecular classification and proposal for a minimal screening program highly predictive for lineage discrimination, Am J Clin Pathol; 117: 380-389.
  13. Thiểu Thị Hằng (2009), Nghiên cứu phân loại lơ xê mi cấp dựa vào dấu ấn biệt hóa tế bào tạo máu bằng kỹ thuật đếm tế bào dòng chảy (flow cytometry), Luận văn Bác sĩ Nội trú Bệnh viện, Hà Nội.
  14. Vardiman J.W. (2002), The World Health Organization (WHO) classification of the myeloid neoplasms, Blood, 114(5): 2292-2302.
  15. Vardiman J.W. (2009), The revision of the World Health Organization (WHO) classification of myeloid neoplasms and acute leukemia: rationale and important changes, Blood, 100(7): 937- 951.