Breaking News

Nghiên cứu Microalbumin niệu và một số yếu tố nguy cơ ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2

Trần Thị Ngọc Thư1, Nguyễn Hải Thủy2

  1. Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, 2. Trường Đại học Y Dược Huế

Đặt vấn đề: Bệnh thận đái tháo đường là biến chứng của bệnh đái tháo đường được gây nên bởi nồng độ glucose máu cao không được kiểm soát. Microalbumin niệu là dấu hiệu sớm của bệnh thận đái tháo đường, sẽ dấn đến suy thận nếu không được điều trị. chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài nhằm đánh giá mối liên quan giữa microalbumin niệu với các yếu tố nguy cơ ở bệnh nhân ĐTĐ typ 2.

Phương pháp và đối tượng nghiên cứu: nghiên cứu cắt ngang, mô tả 72 bệnh nhân ĐTĐ typ 2. Các bệnh nhân được xét nghiệm glucose máu, HbA1c, bilan lipid, ure, creatinin máu, microalbumin niệu, creatinin niệu và tính ra tỷ albumin/creatinin (ACR). Xác định có albumin niệu vi thể khi ACR nằm trong khoảng 30mg/g đến 300mg/g.

Kết quả: Tỉ lệ tiểu albumin niệu vi thể (ACR (+)) ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2 là 38,9%. Có mối liên quan giữa tỉ lệ tiểu albumin niệu vi thể (ACR) với một số yếu tố nguy cơ: thời gian phát hiện bệnh (r = 0,48; p<0,001), BMI (r = 0,28; p<0,05), vòng bụng (r = 0,48; p<0,001), huyết áp tâm thu (r = 0,68; p<0,001), huyết áp tâm trương (r = 0,67; p<0,001), nồng độ glucose máu đói (r = 0,34; p<0,01) và HbA1c (r = 0,27; p<0,05).

Kết luận: Microalbumin niệu thường gặp ở bệnh nhân ĐTĐ typ 2. Béo phì , tăng huyết áp và glucose máu không kiểm soát tiên đoán nguy cơ microalbumin niệu ở bệnh nhân ĐTĐ typ 2

Từ khóa: microalbumin niệu, yếu tố nguy cơ, bệnh nhân ĐTĐ typ 2

ABSTRACT

STUDY ON MICROALBUMINUREA AND SOME RISK FACTORS

IN TYPE 2 DIABETES

Background: Diabetic nephropathy is a complication of diabetes that is caused by uncontrolled high blood glucose. Microalbuminurea is an early symptome of diabetic nephropathy, which can lead to renal failure if untreated. We carried out this study to evaluate the relationships between microalbuminurea and some risk factors in type 2 diabetes mellitus (DM).

Subjects and methods: A cross-sectional analysis was conducted among 72 patients with type 2 diabetes. Microalbuminuria, urinary creatinine, fasting plasmal glucose, HbA1C, serum total cholesterol, triglycerid, LDL-C and HLD-C were performed in all patients. Microalbuminurea (MAU) is defined as urinary albumin/creatinin ratio (ACR) from 30mg/g to 300mg/g.

Results: Ratio of MAU (+) in type 2 diabetic patients was 38,9%. There was correlation between ACR levels with during of disease (r = 0,48; p<0,001), BMI (r = 0,28; p<0,05), waist circumference (r = 0,48; p<0,001), systolic blood pressure (r = 0,68; p<0,001), diastolic blood pressure (r = 0,67; p<0,001), fasting glucose (r = 0,34; p<0,01) and HbA1c (r = 0,27; p<0,05).

Conclusions: MAU is common in type 2 DM. Obesity, hypertension and uncontrolled glucosemia are predictors MAU in type 2 DM.

