Phòng ngừa viêm nướu răng ở trẻ em

Viêm nướu răng là một bệnh rất thường gặp ở trẻ em do nhiễm trùng những mô mềm xung quanh nâng đỡ cho răng. Nếu nướu của trẻ bị sưng và chảy máu khi chải răng, trẻ có thể bị viêm nướu.

Viêm nướu răng là gì?

Bệnh nướu răng diễn tiến qua nhiều giai đoạn khác nhau, nguyên nhân chính là từ độc tố do vi khuẩn trong cao răng tiết ra, gây kích thích nướu và vi khuẩn xâm chiếm ở xung quanh kẽ răng làm nướu sưng đỏ.

Nguyên nhân nào làm trẻ bị bệnh viêm nướu?

Nguyên nhân trực tiếp của bệnh viêm nướu là mảng bám hình thành trên răng. Vi khuẩn mảng bám tồn tại càng lâu thì mức độ nghiêm trọng mà chúng có thể gây ra càng lớn. Nếu mảng bám không được làm sạch đúng mức bằng cách đánh răng và dùng chỉ nha khoa hàng ngày, nó sẽ tạo ra độc tố kích thích mô nướu gây viêm nướu.

Như vậy, nguyên nhân chủ yếu gây ra viêm nướu răng ở trẻ là do trẻ vệ sinh răng miệng không sạch, dẫn đến tình trạng tích tụ chất bẩn và vi khuẩn quanh răng, nhất là ở khe nướu.

Các bậc cha mẹ có thể nhận biết trẻ bị viêm nướu bằng cách kiểm tra bàn chải đánh răng.

Làm sao để sớm nhận biết trẻ bị viêm nướu?

Có thể dựa vào các dấu hiệu sau:

Sưng nhẹ ở viền và gai nướu là biểu hiện của viêm nướu ở giai đoạn đầu. Nướu của trẻ bình thường màu hồng, khi bị viêm nướu, tùy theo mức độ nhẹ thì nướu trẻ sẽ có dấu hiệu bị ửng đỏ, sưng phồng; nặng hơn, nướu của trẻ có dấu hiệu bị sưng đỏ và tấy. Nướu sẽ không còn dai chắc mà sẽ trở nên mềm và bở. Ở mức cao hơn có thể thấy trẻ dễ bị chảy máu nướu răng khi chạm phải hay chảy máu tự nhiên. Nguyên nhân là do các vi khuẩn gây viêm sản sinh ra độc tố khiến nướu trở nên nhạy cảm, dễ chảy máu.

Khi bị viêm nướu, trẻ đánh răng rất dễ bị chảy máu răng và nướu của trẻ có thể đau khi đánh răng. Có những trường hợp có trẻ bị sưng nướu răng rất đau, kèm theo lưỡi, môi và miệng bị lở, gây rát. Vì nướu bị đau nên nhiều trẻ không chịu đánh răng thường xuyên. Ở các trẻ nhỏ, một số bậc cha mẹ khi chùi răng cho trẻ, thấy trẻ đau, khóc không chịu cho chùi răng nên các bậc cha mẹ không dám vệ sinh răng miệng cho trẻ nữa, làm cho tình trạng viêm nướu tiếp tục nặng hơn.

Các bậc cha mẹ có thể nhận biết trẻ bị viêm nướu bằng cách kiểm tra bàn chải đánh răng, của trẻ sau khi trẻ đánh răng để xem, nếu thấy một “chút màu hồng” của các sợi lông bàn chải đánh răng đó là máu còn tích tụ lại trong khi đánh răng.

Miệng trẻ có mùi hôi, hơi thở của trẻ có mùi khó chịu khi có mủ giữa răng và nướu răng.

Ngoài ra, trẻ bị viêm nướu thường có biểu hiện ăn ít, bỏ ăn do đau nướu. Các bậc cha mẹ cần để ý kiểm tra răng miệng của trẻ.

Viêm nướu răng có để lại hậu quả gì cho trẻ?

Vệ sinh răng miệng kém dẫn đến tích tụ nhiều mảng bám trên bề mặt răng gây ra phản ứng viêm, có biểu hiện khu trú hay lan rộng, đỏ và sưng ở nướu. Ảnh hưởng sớm nhất đến trẻ dễ dàng nhận thấy đó là hơi thở của trẻ có mùi hôi.

Viêm nướu nhẹ là nướu trở nên đỏ và lan rộng, nhưng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh viêm nướu trở thành nguy hại vì bệnh tiến triển thầm lặng. Ở giai đoạn đầu của bệnh, nướu răng dễ bị chảy máu, sưng đỏ khi đánh răng hoặc chà mạnh.

