Tại sao béo phì dễ bị ung thư?

Hiện nay, béo phì đang gia tăng như một bệnh dịch. Béo phì liên quan đến một loạt các bệnh lý khác ở cả hệ thống nội tiết, tim mạch, tiết niệu, hô hấp…

Trong khi tương quan giữa béo phì với đái tháo đường, tăng huyết áp và bệnh tim mạch được chú ý, thì mối liên hệ giữa béo phì và ung thư lại ít được lưu tâm đúng mức.

        

BÉO PHÌ UNG THƯ 1A BÉO PHÌ & UNG THƯ 3

THẾ NÀO LÀ UNG THƯ

Cơ thể con người cấu thành từ hàng tỷ tế bào sống. Những tế bào này phát triển, phân chia và chết đi theo trật tự có kiểm soát: Trẻ em tế bào đang tăng trưởng, các tế bào phân chia nhanh chóng.Người trưởng thành, hầu hết các tế bào chỉ phân chia để thay thế tế bào hao mòn, chết hoặc để sửa chữa thương tích mà thôi.

Axit nhân DNA trong nhân tế bào chỉ đạo tất cả các hoạt động của tế bào, tăng trưởng, tử vong, tổng hợp protein … Khi DNA bị hỏng, các tế bào cơ thể phát triển vượt khỏi tầm kiểm soát thường lệ và chúng trở thành tế bào ung thư. Các tế bào ung thư phát triển, tăng trưởng khác với tế bào bình thường: nó không chết đi, mà tiếp tục phát triển mạnh và hình thành các tế bào ung thư mới. Ngoài ra, các tế bào này cũng có thể xâm nhập, di căn, đến các mô khác và vẫn phát triển thêm ở các vị trí mới này, ví dụ ung thư vú có thể chạy vào hạch, phổi.v.v…

NGUYÊN NHÂN UNG THƯ

Ung thư có nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khác nhau tùy theo sinh học và sinh lý bệnh của nó. Axit nhân DNA có thể bị tổn thương kế thừa từ cha mẹ hoặc tự phát trong suốt đời người do đột biến. Tổn thương DNA cũng có thể xảy ra khi con người phơi nhiễm với một số yếu tố, độc chất từ môi trường sống. Nói chung, khó xác định nguyên nhân và thời điểm chính xác các yếu tố nguy cơ tác động lên con người.

Đột biến gene

Tế bào có thể bị đột biến do: (1) lỗi ngay trong hệ thống nhân tế bào. Những lỗi này có thể tích lũy, nên người già mắc ung thư nhiều hơn giới trẻ, (2) lỗi hệ thống thông tin (nội tiết) của tế bào, dẫn đến việc truyền các tín hiệu lỗi đến các tế bào khỏe mạnh gần đó, (3) những tế bào di căn phá vỡ các tế bào khoẻ mạnh, và (4) các tế bào bất thường “không chịu” chết.

Yếu tố nguy cơ

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các yếu tố nguy cơ ung thư bao là: (1) Hút thuốc lá, (2) Uống bia rượu, (3) Thừa cân và béo phì, (3) Các yếu tố dinh dưỡng, ăn thừa đường, thiếu rau trái, nhiều thịt đỏ…, (4) Không hoạt động thể chất, (5) Nhiễm trùng mãn tính như helicobacter pylori HP, viêm gan siêu vi B (HBV), viêm gan C (HCV) và một số loại virut gây u nhú ở người (HPV).., (6) Môi trường và nghề nghiệp bao gồm bức xạ ion hoá và không ion hóa..

  Các tác nhân chính gây ung thư

* Hoá chất gây ung thư

Nhiều loại hóa chất có thể gây ung thư. Các hóa chất này có thể có trong tự nhiên như thạch miên (amiang, abestos), thạch tín vô cơ (inorganic arsene).., trong công nghiệp (benzene, hydrocarbon thơm đa vòng) hay trong sinh hoạt như chế biến thức ăn (aflatoxin, acrylamide, acrolein, nitrosamine…).

* Bức xạ ion hóa

– Các bức xạ do khí radon và tiếp xúc kéo dài với tia cực tím từ ánh nắng mặt trời có thể dẫn đến khối u ác tính và các khối u ác tính khác ở da.

– Phương pháp xạ trị cho một loại ung thư cũng có thể gây ra một loại ung thư khác. Chẳng hạn, những người tiếp nhận liệu pháp xạ trị ngực cho u lympho có thể phát triển thành ung thư vú.

* Nhiễm virut và vi khuẩn

Một số bệnh ung thư có thể là do nhiễm trùng gây bệnh. Đáng chú ý trong số này bao gồm ung thư gan do nhiễm bệnh viêm gan B và C; ung thư cổ tử cung do nhiễm trùng với virut gây ra ở người (HPV); Virus Epstein Barr gây ra u lympho Burkitt và ung thư dạ dày hoặc dạ dày do nhiễm Helicobacter pylori.

 * Di truyền

– Các ví dụ phổ biến là ung thư vú kế thừa và các gen ung thư buồng trứng bao gồm BRCA1 và 2. Hội chứng Li-Fraumeni bao gồm khiếm khuyết trong gen p53 dẫn đến ung thư xương, ung thư vú, sarcomas mô mềm, ung thư não   – Những người có hội chứng Down được biết là phát triển ung thư ác tính như bệnh bạch cầu và ung thư tinh hoàn.

 * Thay đổi nội tiết

Đáng chú ý trong số đó là sự thay đổi trong lượng hóc môn nữ estrogen. Estrogen dư thừa thúc đẩy ung thư tử cung.

