Tác hại về mắt do dùng điện thoại di dộng không đúng cách

Theo các nhà nghiên cứu bệnh học về mắt cho rằng: Việc sử dụng điện thoại quá nhiều với cự ly gần là một trong những nguyên nhân làm gia tăng các triệu chứng có hại cho mắt. Nhưng trong thực tế, nhiều người đã và đang sử dụng smarphone lại ít quan tâm đến vấn đề này.

Một chiếc điện thoại thông minh từ lâu đã trở thành vật dụng không thể thiếu đối với nhiều người. Nó có công dụng rất quan trọng, người sử dụng không những có thể nghe, gọi, nhắn tin mà còn có thể truy cập mạng internet, chơi game, nghe nhạc, đọc sách, truyện, xem phim, chụp ảnh,…
Sự tích hợp đa chức năng và hữu dụng này cũng chính là những lý do chính khiến người ta có thể cắm mắt vào smarphone hàng tiếng đồng hồ mà không hề biết chán.
Mỗi khi ngồi trên xe buýt, đứng ở một góc phố chờ ai đó, khi ở nhà, lúc đi dạo,… nhiều người vẫn có thói quen cắm mắt vào điện thoại di động với khoảng cách quá gần mà không hề hay biết, việc làm này là nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý về mắt.
Theo các nghiên cứu trên thế giới, dùng điện thoại quá lâu với khoảng cách gần là nguyên nhân gây lão hóa mắt, làm tăng khả năng đục thủy tinh thể, gây các tật khúc xạ về mắt như cận thị,… Bên cạnh đó, dùng điện thoại vào ban đêm trong môi trường bóng tối gây ra rất nhiều tác hại do ánh sáng xanh thu hút sự chú ý cao độ của đôi mắt, dễ gây mỏi, nhức, đau mắt và lâu dần có thể làm tăng nguy cơ cận thị.
Ánh sáng của màn hình điện thoại, nó có hại cho mắt gần giống như màn hình máy tính, ti vi. Nếu chúng ta xem máy điện thoại liên tục, lâu dài với cự ly gần, nó có khả năng làm tăng nguy cơ thoái hóa hoàng điểm, cận thị hoặc đau, mỏi mắt, giảm thị lực,…
Theo một nghiên cứu thông kê ở Mỹ cho thấy việc xem điện thoại liên tục, lâu dài sẽ dẫn đến lão hóa hoàng điểm ở mắt nhiều hơn, nhất là những người trẻ tuổi. Lão hóa hoàng điểm thực chất là bệnh gây lão hóa mắt, khiến người trẻ có thị lực kém và bị già hóa mắt trước tuổi.
Trong giai đoạn công nghệ phát triển như hiện nay, khả năng mắc các bệnh lý về mắt của người dân ngày càng gia tăng. Nếu trước đây chỉ những người chăm học dễ bị cận thị thì nay đã mở rộng phạm vi ra rất nhiều, bao gồm những người thường xuyên sử dụng tivi, máy tính, các thiết bị cảm ứng như điện thoại, ipad,…Trong đó, phổ biến nhất vẫn là 2 thiết bị máy tính và điện thoại.
Vậy, dùng điện thoại như thế nào là hợp lý?
+ Khoảng cách an toàn khi sử dụng smartphone tối thiểu là 30 – 40cm.
+ Để cỡ chữ vừa phải.
+ Tránh đọc smarphone trong phòng tối, nên ngồi trong phòng sáng, tốt nhất là nơi có ánh sáng tự nhiên.
+ Đo khám mắt: Những người thường xuyên tiếp xúc với máy tính, điện thoại đi động,…dễ bị nguy cơ tật khúc xạ và cần phải đo khám khúc xạ để chọn loại kính mắt phù hợp.
+ Sử dụng nước mắt nhân tạo: Nên dùng nước mắt nhân tạo để tránh tình trạng khô mắt, và để mắt nghỉ ngơi, tránh nhìn màn hình mỗi 20 phút.
+ Đừng có đọc điện thoại di động liên tục.

+ Luyện tập thị giác: Theo các chuyên gia tư vấn, bạn nên áp dụng quy tắc 20-20-20: đó là cứ sau 20 phút làm việc với máy điện thoại, máy tính, hãy nhìn vào một vật nào đó trong 20 giây ở cách xa 20 feet (khoảng 6m). Sự nghỉ ngơi này sẽ giúp mắt và hệ thần kinh của bạn được thư giãn.
+ Dành thời gian tĩnh tâm: Theo các nghiên cứu, việc sử dụng máy tính hay smartphone thường xuyên có thể dẫn đến sự gia tăng sản xuất cortisol, một hormone gây stress. Mức cortisol cao, sẽ kéo theo các vấn đề liên quan đến mất ngủ, lo lắng, trầm cảm. Tĩnh tâm bằng cách thực hành yoga, ngồi thiền hoặc đi dạo,…
+ Không nhìn màn hình trước khi đi ngủ: Việc sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin trước khi đi ngủ sẽ kích thích tinh thần và gây ra các vấn đề về giấc ngủ. Tốt nhất nên tắt máy tính, tivi và điện thoại ít nhất hai giờ trước khi đi ngủ để bạn cảm thấy dễ ngủ và ngủ ngon hơn.

Ts. Bs. Nguyễn Đức Hoàng