Giai đoạn sau đó, vi khuẩn sẽ tấn công và bám sâu hơn xuống chân răng đồng thời làm nướu bị tách rời chân răng. Do nướu răng bị tổn thương trầm trọng, mủ xuất hiện quanh cổ răng dẫn đến tình trạng tiêu xương hàm, làm tổn thương toàn bộ các tổ chức xung quanh răng, dây chằng và xương ổ răng bị phá hủy.

Khi viêm nướu không điều trị sớm thì mô nâng đỡ răng sẽ bị phá hủy làm nướu bị tụt, xương ổ răng bị tiêu làm răng lung lay. Răng sẽ lung lay ở nhiều mức độ nặng hay nhẹ, cuối cùng dẫn đến tình trạng rụng răng.

Cần làm gì để giúp trẻ

Điều trị bệnh viêm nướu sẽ rất hiệu quả nếu bệnh được phát hiện đúng lúc ở giai đoạn khởi phát. Bệnh viêm nướu là giai đoạn đầu của bệnh nướu răng và dễ dàng điều trị nhất. Cần nhanh chóng đưa trẻ đến khám BS. Răng hàm mặt (RHM) ở các bệnh viện Nhi để thăm khám và điều trị bệnh viêm nướu cho trẻ. Khi trẻ bị viêm nướu, các bậc cha mẹ không nên tự ý mua thuốc điều trị, việc tự ý điều trị thường không trị được tận gốc bệnh mà khiến bệnh âm ỉ kéo dài và việc điều trị sau này sẽ khó khăn hơn.

Tùy vào tình hình bệnh, BS. RHM sẽ áp dụng điều trị tại chỗ bằng các loại dung dịch sát khuẩn vùng miệng hay có thể phối hợp thêm thuốc kháng sinh uống, vitamin PP và vitamin C.

Khi bị viêm nướu, trẻ đánh răng rất dễ bị chảy máu. Vì vậy, rất nhiều bậc cha mẹ khi chùi răng cho trẻ, thấy chảy máu và sợ con đau nên đã không dám vệ sinh răng miệng cho trẻ nữa hoặc ở các trẻ lớn khi đánh răng thấy vùng nào đó chảy máu nhiều thường trẻ sợ không dám đánh mạnh, chính vì điều này khiến tình trạng viêm nướu lại càng nặng thêm. Do đó, nướu răng của trẻ cần được chùi sạch sẽ nhiều lần trong ngày bằng bàn chải đánh răng mềm. Đối với trẻ dưới 3 tuổi, nên dùng gạc quấn vào ngón tay trỏ của mình nhúng vào nước chín để nguội, chà răng và nướu của bé.  Cho trẻ ăn bưởi cũng là một biện pháp giúp trẻ ngừa bệnh viêm nướu. Ăn bưởi sẽ giúp tăng lượng vitamin C trong máu, tăng sức đề kháng để chống lại các vi khuẩn gây viêm nướu

Làm thế nào để phòng ngừa viêm nướu răng ở trẻ em?

Yếu tố quyết định đến sự lành mạnh của răng và nướu là việc lấy đi mảng bám răng hàng ngày. Để phòng ngừa viêm nướu cho trẻ, quan trọng nhất là vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng, cần chắc chắn rằng những mảng bám hoàn toàn bị loại bỏ mỗi ngày bằng cách đánh răng.

Tốt nhất nên chải răng cho trẻ ngay sau khi ăn, trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy. Cha mẹ cần kiểm tra xem trẻ đánh răng đã thật sạch thức ăn dính trên răng và các mảng bám chưa. Điều này sẽ giúp trẻ phòng ngừa cao răng và sự tích tụ mảng bám trên răng.

Một điều cần nhớ là các bậc cha mẹ cần phát hiện các triệu chứng viêm nướu răng sớm và nhanh chóng đưa trẻ đến BS. RHM điều trị để giúp bệnh chóng lành. Cần đưa trẻ đi khám răng định kỳ 3 – 6 tháng/lần để kiểm tra các vấn đề răng miệng và yêu cầu kiểm tra nướu răng cho trẻ mỗi khi đi khám răng định kỳ và lấy cao răng thường xuyên theo chỉ định của BS. Khi bệnh được phát hiện sớm thì việc chữa trị dễ dàng, ít tốn kém và khả năng chữa khỏi nhanh chóng hơn.

 

ThS.BS. NGUYỄN QUỐC DŨNG(Theo Báo Sức khỏe và Đời sống)