Có những việc bố mẹ làm tưởng chừng để bảo vệ con nhưng hóa ra lại không tốt cho trẻ. Chẳng hạn, khi có ý định sắm cũi cho con, hầu hết các phụ huynh đều cần thận chọn một bộ quây cũi thật đẹp, chắc chắn để con vừa ấm áp, vừa không cho tay, chân vào các kẽ hở giữa hai thanh cũi. Tuy nhiên, Hiệp hội nhi khoa Mỹ khuyên bố mẹ là nên dỡ bỏ các quây cũi này bởi đã có 27 trẻ tử vong trong vòng 20 năm khi quây cũi gây nghẹt thở hay chèn ép trẻ… Theo các bác sĩ nhi khoa, dưới đây là 5 việc cha mẹ không nên làm vì có thể mang tới các nguy cơ không ngờ cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ:
Đặt trẻ vào ghế ngồi người lớn trên ôtô quá sớm
Bố mẹ thường thích đặt con vào ghế bên cạnh mình trên ôtô, cho dù chỉ là để thay tã mới hay đưa bé đến nhà trẻ. Nhưng bác sĩ Jennifer Shu, người phát ngôn cho Hội Nhi khoa Mỹ cho rằng, bố mẹ nên từ từ khi muốn con ngồi cùng trên ô tô và nên chọn ghế vừa kích cỡ của trẻ (ghế dành riêng cho bé trên xe) cho đến khi trẻ lớn hơn thì mới chuyển sang ngồi ghế như người lớn. Tốt nhất, từ trẻ nhũ nhi cho tới khi trẻ đã chập chững biết đi, không nên cho bé ngồi ghế người lớn trên ôtô.
Cho trẻ ngủ trên ghế rung có thể khiến bé khó thở. Ảnh minh họa: Bumpclubandbeyond.com. |
Để trẻ ngủ trong ghế rung
Bố mẹ để con ngủ khi đang ngồi trên ghế rung hoàn toàn có thể hiểu được: Con bạn buồn ngủ ở trong chiếc ghế êm ái đu đưa và bạn sợ có thể đánh thức con dậy nếu chuyển bé đến chỗ khác. Nhưng theo khuyến cáo mới, để ngăn ngừa hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, không nên để trẻ ngủ như vậy. Ngủ quá lâu ở tư thế ngồi có thể khiến trẻ không nhận đủ lượng oxy.
Cũng nên ghi nhớ điều này nếu con ngồi ngủ gật trên ghế ôtô. Tất nhiên, cứ để trẻ trong ghế ôtô nếu con buồn ngủ lúc bạn đang lái xe nhưng khi đã về tới nhà, hãy đưa con ra khỏi ghế và đặt bé vào trong cũi. Đừng mang cả ghế ngồi trên ô tô vào nhà và để bé tiếp tục ngủ trên đó. Tiếp tục ngủ ở tư thế ngồi có thể làm trẻ khó thở, hơn nữa nó góp phần làm trầm trọng thêm chứng trào ngược.
Cho con xem những “video giáo dục”
Đứa con nhỏ của bạn sẽ không thể trở thành Einstein bằng cách xem video, cho dù sản phẩm này được đóng mác là có tính giáo dục cao. Theo Hiệp hội Nhi khoa Mỹ, các bậc phụ huynh nếu có thể, không cho trẻ dưới 2 tuổi tiếp xúc với màn hình TV, máy tính, điện thoại…
Trong một nghiên cứu mới đây, 90% các ông bố bà mẹ nói rằng con họ dưới 2 tuổi đã xem một số sản phẩm của công nghệ số. Nhóm bác sĩ nhi khoa nói rằng các video chỉ phát huy được tác dụng giáo dục khi trẻ có thể hiểu nội dung và chỉ những trẻ trên 2 tuổi mới có khả năng này.
“Tôi giải thích với các bậc phụ huynh rằng xem TV hay video có hại hơn cho sự phát triển khả năng nói trôi chảy vì con bạn càng dành nhiều thời gian xem TV thì càng ít thời gian bạn trò chuyện và tương tác với trẻ”, bác sĩ Lance Goodman, một chuyên gia nhi khoa tại Boca Raton, Florida, Mỹ, nói.
Không cho con nằm sấp
Rõ ràng, khi con ngủ, nên cho bé nằm ngửa vì việc này giúp giảm nguy cơ trẻ tử vong do hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, khi bé thức, nên để trẻ nằm sấp để bé phát triển phần trên cơ thể, vươn người ra và tập bò sau này. Ngoài ra, nằm sấp còn giúp ngăn ngừa dị tật hộp sọ.
Quay vi sóng để hâm nóng bình sữa của con
Hiệp hội nhi khoa Mỹ khuyên các phụ huynh không nên hâm nóng bình sữa trong lò vi sóng vì lo ngại về BPA hay Bisphenol A, một hóa chất được sử dụng trong một số vật liệu bao gói. Bạn liệu có chắc bình sữa hay của con không chứa BPA? Nếu chất liệu bình có chứa BPA, sự hâm nóng không đồng đều của các chất lỏng bên trong nó có thể khiến miệng trẻ bị bỏng vì một điểm nào đó quá nóng (trong khi những điểm khác khi mẹ nếm thì nguội hơn).
Vương Linh (theo Cnn.com)