Key word: microalbuminurea, risk factors, type 2 diabetes

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Thế kỷ XXI là thế kỷ của các bệnh Nội tiết và Rối loạn chuyển hóa. Trong số các bệnh Nội tiết và rối loạn chuyển hóa bệnh đái tháo đường, nhất là đái tháo đường týp 2 đã và đang được xem là vấn đề cấp thiết của thời đại. Bệnh có tốc độ phát triển rất nhanh, là một trong ba bệnh phát triển nhanh nhất trên thế giới (ung thư, tim mạch, đái tháo đường). Bệnh đái tháo đường gây ra nhiều biến chứng mạn tính nguy hiểm. Biến chứng thận (bệnh thận đái tháo đường) là một trong những biến chứng vi mạch thường gặp và cũng là nguyên nhân gây suy thận mãn của bệnh nhân đái tháo đường tại các nước phát triển. Bệnh thận đái tháo đường chiếm tỉ lệ 40% số bệnh nhân suy thận mãn giai đoạn cuối ở Mỹ. Tỉ lệ tử vong của bệnh nhân đái tháo đường bị suy thận mạn giai đoạn cuối cao hơn ở bệnh nhân không bị đái tháo đường. Albumin niệu vi thể là dấu hiệu sớm của tổn thương vi mạch cầu thận, tức bệnh thận khởi đầu. Ở giai đoạn này nếu điều trị tốt như kiểm soát glucose, HbA1c, huyết áp và các yếu tố nguy cơ khác thì albumin niệu vi thể biến mất, kéo dài hoặc ngăn chặn suy thận tiếp diễn. Để đánh giá vai trò của microalbumin niệu trong chẩn đoán biến chứng thận ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài nhằm mục tiêu: Đánh giá mối liên quan giữa microalbumin niệu với các yếu tố nguy cơ ở bệnh nhân ĐTĐ typ 2.

  1. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng

Gồm 72 bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường typ 2.

– Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường: theo tiêu chí của “Ủy ban chẩn đoán và phân loại ĐTĐ” Hoa Kỳ 2011.

Tiêu chuẩn loại trừ: nhóm bệnh lý bị loại trừ khi tình trạng sinh lý hay bệnh lý ảnh hưởng đến đạm niệu trên bệnh nhân đái tháo đường:

+ Tiểu máu vi đại thể hoặc albumin niệu đại thể.

+ Suy gan, suy thận, viêm thận, nhiễm trùng đường tiểu.

+ Hôn mê toan ceton hoặc hôn mê tăng áp lực thẩm thấu.

+ Mất nước nặng, có thai, không hợp tác nghiên cứu.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Thiết kế nghiên cứu: nghiên cứu cắt ngang mô tả có phân tích.

– Nơi nghiên cứu: khoa Nội Tiết bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định.

– Thời gian nghiên cứu: từ tháng 04/2011 đến tháng 03/2012

– Nội dung nghiên cứu:

Khám lâm sàng, đo chiều cao, cân nặng, chỉ số khối cơ thể (BMI), vòng bụng, huyết áp. Xét nghiệm glucose máu, HbA1c, bilan lipid, ure, creatinin máu, microalbumin niệu, creatinin niệu và tính ra tỷ albumin/creatinin (ACR).

– Xác định có albumin niệu vi thể khi ACR nằm trong khoảng 30mg/g đến 300mg/g.

– Xử lý số liệu bằng phần mềm SPSS 16.0

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu

Bảng 1. Một số đặc điểm lâm sàng

Đặc điểm ± SD
Tuổi 65,19 ± 8,63
Giới (nam/nữ) 15/57
Thời gian phát hiện bệnh (năm) 5,99 ± 3,40
BMI (Kg/m2) 23,47 ± 2,90
Vòng bụng (cm) 86,61 ± 7,20
HA tâm thu (mmHg) 135,01 ± 20,96
HA tâm trương (mmHg) 81,11 ± 10,15

Bảng 2. Một số đặc điểm cận lâm sàng

Đặc điểm ± SD
Glucose (mmol/l) 10,54 ± 4,40
HbA1C (%) 8,58 ± 2,01
Cholesterol (mmol/l) 5,85 ± 1,11
Triglycerid (mmol/l) 3,01 ± 2,04
HDL-C (mmol/l) 1,37 ± 0,32
LDL-C (mmol/l) 3,19 ± 0,96
ACR (mg/g) 27,18 ± 25,04

3.2. Tỉ lệ albumin niệu vi thể ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2

Bảng 3: Tỉ lệ albumin niệu vi thể ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2

ACR (-) (+)
n 44 28
Tỷ lệ % 61,1 38,9

Có 38,9% bệnh nhân ĐTĐ týp 2 tiểu albumin niệu vi thể.