* Rối loạn miễn dịch

Khả năng miễn dịch bị suy giảm bao gồm nhiễm HIV dẫn đến một số bệnh ung thư bao gồm sacôm Kaposi, ung thư hạch không Hodgkin và các bệnh ung thư HPV liên quan như ung thư hậu môn và ung thư cổ tử cung.

THỪA CÂN, BÉO PHÌ VÀ UNG THƯ

Béo phì có nguy cơ mắc các ung thư gì ?         

BÉO PHÌ UNG THƯ 1B

Theo kết quả khảo sát của nhiều trung tâm nghiên cứu trên thế giới, tỷ lệ tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư của người thừa cân, béo phì so với người bình thường như sau: (1) Ung thư tử cung: tăng lên 4-7 lần, đặc biệt ở những phụ nữ mãn kinh chưa sử dụng liệu pháp hormon thay thế; (2) Ung thư thực quản: cao gấp 2-4 lần; (3) Ung thư dạ dày: cao gần gấp đôi; (4) Ung thư gan: cao gấp đôi; (5) Ung thư thận: cao gấp đôi; (6) Đa u tủy: tăng nguy cơ từ 15- 20%; (7) U màng não: tăng lên từ 25- 50%; (8) Ung thư tụy: cao gấp 1,5 lần; (9) Ung thư đại tràng: cao hơn 30%; (10) Ung thư túi mật: tăng 60% , phụ nữ cao hơn nam giới; (11) Ung thư vú: trước mãn kinh tăng 15%, sau mãn kinh tăng từ 20- 40%. Béo phì cũng là một yếu tố nguy cơ ung thư vú ở nam giới; (12) Ung thư buồng trứng: tăng 10%; và (13) Ung thư tuyến giáp: chỉ tăng nhẹ 10%.

  

   Vì sao béo phì dễ bị ung thư

  Từ các nghiên cứu tương quan giữa BMI và tỷ lệ mắc bệnh ung thư của dự án GLOBOCAN, các nhà khoa học ước tính vào năm 2012 tại Hoa Kỳ, khoảng 28.000 trường hợp ung thư ở nam giới (3.5%) và 72.000 ở nữ (9.5%) là do thừa cân hoặc béo phì. Một nghiên cứu năm 2016 ở Hoa Kỳ cho thấy người thừa cân / béo phì mắc nhiều ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến tụy và ung thư vú, đặc biệt phụ nữ sau mãn kinh.

  Các nhà nghiên cứu khoa học đưa ra 6 cơ chế lý giải tại sao thừa cân, béo phì tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư như sau:

  1. Người béo phì thường dễ bị mắc các chứng bệnh hoặc rối loạn liên quan đến hoặc gây ra viêm mãn tính ở mức độ thấp, và theo thời gian viêm sẽ gây tổn thương DNA dẫn tới ung thư. Ví dụ: (1) Viêm mãn tính cục bộ gây ra bởi bệnh trào ngược dạ dày thực quản hoặc thực quản là một nguyên nhân có thể gây ung thư biểu mô tuyến thực quản; (2) Béo phì dễ bị sỏi mật, gây viêm túi mật mãn tính, là nguy cơ gây ung thư túi mật; (3) Viêm đại tràng mãn tính và viêm gan mạn tính (siêu vi,  độc chất) là những yếu tố nguy cơ gây ung thư gan.
  2. Mô mỡ sinh tổng hợp một lượng estrogen dư thừa, nồng độ estrogen cao liên quan gia tăng nguy cơ ung thư vú, nội mạc tử cung, buồng trứng, và một số loại ung thư khác.
  3. Người béo phì thường tăng insulin và insulin growth factor-1 (IGF-1). (cường insulin máu hoặc kháng insulin). Nồng độ Insulin và IGF-1 cao có thể thúc đẩy sự phát triển của ung thư đại tràng, thận, tuyến tiền liệt và ung thư nội mạc tử cung.
  4. Tế bào mỡ tạo ra adipokine, hormone kích thích hoặc ức chế sự phát triển của tế bào. Ví dụ, nồng độ leptin (một adipokine) trong máu tăng lên cùng với sự gia tăng chất béo khi béo phì sẽ thúc đẩy sự gia tăng phát triển tế bào trong cơ thể. Và adiponectin (adipokine khác) có tác dụng chống phát triển mô tế bào (antiproliferative effects) lại giảm thấp ở người béo phì.
  5. Các tế bào mỡ cũng có thể có các tác động trực tiếp và gián tiếp lên các chất điều chỉnh tăng trưởng tế bào khác, bao gồm mTOR (mammalian target of rapamycin) và AMP kinase (AMP-activated protein kinase).
  6. Các cơ chế khác có thể làm béo phì có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư bao gồm thay đổi tính chất cơ học của mô liên kết quanh tế bào vú, thay đổi phản ứng miễn dịch, tác động lên hệ thống kappa beta nhân (nuclear factor kappa beta system) và quá trình stress oxy hóa.

 THAY LỜI KẾT

  Với những nghiên cứu chuyên sâu về chất béo, mô mỡ không chỉ là kho chứa “năng lượng” cho cơ thể mà là một tuyến nội tiết thật sự.

  Dưới phát hiện mô mỡ là một tuyến nội tiết này, nhiều vấn đề khá hóc búa  về nội tiết và chuyển hóa đã dần dần sáng tỏ. Đặc biệt, câu hỏi Tại sao người béo phì có nguy cơ bị ung thư cao hơn người bình thường đã được phần nào lý giải. Như thế, phòng ngừa và chữa béo phì vô hình trung cũng là phòng chống ung thư.