Dạng flavonoid có tên apigenin có trong ngò, ngò tây, cần tây, ớt đỏ… có thể kích thích sự hình thành các tế bào não người.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Brazil tại ĐH Liên bang Rio de Janeiro mới được công bố trên tạp chí Advances in Regenerative Biology nêu khả năng dạng flavonoid có tên apigenin có trong ngò, ngò tây, cần tây, ớt đỏ và một số loại thực vật khác có thể kích thích sự hình thành các tế bào não người và tăng cường sự liên kết giữa các tế bào đó.
Rau mùi cải thiện chức năng hoạt động của hệ thần kinh. |
Nhóm nghiên cứu đã thí nghiệm tác dụng của apigenin lên tế bào gốc – dạng tế bào có thể phát triển thành các loại tế bào khác – và phát hiện tế bào gốc có thể chuyển thành tế bào thần kinh trong vòng 25 ngày. Hơn thế nữa, họ nhận thấy những kết nối giữa các tế bào mới hình thành, còn được gọi là khớp thần kinh, trở nên mạnh mẽ và tinh vi hơn.
Những khảo sát thêm cho thấy apigenin thúc đẩy sự hình thành và kết nối tế bào thần kinh bằng cách gắn kết với các thụ thể estrogen vốn có ảnh hưởng đến sự tạo hình và phát triển cũng như chức năng hoạt động của hệ thần kinh.
Nhiều nghiên cứu trước đây từng cho thấy hormone estrogen có thể khiến các bệnh Alzheimer, Schizophrenia, Parkinson và vài bệnh suy thoái thần kinh khác cũng như chứng trầm cảm chậm phát triển.
Một số nghiên cứu khác phát hiện apigenin và vài dạng flavonoid cùng nhóm có lợi ích trong học tập và ghi nhớ, giúp bảo tồn và tăng cường chức năng hoạt động của não.
Từ đó, nhóm nghiên cứu cho rằng phát hiện của họ nêu khả năng trị liệu mới đầy hứa hẹn đối với nhiều chứng rối loạn thần kinh.
Theo Suckhoe