3.3. Liên quan của ACR với một số yếu tố nguy cơ

Bảng 4. Liên quan giữa ACR với thời gian phát hiện bệnh

ACR Thời gian phát hiện bệnh
< 5 năm 5-10 năm ≥ 10 năm
n = 37 n = 29 n = 6
± SD 18,41 ± 19,24 30,11 ± 21,09 67,10 ± 34,88
p < 0,05

Bảng 5. Liên quan giữa ACR với BMI

BMI ACR p
n ± SD
< 23 33 20,58 ± 19,42 < 0,05
≥ 23 39 32,77 ± 28,00

Nhóm BMI ≥ 23 có giá trị ACR trung bình cao hơn nhóm có BMI < 23.

Bảng 6. Liên quan giữa ACR với vòng bụng

Vòng bụng ở mức có nguy cơ ACR p
n ± SD
Không 16 14,40 ± 10,02 <0,01
56 30,83 ± 26,85

Nhóm VB ở mức nguy cơ có giá trị ACR trung bình cao hơn nhóm có VB bình thường.

Bảng 7. Liên quan giữa ACR và tăng huyết áp

Tăng huyết áp ACR p
n ± SD
Không 18 8,63 ± 9,36 <0,01
54 33,37 ± 25,61

Nhóm tăng HA có giá trị ACR trung bình cao hơn nhóm không tăng HA.

Bảng 8. Liên quan giữa ACR và HbA1c

HbA1c ACR p
n ± SD
< 7% 17 12,51 ± 12,63 <0,01
≥ 7% 55 31,72 ± 26,24

Nhóm kiểm soát HbA1C không tốt có giá trị ACR trung bình cao hơn nhóm kiểm soát tốt.

Bảng 9: Tương quan giữa ACR với một số yếu tố nguy cơ

Các yếu tố r p
Thời gian phát hiện bệnh 0,48 < 0,001
BMI 0,28 < 0,05
Vòng bụng 0,48 < 0,001
HATT 0,68 < 0,001
HATTr 0,67 < 0,001
Glucose 0,34 < 0,01
HbA1c 0,27 < 0,05
Cholesterol 0,13 > 0,05
Triglycerid 0,16 > 0,05
HDL-C -0,03 > 0,05
LDL-C 0,07 > 0,05

Có mối tương quan giữa ACR với thời gian phát hiện bệnh, BMI, vòng bụng, HATT, HATTr, glucose và HbA1c. Không có tương quan giữa ACR với các thành
phần lipid.

 

  1. BÀN LUẬN

4.1. Một số đặc điểm của đối tượng nghiên cứu

Bảng 1 cho thấy với 72 đối tượng nghiên cứu đái tháo đường typ 2 tuổi trung bình của ĐTNC là 65,19 ± 8,63. Đây cũng là độ tuổi thường gặp trong các nghiên cứu Nguyễn Đức Ngọ, Lê Thị Diệu Hồng 61,1±9,25, Hồ Xuân Sơn 56,03±4,9, Hồ Hữu Hóa 60,3±9,7 [3], [4], [2].

Đối tượng nghiên cứu gồm 15 nam (chiếm tỉ lệ 20,8%) và 57 nữ (chiếm tỉ lệ 79,2%) cho thấy tỉ lệ nữ giới mắc bệnh cao hơn nam giới. Hồ Xuân Sơn Nữ chiếm 69,8%, nam 30,2%, Trần Xuân Trường, Nguyễn Chí Dũng, Phan Sỹ An tỉ lệ nữ 53,3%, nam 46,7% [4], [6].

