Nếu nguy cơ này trở thành hiện thực, nhân loại sẽ phải đối mặt với một thảm họa thực sự trên quy mô toàn cầu.
Virus Ebola chưa hề bị tiêu diệt
Với nỗ lực của hệ thống y tế thế giới, dịch bệnh Ebola tại Châu Phi đã dần lắng xuống trên các mặt báo. Tuy nhiên, những bí ẩn về nó ngay lúc này còn hấp dẫn rất nhiều nhà khoa học. Một trong những câu hỏi lớn nhất về Ebola: Liệu rằng chúng có khả năng tái phát trên những người đã được chữa khỏi? Những con virus có thể đánh lừa hệ thống miễn dịch để ẩn náu và sẵn sàng quay trở lại bất cứ lúc nào? Nếu nguy cơ này trở thành hiện thực, nhân loại sẽ phải đối mặt với một thảm họa thực sự trên quy mô toàn cầu chứ không riêng tại Châu Phi.
Di chuyển bệnh nhân Ebola trở về từ Châu Phi.
Ngày 9 tháng 10, Pauline Cafferkey, một y tá người Scotland đã trở thành trường hợp đầu tiên tái phát bệnh tại Châu Âu. Điều đặc biệt ở chỗ, thời gian cô được xuất viện sau khi được điều trị và nhận kết quả âm tính với Ebola lên tới 9 tháng. Tất cả các nhà khoa học và bác sĩ đều giật mình với một lo ngại lớn về sự bùng phát trở lại của Ebola ngay tại Châu Âu. Pauline Cafferkey ngay lập tức đã được đưa đến bệnh viện Royal Free ở London bằng máy bay quân sự.
“Virus Ebola, bằng cách nào đó, nó vẫn tồn tại và đã quay trở lại gây rối loạn nghiêm trọng trong hệ thần kinh của Pauline Cafferkey”, tờ The New York Times viết. “Dịch tủy của cô cho kết quả dương tính với sự tồn tại của Ebola”.
Các bác sĩ trước đó cũng đặt một mối nghi ngờ lớn rằng liệu những bệnh nhân như Pauline Cafferkey được xuất viện trong xác nhận “đã được chữa khỏi”, họ không bình phục hoàn toàn và virus Ebola dường như chưa được loại trừ hẳn. Tất cả họ đang được theo dõi với biểu hiện giảm sút nghiêm trọng thị lực, thính giác, những cơn co giật, mất ngủ và đau nhức cơ thể tồn tại trong nhiều tháng sau khi nhận kết quả âm tính.
Hình ảnh virus Ebola dưới kính hiển vi.
Ebola là chủng virus nguy hiểm lây lan qua dịch cơ thể, gây sốt cao, tiêu chảy, nôn mửa, nhức đầu, đã giết chết một nửa số người nhiễm nó. Tính đến nay, Ebola được xác nhận là thủ phạm của hơn 10.000 ca tử vong. Điểm bùng phát mạnh mẽ nhất của nó là Tây Phi năm 2014, dịch bệnh gây những làn sóng hoảng loạn vượt Đại Tây Dương chạm đến cả Mỹ và Châu Âu.
Rất nhiều người tin rằng tất cả những ai đã từng sống sót sau khi nhiễm Ebola có thể tự coi mình là kẻ may mắn. Tuy nhiên, sự thật thì không phải vậy, cuộc chiến với Ebola chưa chấm dứt kể từ khi họ rời bệnh viện và trở lại cuộc sống thường ngày. Một nguy cơ tái phát và nhiễm trùng luôn kề cận tính mạng của họ.
Bên cạnh y tá Pauline Cafferkey, có thể kể đến trường hợp của Crozier, một bác sĩ người Mỹ phục vụ và nhiễm Ebola tại Sierra Leone hồi tháng 8 năm 2014. Ông sau đó đã được chuyển về Mỹ và nhận được sự điều trị tích cực tại Bệnh viện Đại học Emory, Atlanta. Đầu tháng 10 năm 2015, tại một hội nghị bệnh truyền nhiễm tại San Dieogo, Crozier lần đầu kể chi tiết những gì ông phải chịu đựng sau 40 ngày chống chọi với Ebola.
Khoảng 10 tuần kể từ triệu chứng đầu tiên, Crozier gặp vấn đề nghiêm trọng về thị lực. Về cơ bản, ông đã bị mù. Các báo cáo về tình trạng này nhanh chóng được đăng tải trên The New England Journal of Medicine.
Khi xuất viện, Ebola không còn xuất hiện trong máu và nước tiểu của Crozier nhưng sau đó lại được tìm thấy trong tinh trùng. Ông cũng gặp phải các vấn đề về chi dưới, đi lại khó khăn, đau thắt lưng, viêm gân và luôn thường trực một cảm giác kim chích dưới chân.
Mắt trái của Crozier chuyển sang màu xanh lá.
