Từ mổ tim kín đến mổ tim hở, đến ghép tim – một chặng đường gian nan

Tim là một cái bơm – nó thực sự là một khối thịt dày và mạnh, không hề mảnh khảnh, dù người ta vẫn dùng nó làm biểu tượng cho tình yêu mong manh dễ vỡ. Trái tim được tạo ra để làm một công việc kéo dài từ 70 năm đến 100 năm, và hơn thế nữa, nó phải liên tục co bóp, không bao giờ được nghỉ ngơi.

Bất cứ một cái bơm nào do con người chế tạo ra, dù hiện đại đến đâu, cũng không thể so sánh được với trái tim. Trái tim là cơ quan chính của cơ thể, chỉ một mình nó phải duy trì bơm máu đi khắp cơ thể trong suốt cả cuộc đời

Chỉ cần tim ngừng làm việc 5 – 6 phút là não bị thiếu oxy, ngưng hoạt động, sau đó các cơ quan khác cũng vậy, kết cục là dẫn đến cái chết.

Đảm trách nhiệm vụ quan trọng như thế, nhưng trái tim – biểu tượng của tình yêu và sự sống sung mãn, vẫn có thể bị bệnh.Vậy làm sao có thể thực hiện ca mổ tim trong khi nó liên tục co bóp?

Từ mổ tim kín đến mổ tim hở, đến ghép tim - một chặng đường gian nanMột ca phẫu thuật tim

Khoa học khám phá dần, chinh phục dần đỉnh cao tri thức. Kẻ chiến thắng hôm nay vẫn có thể chiến bại ngày mai. Trong lĩnh vực phẫu thuật tim cũng thế! Các kỹ thuật mới tốt hơn, hiệu quả và an toàn hơn dần thay thế những kỹ thuật trước đó.

Bước đi thứ nhất đã được sáng tỏ vào năm 1901, khi một bác sĩ đã xoa bóp tim ngay trên bàn mổ cho một bệnh nhân nữ bị ngưng tim đột ngột, xem như đã chết! Trái tim đã đập trở lại, đưa cô trở về với cuộc sống. Người ta nhận ra rằng tim có thể ngừng đập bất kỳ lúc nào trên bàn mổ, kể cả khi can thiệp phẫu thuật tối thiểu, do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Như vậy, xoa bóp tim là một phương pháp táo bạo độc đáo để giúp cho đại đa số phẫu thuật viên an tâm khi bước vào ca mổ.

Sau đó, một phẫu thuật viên khác đã mổ cho bệnh nhân bị viêm dính màng ngoài tim kéo theo rối loạn chức năng tim. Phẫu thuật này đã mở ra một khả năng mổ được hàng loạt bệnh của màng ngoài tim.

Năm 1913, người ta đã mổ cắt gọn toàn bộ màng ngoài tim.

Cũng trong năm đó, một bác sĩ người Pháp Eugen Doyen, người đầu tiên trên thế giới đã đưa dao mổ vào bên trong trái tim để tách mép van hai lá trong bệnh hẹp lỗ van hai lá (mổ mù), nhưng ca mổ không thành công và bệnh nhân đã chết.

Chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã tạo điều kiện cho đa số phẫu thuật viên can thiệp trực tiếp trên trái tim bị thương do vũ khí nóng, vũ khí lạnh. Phẫu thuật viên phải khâu vết thương tim đang phun máu tràn trề che kín cả tầm nhìn của họ (khâu mù). Chính vì thế mà tỉ lệ tử vong sau mổ rất cao, lên đến 40%, dần dần mới hạ xuống mức chấp nhận được.

Năm 1938, bác sĩ Robert Gross, ở Boston, đã thực hiện thành công ca mổ bệnh hở ống Botal, bệnh còn ống động mạch (ống động mạch nối giữa quai động mạch chủ với thân động mạch phổi của thai nhi), bằng bít kín ống Botal, sau đó là thắt ống Botal.