Về thời gian phát hiện bệnh, trong nghiên cứu của chúng tôi, thời gian phát hiện đái tháo đường trung bình 5,99 ± 3,40. Theo Hồ Hữu Hóa 4,4±3,2, tác giả Trần Xuân Trường, Nguyễn Chí Dũng thời gian mắc bệnh chủ yếu từ 1-5 năm. Nghiên cứu của chúng tôi có thời gian mắc bệnh cao hơn vì đối tượng của chúng tôi chủ yếu cán bộ hưu trí có tuổi trung bình cao hơn [2], [6].

  1. Tỉ lệ tiểu albumin niệu vi thể ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2

Bảng 4.1. So sánh nghiên cứu về tỉ lệ tiểu albumin niệu vi thể với một số tác giả khác trong nước

Tác giả Số bệnh nhân nghiên cứu Tỉ lệ % MAU (+)
Hồ Xuân Sơn [4] 64 39,06
Hồ Hữu Hóa [2] 116 45,7
Trần Xuân Trường vàNguyễn Chí Dũng [6] 68 33,8
Nguyễn Đức Ngọ vàLê Thị Diệu Hồng [3] 168 32,2

Tỉ lệ tiểu albumin niệu vi thể trong nghiên cứu của chúng tôi tương tự kết quả nghiên cứu của Hồ Xuân Sơn.

  1. Liên quan của ACR với một số yếu tố nguy cơ

Bảng 4 cho thấy tuổi bệnh càng tăng thì ACR càng lớn phù hợp với nghiên cứu của tác giả Hồ Xuân Sơn, Hồ Hữu Hóa [4],[2]

Bảng 5 cho thấy ACR trung bình tăng theo BMI.

Theo tác giả Đào Thị Dừa nhóm béo phì tỉ lệ bệnh nhân bị bệnh thận 65,71% cao hơn nhóm ĐTĐ không béo phì [1].

Bảng 6 cho thấy ACR (+) chủ yếu gặp đối tượng có tăng vòng bụng, phù hợp với nghiên cứu của Hồ Xuân Sơn [4].

Bảng 7 cho thấy ACR trung bình cao hơn ở nhóm ĐTĐ có tăng HA.

Kết quả của chúng tôi thu được ở nhóm bệnh nhân đái tháo đường typ 2 có BMI ≥ 23, tăng vòng bụng và tăng HA thấy ACR trung bình tăng hơn rõ rệt so với nhóm không có béo phì và không có tăng HA. Kết quả này cũng phù hợp cả về sinh lý bệnh và cũng như các nghiên cứu khác. Vì béo phì là yếu tố trung tâm của hội chứng chuyển hóa và đề kháng insulin, nó làm tăng đào thải albumin ra nước tiểu. Các tác giả như: Nguyễn Đức Ngọ, Lê Thị Diệu Hồng cho thấy nhóm ĐTĐ có BMI ≥ 23, vòng bụng cao và tăng HA có MAU (+) cao hơn nhóm không có béo phì và không tăng HA [3]. Rossi trong nghiên cứu DEMAND đã nhận thấy béo phì, hút thuốc lá và tăng HA làm tăng nguy cơ xuất hiện MAU, tác giả Kim YI và cộng sự nghiên cứu trên cộng đồng người Triều Tiên ĐTĐ týp 2 thấy tăng tỉ lệ MAU(+) cũng tăng tỉ lệ thuận với tăng chỉ số BMI, vòng bụng và tăng HA [9].

Bảng 8 cho thấy ACR (+) tăng theo HbA1c, điều này cũng phù hợp với nghiên cứu của Hồ Xuân Sơn giữa HbA1c và MAU có mối tương quan thuận, tác giả Hồ Hữu Hóa nhóm có HbA1c > 6,5% có nguy cơ MAU (+) cao hơn 2,79 lần so với nhóm có HbA1c bình thường, tác giả Elizabeth Selvin, Yang Ning và cs nghiên cứu về HbA1C và nguy cơ bệnh thận ở bệnh nhân có và không có ĐTĐ, nhóm có ĐTĐ có nguy cơ bệnh thận cao hơn và càng tăng hơn khi HbA1C càng cao [4], [8].

