Việc phát hiện ra protein PfSEA-1 của các nhà khoa học Mỹ sẽ giúp mở ra triển vọng lớn trong công tác nghiên cứu và phát triển vắc xin phòng ngừa sự nhân bản của các ký sinh trùng sốt rét, căn bệnh gây hơn 600.000 ca tử vong mỗi năm trên thế giới.
Theo công trình nghiên cứu vừa được công bố ngày 22 tháng 5 trên Tạp chí Science (Mỹ), các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện ra một loại protein tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất các kháng thể ức chế sự nhân lên của các ký sinh trùng sốt rét. Phản ứng miễn dịch này có thể phát triển thành một loại vắc xin để chống lại các chủng ký sinh trùng nguy hiểm nhất của sốt rét, căn bệnh là nguyên nhân của hơn 600.000 ca tử vong mỗi năm, chủ yếu là thanh niên, trẻ em ở châu Phi ở phía Nam sa mạc Sahara.
Protein này (hay gọi là “kháng thể”), được gọi tên là PfSEA-1, làm giảm tỉ lệ ký sinh trùng trong nhiều trẻ em và người lớn bị nhiễm bệnh trong khu vực châu Phi, nơi luôn có dịch sốt rét. Những con chuột được cấy loại protein này trong vắc xin thử nghiệm cũng cho thấy mức độ ký sinh trùng trong máu của chúng giảm hẳn.
Các nhà nghiên cứu từ Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm Quốc gia NIAID (Mỹ) cho biết việc phát hiện ra loại protein này có thể được xem như một đóng góp hết sức quan trọng đối với nhóm ức chế các phân tử đang được sử dụng trong vắc xin thử nghiệm chống lại bệnh sốt rét. Kháng thể này trước hết phong tỏa ký sinh trùng gây bệnh (được truyền qua muỗi cái) rồi sau đó xâm nhập vào sâu trong các tế bào hồng cầu và ngăn ngừa các ký sinh trùng sinh sôi nảy nở thêm. Những người sống ở những vùng ủ bệnh sốt rét phát triển tự nhiên miễn dịch bảo vệ có thể hạn chế lượng ký sinh trùng trong máu. Điều này hạn chế nguy cơ sốt cao hoặc có các triệu chứng nặng hơn.
Để phục vụ cho những nghiên cứu của mình, các nhà khoa học đã lấy mẫu máu của trẻ em Tanzania 2 tuổi (lứa tuổi có thể kháng hoặc rất dễ bị sốt rét). Sau khi tiến hành các phân tích di truyền và một loạt các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm, họ đã xác định các protein PfSEA-1 ngăn các ký sinh trùng sốt rét lây nhiễm sau khi chúng đã xâm nhập vào các tế bào hồng cầu. Các nhà khoa học đã cấy kháng thể mới này vào 5 nhóm chuột thí nghiệm và thấy rằng trong chúng, lượng ký sinh trùng sốt rét có tỉ lệ thấp nhất so với những con bị bệnh. Vì vậy, chúng sống sót lâu hơn so với những con không được cấy kháng thể.
Ngoài ra, các tác giả của những cuộc nghiên cứu này đã đo lượng kháng thể trong các mẫu huyết tương của 453 trẻ em người Tanzania. Họ nhận thấy không có trường hợp sốt rét nặng trong thời gian máu của chúng còn tồn tại lượng các kháng thể PfSEA-1. Cuối cùng, các nhà nghiên cứu đã phân tích mẫu huyết tương của 138 bé trai và đàn ông tuổi từ 12 đến 35 sống ở những vùng dịch sốt rét ở Kenya, và thấy rằng những người còn tồn tại kháng thể này trên người có lượng ký sinh trùng thấp hơn 50% so với những người không có loại kháng thể này.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, một nửa dân số thế giới có nguy cơ bị mắc bệnh sốt rét. Trong năm 2010, có khoảng 216 triệu ca bị mắc, trong đó có 660.000 ca tử vong được ghi nhận, đặc biệt là ở trẻ em ở vùng Nam sa mạc Sahara của châu Phi. Trong những năm gần đây, cũng đã có một số người mắc Plasmodium knowlesi, một bệnh sốt rét của khỉ sống ở một số vùng rừng thuộc Đông Nam Á.
Theo vnmedia