Sáu năm sau đó, vào năm 1944, Gross và Crafort tiến hành phẫu thuật hẹp động mạch chủ trong thực nghiệm và muộn hơn, Alfred Blalock, Halen Taussig mổ lần đầu tiên cho một bệnh nhân bị bệnh tim bẩm sinh loại tím (Fallot)

Kỷ nguyên mổ điều trị các bệnh tim bắt đầu từ đây. Tuy nhiên, các ca mổ chỉ tiến hành ở ngoài trái tim.

Can thiệp trực tiếp vào bên trong trái tim thực sự mới được bắt đầu từ năm 1948, khi Charles Bailey ở Philadelphia cùng Dwight Harken, De Harvard bắt đầu can thiệp vào bên trong trái tim khô (mở tung trái tim ra sửa chữa các tổn thương và dị tật trong tim). Mổ tim hở được thực hiện nhờ những thành tựu to lớn của chuyên khoa gây mê hồi sức, với phương pháp hạ thể nhiệt và áp dụng máy tim phổi nhân tạo – tuần hoàn ngoài cơ thể (Lillehei ở Mỹ, Ephunhi ở Liên xô cũ)

Cũng từ đây, Mỹ bắt đầu mổ tim hở trên người mắc bệnh tim từ 1952 (Bailey), Liên Xô cũng mổ tim hở từ 1957 (Baculev, Petropski). Tiếp theo là hàng ngàn ca mổ tim hở, trong điều kiện tuần hoàn nhân tạo ngoài cơ thể, đã được tiến hành ở nhiều nước châu Âu, châu Á và 19 tháng 5 năm1965 là ở Việt Nam. Mổ tim hở đã mở đường cho ca ghép tim đầu tiên. Ca ghép tim đầu tiên đã được Giáo sư Barnard (Nam Phi) thực hiện thành công ngày 3 tháng 12 năm 1967, tạo nên bước ngoặt lịch sử cho ngành phẫu thuật điều trị các bệnh tim trên thế giới. Sau đó hàng loạt ca ghép tim đã được thực hiện ở châu Âu, châu Mỹ, Liên xô và một số nước châu Á với thời gian sống sau ghép tim từ 18 ngày đến 18 năm (xem bài ghép tim, báo Sức khoẻ Đời sống số 846, tháng 3/2015, trang 28)

Ở Việt Nam trong những năm gần đây, tại Bệnh viện E Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, các bác sĩ nội – ngoại khoa tim mạch đã đạt được thành công ngoạn mục trong các phẫu thuât ghép và sửa van hai lá, van động mạch chủ bằng phương pháp can thiệp tim mạch không xâm lấn. Bệnh viện Vinmec Central Mark ở TP.HCM đã thay van động mạch chủ cho một bệnh nhân cao tuổi nhất trong lịch sử phẫu thuật này – bệnh nhân Nguyễn Văn Đ. 90 tuổi.

Ghép tim là một tiến trình dài không những cần tuân thủ gắt gao quy trình chuyên môn mà còn mang tính nhân văn cao. Trái tim người “hiến” có khi phải đi một quãng đường dài 1.500km theo đường máy bay từ Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, ra Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội; hay 700 km từ Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội  vào Bệnh viện Trung Ương Huế để kịp đến với người “nhận” đúng thời điểm, vượt qua ranh giới thiêng liêng sinh – tử, giành lấy người bệnh từ tay tử thần.

Ngày nay, chúng ta là những người vinh dự được thừa kế và tiếp nối dòng lịch sử phẫu thuật tim ấy. Chúng ta phải tự hào và biết ơn những bậc tiền bối, những người đi trước đã nỗ lực bằng cả tâm huyết, bằng cả cuộc đời, để lại cho chúng ta những thành quả, những kinh nghiệm quý báu.

Chúng ta cũng không quên câu châm ngôn “Con hơn cha là nhà có phúc”, “không thầy đố mày làm nên” để nhận lãnh trách nhiệm tiếp tục phát triển ngành phẫu thuật tim ngày càng hoàn thiện hơn, truyền đạt lại cho thế hệ sau, không dấu nghề, không tự cao tự đại, không chạy theo thành tích…

GS.TSKH.BS. NGUYỄN KHÁNH DƯ