Giải Nobel Y học năm 2014 vinh danh Giáo sư người Anh – Mỹ John O’Keefe cùng vợ chồng Giáo sư người Na Uy May-Britt và Edvard I.Moser với công trình khám phá về khả năng định hướng trong không gian của động vật và con người.
Đồng chủ nhân Nobel Y học 2014: Giáo sư O’Keefe và vợ chồng Giáo sư Moser – Ảnh: Reuters |
Ngày 6.10, trên website chính thức Nobelprize.org, Ủy ban Nobel nhận định: “Làm thế nào biết được chúng ta đang ở đâu? Não bộ lưu trữ thông tin như thế nào để chúng ta nhận ra ngay lập tức con đường đã đi qua? Công trình của 3 nhà nghiên cứu được trao giải đã giúp trả lời những câu hỏi tưởng chừng đơn giản mà các triết gia, khoa học gia đặt ra từ nhiều thế kỷ qua. Họ đã tìm ra những tế bào tạo thành hệ thống định vị ở não bộ”.
Theo tờ Le Monde, năm 1971, Giáo sư John O’Keefe tìm thấy các tế bào chuyên biệt ở hồi hải mã (vùng não bộ có vai trò quan trọng về trí nhớ) luôn thay nhau phát tín hiệu cho thấy hoạt động rất tích cực mỗi khi chuột thí nghiệm di chuyển đến những vị trí cố định trong chuồng, hay trong mê cung. Từ đó, ông cho rằng những “tế bào nơi chốn” này đã thiết lập nên một hệ thống bản đồ về môi trường bên ngoài và hồi hải mã chính là kho lưu trữ nhiều bản đồ như thế. Vai trò hệ thống định vị của các tế bào thuộc hồi hải mã cũng được xác nhận ở người và các động vật khác qua nhiều nghiên cứu sau đó. Cụ thể, ở các bệnh nhân bị bệnh Alzheimer, vùng này bị ảnh hưởng sớm, làm họ mất phương hướng, không nhận ra cả những vị trí quen thuộc nhất trong nhà.
Đến năm 2005, vợ chồng Giáo sư Moser phát hiện ra mấu chốt tiếp theo của hệ thống định vị ở não bộ khi xác định được một nhóm tế bào chuyên biệt khác thuộc vỏ não nội khứu (nằm kế hồi hải mã), được xếp thành một mạng lưới và có vai trò điều phối những bản đồ đã được lưu trữ để hình thành “đường đi nước bước”. Theo Ủy ban Nobel, những nghiên cứu nói trên giúp chúng ta hiểu được cách thức các dạng tế bào chuyên biệt phối hợp với nhau để thực hiện những nhận thức “cao cấp”. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để giải mã tiếp về khả năng tư duy của con người như trí nhớ, suy nghĩ, lập kế hoạch công việc…
Giáo sư John O’Keefe sinh năm 1939 ở thành phố New York (Mỹ), lấy bằng tiến sĩ về sinh lý – tâm lý ở Canada. Từ năm 1967 bắt đầu nghiên cứu và giảng dạy thần kinh học ở Đại học College London (Anh). Ông được nhận 50% giải thưởng, tức 4 triệu krona (hơn 550.000 USD). Vợ chồng Giáo sư May-Britt (sinh năm 1963) và Edvard I.Moser (sinh năm 1962) nhận phần còn lại của giải thưởng. Hai nhà khoa học này đều đang nghiên cứu và giảng dạy về thần kinh học tại Đại học Khoa học kỹ thuật Trondheim (Na Uy). Họ là cặp vợ chồng thứ 4 cùng nhận giải Nobel. |
Lan Chi