Bảng 9 cho thấy không có tương quan giữa ACR với các thành phần lipid máu. Nghiên cứu của Hồ Xuân Sơn cũng cho kết quả tương tự [4]. Theo Hồ Hữu Hóa tăng triglycerid và giảm HDL-C làm tăng nguy cơ MAU (+). Theo Nguyễn Đức Ngọ, Lê Thị Diệu Hồng nhóm có RLLP thì tỉ lệ MAU (+) cao hơn ở nhóm có tăng triglycerid và ApoB [2], [3].

Có mối tương quan chặt chẽ giữa ACR với thời gian phát hiện bệnh, vòng bụng, HATT, HATTr. Mối tương quan giữa ACR với BMI, HbA1c và glucose ở mức độ vừa.

  1. KẾT LUẬN

Qua nghiên cứu trên 72 bệnh hân đái tháo đường typ 2 điều tri nội trú và ngoại trú tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định. Chúng tôi ghi nhận một số kết quả sau:

  1. Tỉ lệ tiểu albumin niệu vi thể (ACR (+)) ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2 là 38,9%.
  2. Có mối liên quan giữa tỉ lệ tiểu albumin niệu vi thể (ACR) với một số yếu tố nguy cơ: thời gian phát hiện bệnh, béo phì (BMI, vòng bụng), tăng huyết áp, kiểm soát đường máu (HbA1c).

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đào Thị Dừa (2010), Khảo sát bệnh lý thận thận do đái tháo đường ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2 điều trị nội trú tại Bệnh viện Trung ương Huế, Kỷ yếu toàn văn các đề tài khoa học Hội nghị Khoa học Thận-Tiết niệu miền Trung và Tây nguyên mở rộng, tr. 306-312.
  2. Hồ Hữu Hóa (2009), Chẩn đoán sớm biến chứng thận bằng xét nghiệm microalbumin niệu ở bệnh nhân đái tháo dường typ 2 điều trị ngoại trú tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên, Luận văn Thạc sĩ Y học, Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên.
  3. Nguyễn Đức Ngọ, Lê Thị Diệu Hồng (2009), Microalbumin niệu ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2, mối liên quan với các thành phần của hội chứng chuyển hóa, Tạp chí Y học thực hành, 644+645 (2), tr.1-4.
  4. Hồ Xuân Sơn (2007), Nghiên cứu tỷ lệ albumin niệu vi thể ở bệnh nhân đái tháo đường typ 1 và typ 2, Luận văn Thạc sĩ Y học, Trường Đại học Y Dược Huế.
  5. Nguyễn Hải Thủy(2009), Bệnh thận đái tháo đường, Bệnh lý tim mạch trong đái tháo đường, Nhà xuất bản đại học Huế, trang 279-292.
  6. Trần Xuân Trường, Nguyễn Chí Dũng và Phan Sỹ An (2008), Nghiên cứu nồng độ microalbumin niệu chẩn đoán sớm biên chứng thận trên bệnh nhân đái tháo đường typ 2, Tạp chí Y học thực hành, 594+595, tr. 34-37.
  7. Nguyễn Khoa Diệu Vân (2000), Nghiên cứu giá trị của microalbumin niệu trong chẩn đoán sớm bệnh cầu thận do đái tháo đường, Tạp chí Y học Việt Nam, 5, tr. 29-33.
  8. Elizabeth Selvin, Yang Ning et al (2011), Glycated Hemoglobin and the Risk of Kidney Disease and Retinopathy in Adults With and Without Diabetes, Diabetes, 60, pp. 298-305.
  9. Kim. YI, et al (2000), Microalbuminuria is associated with the insulin resistance syndrome independent of hypertension and type 2 diabetes in the Korean population, Diabetes Res Clin Pract, 52(2), pp.145-152.