Một nghiên cứu mới cho thấy, những đứa trẻ sử dụng màn hình quá nhiều thời gian có thể sẽ gặp phải nhiều yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh đái tháo đường typ 2.
Xem ti vi, chơi trò chơi điện tử hoặc ngồi trước màn hình máy tính hoặc các thiết bị khác trong hơn ba giờ mỗi ngày có liên quan đến tình trạng tăng lượng mỡ của cơ thể và đề kháng insulin. Điều đó có nghĩa là cơ thể giảm khả năng kiểm soát lượng đường trong máu (đường huyết), các nhà nghiên cứu người Anh cho biết. Việc hạn chế thời gian sử dụng màn hình của trẻ có thể cần thiết để ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe sau này.
Nhóm nghiên cứu, dẫn đầu là Claire Nightingale đến từ Đại học St. George tại London cho biết: “Các phát hiện của chúng tôi gợi ý rằng việc giảm thời gian sử dụng màn hình có thể có lợi trong việc giảm các yếu tố nguy cơ đái tháo đường typ 2 ở cả nam và nữ và ở các nhóm dân tộc khác nhau từ khi còn nhỏ”. “Điều này đặc biệt có mối liên quan với sự gia tăng đái tháo đường typ 2, sự xuất hiện sớm của nguy cơ đái tháo đường typ 2, và các xu hướng gần đây chỉ ra rằng thời gian dành cho các hoạt động liên quan đến màn hình đang gia tăng ở trẻ em và có thể ảnh hưởng đến những hành vi liên quan đến màn hình trong cuộc sống sau này.
Nhóm tác giả giải thích, một nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng những người lớn dành nhiều thời gian trước màn hình ti vi hoặc máy tính có nguy cơ cao về tăng cân và đái tháo đường typ 2.
Do những người trẻ tuổi sử dụng ngày càng nhiều các thiết bị như máy tính bảng và điện thoại thông minh, các nghiên cứu cứu viên đã tiến hành điều tra xem liệu những nguy cơ này có áp dụng đối với trẻ em.
Nghiên cứu bao gồm thông tin sức khỏe của gần 4500 trẻ em từ 9 đến 10 tuổi, đến từ 3 thành phố của Vương quốc Anh: Birmingham, Leicester và London.
Các thông số của trẻ về mức cholesterol, kháng insullin, lượng đường trong máu lúc đói, dấu ấn sinh học biểu hiện tình trạng viêm, huyết áp và lượng mỡ cơ thể đã được đo. Những đứa trẻ cũng được hỏi một cách chi tiết về việc sử dụng ti vi, máy vi tính, trò chơi điện tử, và các thiết bị khác hàng ngày.
Khoảng 4% trẻ không bao giờ xem TV hoặc sử dụng thiết bị điện tử. Hơn 1/3 số trẻ có thời gian sử dụng màn hình ít hơn một giờ mỗi ngày. Trong những trẻ còn lại, 28% dành tới 2 giờ trước màn hình, 13% lên đến 3 giờ, và 18% dành hơn 3 giờ mỗi ngày ngồi trước ti vi hoặc các thiết bị điện tử khác.
Sử dụng màn hình quá nhiều phổ biến ở các bé trai hơn bé gái. Các nhà nghiên cứu cho biết trẻ em người gốc châu Phi hoặc Caribbean thường dành 3 giờ hoặc hơn trước màn hình hơn trẻ em da trắng hoặc châu Á.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy tổng lượng mỡ trong cơ thể của trẻ tăng lên cùng với thời gian sử dụng màn hình. Các chỉ số cụ thể về chất béo trong cơ thể, như độ dày nếp gấp da (skin fold thickness) và khối lượng chất béo, đều cao hơn ở những đứa trẻ sử dụng màn hình nhiều hơn 3 giờ mỗi ngày so với những trẻ chỉ sử dụng 1 giờ hoặc ít hơn.
Thời gian sử dụng màn hình cũng liên quan đến nồng độ leptin – một hormon tham gia kiểm soát sự thèm ăn và kháng insulin của trẻ, các nhà nghiên cứu cho biết. Điều này là đúng mặc dù cho các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến các yếu tố nguy cơ đái tháo đường typ 2 ở trẻ em như thu nhập gia đình, giai đoạn dậy thì và mức độ hoạt động thể chất.
Các tác giả lưu ý rằng những phát hiện của họ không chứng minh được mối quan hệ nhân quả, nhưng nó có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng vì ngày càng nhiều trẻ em thường xuyên sử dụng các thiết bị điện tử.
Nghiên cứu được công bố trực tuyến ngày 13/3 trên Tạp chí về Bệnh Trẻ em (Archives of Disease in Childhood).
Đỗ Thị Anh Đào*, T.A, dịch từ Medlineplus.gov
*Sinh viên Trường Đại học Dược Hà Nội