Một điều tệ hại nhất, Crozier cảm thấy rát ở mắt, một cảm giác có gì đó cồm cộm trong mắt và sau đó ông gặp tình trạng nhạy cảm với ánh sáng. Các bác sĩ phát hiện một sẹo bên trong mắt và tình trạng xuất huyết nhẹ cạnh đó.
Khoảng 1 tháng sau, các triệu chứng thể hiện sự nguy hiểm của nó. Các bác sĩ phải trích một mẫu dịch bên trong giác mạc và thủy tinh thể. Bất ngờ thay, nó dương tính với Ebola. Thị lực của Crozier tiếp tục giảm sút và màu mắt thậm chí đã chuyển từ xanh dương sang xanh lá.
“Ngoài việc màu mắt bị thay đổi, tôi đã mất kiểm soát áp lực mắt, nó bắt đầu nhẹ bẫng đi”, Crozier nói trong một phỏng vấn với CNN. “Thời gian tôi bay trở lại Phoenix, tôi phải nhìn thế giới qua một miếng phô mai”.
Vấn đề xảy ra không riêng với Crozier, 25% số bệnh nhân sống sót sau Ebola gặp vấn đề về thị giác. Để khắc phục được điều này, các bác sĩ phải loại bỏ những mảnh vỡ tế bào võng mạc được cho là nguyên nhân của việc suy giảm tầm nhìn. Tuy nhiên, thị giác của Crozier cũng chưa thể trở lại bình thường.
Bên cạnh vấn đề thị lực, ông còn phải chịu đựng những cơn đau lưng dai dẳng, ù tai, giảm thính lực, suy giảm trí nhớ ngắn hạn. Crozier bị một cơn động kinh trong khi tham dự một đám cưới ở Anh trong mùa hè vừa rồi. Ngay sau đó, phác đồ điều trị của ông được bổ sung thêm thuốc chống động kinh.
Nina Phạm, một y tá gốc Việt cũng phải chịu đựng những biến chứng sau khi điều trị Ebola. Cô nhiễm virus vào tháng 10 năm 2014 khi đang điều trị cho một bệnh nhân tại Bệnh viện Dallas. Sau khi “khỏi bệnh”, cô tiếp tục phải chống chọi với những cơn đau nhức cơ thể, tình trạng rụng tóc, rối loạn giấc ngủ và ác mộng.
Những bộ quần áo bảo hộ phơi phía ngoài Trung tâm chữ thập đỏ Madrid.
Các nghiên cứu trên bệnh nhân sống sót sau Ebola được thực hiện trong tình trạng lẻ tẻ và không đầy đủ. Đó là một khó khăn cho chúng ta hiểu về những tác động lâu dài của virus lên cơ thể đã “khỏi bệnh”. Những gì chúng ta biết, đó là triệu chứng mệt mỏi, đau khớp chúng thường gặp sau bất kì một nhiễm trùng nặng nào, Jesse Goodman, một chuyên gia bệnh truyền nhiễm đồng thời là Giáo sư đang giảng dạy tại Trung tâm Y tế Đại học Georgetown, Washington DC nói với LiveScience.
Các chất hóa học của chính hệ thống miễn dịch có thể khiến chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang bị ốm, Goodman nói. Cơ bắp và các mô dễ bị tổn thương do sự mất nước, suy dinh dưỡng và huyết áp thấp trong tình trạng này. Khoảng 13.000 người là con số bệnh nhân sống sót sau Ebola được ghi nhận tình trạng tương tự Crozier hay Nina Phạm.
Cũng phải nói rằng không phải không có những ca nhiễm Ebola mà bệnh nhân thể hiện sự bình phục tốt. Đó là trường hợp của nhà báo Ashoka Mukpo, ông nhiễm Ebola trong một ổ dịch ở Liberia và được điều trị tích cực sau đó. Mới đây trong phỏng vấn với CNN, Ashoka nói: “Tôi cảm thấy mạnh khỏe vả về thể chất, tinh thần và tâm lý”. Bên cạnh đó, Rick Sacra, một bác sĩ cũng nhiễm Ebola tại Liberia cũng chỉ xác nhận rằng đôi khi anh nhìn mờ và ho nhưng chúng biến mất sau khi anh rời bệnh viện.
Mặc dù có những trường hợp bình phục tốt sau điều trị, con số vẫn còn quá ít. Cho đến hiện tại chưa một nhà khoa học hay bác sĩ nào dám khẳng định họ hiểu về Ebola. Và nếu ngày càng có nhiều bằng chứng liên quan đến sự tái phát và quay trở lại của virus Ebola trên cơ thể người bệnh “bình phục”, đó sẽ là một mối nguy hiểm lớn. Dịch bệnh có thể bùng phát ngay tại Mỹ hay Châu Âu bất cứ lúc nào và rõ ràng cuộc chiến của chúng ta với Ebola thực sự chưa hề kết thúc.